Tại buổi họp báo vào ngày 30.5 về vụ “sáng bị tuyên án, chiều đến tòa án nhảy lầu tử vong”, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước cho biết TAND tỉnh này khẳng định đã xét xử vụ án công tâm, khách quan, đúng pháp luật...
Như Thanh Niên đã thông tin, vào chiều 29.5, ông Lương Hữu Phước (55 tuổi, ngụ P.Tân Xuân, TP.Đồng Xoài, Bình Phước) uống thuốc trừ sâu, nhảy từ lầu 2 trụ sở TAND tỉnh Bình Phước xuống đất và sau đó tử vong. Trước đó, sáng cùng ngày, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm lần 2 đã bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Phước, tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Trong chiều 29.5, trên Facebook cá nhân được cho là của ông Lương Hữu Phước có đăng status với nội dung: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”.
Chủ trì buổi họp báo, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước, đã tóm lược diễn biến của vụ án và cái chết của ông Phước. “Theo TAND tỉnh Bình Phước, việc giải quyết và xét xử vụ án, HĐXX phúc thẩm hoàn toàn công tâm, vô tư, khách quan và dựa trên nguyên tắc tôn trọng chứng cứ để ra phán quyết. Hiện nay, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Tỉnh tiếp tục theo sát, chỉ đạo điều tra đúng quy định của pháp luật”, ông Cường nói.
Từng hủy án để điều tra 11 điểm thiếu sót
Theo nội dung vụ án, khoảng 11 giờ ngày 15.1.2017, sau khi uống rượu ở nhà ông P.V.T tại KP.Phước An, P.Tân Xuân, TX.Đồng Xoài (nay là TP.Đồng Xoài), ông Lương Hữu Phước đi về nhà. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện cho ông Phước nói đến nhà ông T. đổi đôi dép, đồng thời rủ đi hát karaoke.
Trên đường đi, thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên ông Phước chở về nhà ông Quý lấy mũ bảo hiểm. Khi đến gần trước nhà ông Quý, ông Phước rẽ trái qua đường. Khi đến phần đường dành cho xe đi chiều ngược lại, thì bị xe máy do Lâm Tươi điều khiển, chở Trị Tiếp đụng vào gây tai nạn. Đến ngày 17.1.2017 ông Quý tử vong.
Kết quả đo nồng độ cồn trong máu của ông Phước thể hiện 0,69 mg/lít khí thở. Còn Lâm Tươi 0,57 mg/lít khí thở, đồng thời không có giấy phép điều khiển xe máy theo quy định. Ngày 9.5.2017, Cơ quan CSĐT Công an TX.Đồng Xoài khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phước (tại ngoại hầu tra đến phiên xử phúc thẩm lần 2) về hành vi “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Ngày 29.3.2018, TAND TX.Đồng Xoài xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phước 3 năm tù về tội danh trên.
Thẩm phán tham gia xét xử 2 vụ án, có 2 người tự sátTrong HĐXX phúc thẩm vụ án hình sự trên có sự tham gia của thẩm phán Lê Viết Hòa, Phó chánh án TAND tỉnh Bình Phước. Một điều trùng hợp kỳ lạ là thẩm phán Hòa cũng từng tham gia xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tranh chấp đất đai, sau đó bị đơn đã dùng dao tự sát.
Vào ngày 25.9.2014, TAND TX.Đồng Xoài xét xử sơ thẩm vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất”, và tuyên vợ chồng ông Võ Chánh (ngụ P.Tân Bình, TX.Đồng Xoài) phải trả cho vợ chồng ông Lê Quang Dinh diện tích 39,5 m2. Không chấp nhận án sơ thẩm, ông Chánh kháng cáo.
Ngày 21.7.2015, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm, HĐXX gồm 3 thẩm phán: Hoàng Minh Thịnh, Lê Viết Hòa và Nguyễn Văn Khương tuyên y án sơ thẩm. Uất ức trước 2 bản án trên, khoảng 5 giờ ngày 26.7.2015, ông Chánh sang nhà ông Dinh. Tại đây giữa 2 bên cãi vã rồi xô xát. Sau đó, ông Chánh nằm chết gục trên vũng máu. Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi xác định ông Chánh gây thương tích cho gia đình ông Dinh rồi dùng dao tự sát. Đến khi thi hành án, bà Đào Thị Xuân (vợ ông Chánh) phản ứng quyết liệt, tuyên bố sẽ tự sát như chồng mình.
Trước bức xúc này, ngày 6.9.2017 UBND TX.Đồng Xoài đã thành lập đoàn thanh tra xác minh và kết luận diện tích đất mà tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm tuyên buộc vợ chồng ông Võ Chánh trả cho vợ chồng ông Lê Quang Dinh thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Chánh mua của ông Bùi Lũy từ năm 1999. Từ đó, UBND TX.Đồng Xoài đã kiến nghị TAND cấp cao tại TP.HCM tái thẩm vụ án, hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Trả lời PV Thanh Niên về 2 trường hợp trên (ông Phước và ông Chánh), thẩm phán Lê Viết Hòa nói: “Là thành viên trong HĐXX, tôi khẳng định rằng với tinh thần trách nhiệm của thẩm phán được phân công xét xử, bản thân tôi cũng đã nghiên cứu hồ sơ và đưa ra lập luận đánh giá, tài liệu chứng cứ theo hồ sơ vụ án. Các chứng cứ trong vụ án tranh chấp do các đương sự, UBND TX.Đồng Xoài cung cấp, rồi kết quả thu thập chứng cứ của tòa án, bảo đảm là kết quả giải quyết của chúng tôi là chính xác. Tái thẩm để hủy án theo quy định của pháp luật là xuất hiện tình tiết mới. Tình tiết mới thời điểm tòa giải quyết vụ án hoàn toàn không biết được”.
|
Cụ thể, theo lời khai của ông Phước thì trước khi chuyển hướng, bị cáo có bật đèn xi nhan, nhưng một số nhân chứng tại hiện trường khai không thấy (kể cả lời khai ngay tại phiên tòa), biên bản khám nghiệm phương tiện gây tai nạn không thể hiện vị trí công tắc đèn xi nhan mở hay tắt. Hay như biên bản đối chất và lời khai tại phiên tòa sơ thẩm, Lâm Tươi đều khai nhận khi 2 xe cách nhau 50 m, Tươi nhìn thấy ông Phước dừng xe ở lề đường bên trái; khi cách 1 m, Tươi thấy ông Phước băng qua đường và đi từ từ.
Lời khai này mâu thuẫn với lời khai của chính Tươi về tình huống bị bất ngờ khi cách xe ông Phước 5 m, nên không kịp xử lý đã tông xéo vào giữa xe của ông Phước. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT chưa làm rõ hướng va chạm của xe do Lâm Tươi điều khiển đối với chiếc xe do ông Phước điều khiển. Tại phiên tòa, Tươi khai nhận bất ngờ khi gặp xe của ông Phước băng ngang đường nên Tươi bẻ tay lái về bên phải.
Trong trường hợp này thì không thể tạo ra vết cày có điểm cách lề đường 2,2 m nên cần phải tiến hành thực nghiệm điều tra hoặc giám định để xác định hướng tác động. HĐXX cũng đặt câu hỏi trước khi xảy ra tai nạn, Lâm Tươi có quay lại phía sau để nói chuyện với Trị Tiếp như lời khai nhân chứng hay không? Hiện trường vụ án không có vết thắng của xe do Tươi điều khiển, nên cần phải điều tra làm rõ khi điều khiển xe, Tươi có quan sát phía trước hay không, để xác định nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn...
|
Bị cáo kêu oan ra sao ?
Sau khi điều tra bổ sung, ông Lương Hữu Phước vẫn bị truy tố, và ngày 6.12.2019, TAND TP.Đồng Xoài xét xử sơ thẩm lần 2, vẫn tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về tội danh như đã nói trên. Tiếp tục kháng cáo kêu oan, ngày 26.5.2020, TAND Bình Phước xét xử phúc thẩm lần 2, và đến sáng 29.5 tuyên y án sơ thẩm.
Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Phước đều kêu oan vì cho rằng khi chở ông Quý qua đường thì đều có bật xi nhan, rà chân xuống đường. Khi xe cách lề đường bên kia 1 m, thì có một xe máy chạy đến tông vào bên hông xe làm ông và ông Quý té ngã. Hậu quả là ông Quý tử vong. Ông Phước cho rằng cái chết của ông Quý không phải do lỗi của mình, và yêu cầu HĐXX tuyên không phạm tội.
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến (Đoàn luật sư Bình Phước), người bào chữa cho ông Phước, cũng đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, tuyên không phạm tội, vì nguyên nhân gây ra tai nạn do Lâm Tươi điều khiển xe trong tình trạng không có giấy phép lái xe, đã uống rượu…
|
Thành viên HĐXX nói gì ?
Tại buổi họp báo, PV Thanh Niên đặt câu hỏi, vào năm 2018, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại, vậy kết quả điều tra như thế nào?
Tham dự buổi họp báo nhưng bà Phạm Thị Bích Thủy, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước ủy quyền cho thành viên HĐXX trả lời. Theo đó, thẩm phán Lê Hồng Hạnh (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm lần 2) cho biết: “Kết quả điều tra lại đã xác định điểm va chạm phần bánh trước của xe Lâm Tươi tông vào bugi xe máy của Phước. Đây là chứng cứ rất quan trọng để cho HĐXX xem xét, đánh giá cùng với biên bản khám nghiệm hiện trường, phương tiện liên quan đến vụ án”.
Thẩm phán Hạnh nói: “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Trong đó quan trọng nhất là yếu tố lỗi. Lỗi ở đây chúng ta phải xác định trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân. Và qua điều tra, đã xác định được yếu tố lỗi của bị cáo qua đường nhưng không quan sát. Tại phiên tòa, bị cáo khai có quan sát nhưng tất cả những lời trình bày của Lâm Tươi và người có mặt tại hiện trường, thì họ cho rằng đây là đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất. Vậy nếu bị cáo đã quan sát kỹ, thì không thể có việc anh Lâm Tươi ở đâu đó nhảy ra va chạm gây tai nạn giao thông này được”.
Trong hồ sơ vụ án xác định Lâm Tươi uống rượu, không có giấy phép lái xe nhưng vì sao không khởi tố, liệu có bỏ lọt tội phạm? Trả lời câu hỏi này, thẩm phán Hạnh cho biết: “Kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TX.Đồng Xoài có kiểm tra nồng độ cồn đối với Lâm Tươi, vi phạm 0,57 mg/lít khí thở nhưng đây không phải lỗi chính để gây ra cái chết của nạn nhân. Riêng chiếc xe gắn máy được xác định là của Trị Tiếp (anh rể Tươi) nên đã trả lại cho chủ phương tiện”.
Theo bà Hạnh, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Lâm Tươi đã 19 tuổi, đủ tuổi điều khiển xe máy. Việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, về lỗi này do đặc thù ở Bình Phước và cơ quan chức năng không xử phạt lỗi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển. Tươi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không có giấy phép lái xe và có nồng độ cồn. “Như chúng tôi đã nêu, lỗi ở đây phải là lỗi trực tiếp dẫn đến gây tai nạn”, bà Hạnh nói và cho rằng lỗi hành chính khác với lỗi để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Liên quan đến kết luận điều tra lại vụ án, theo TAND tỉnh Bình Phước, về 11 điểm thiếu sót yêu cầu điều tra bổ sung, cũng đã được làm sáng tỏ trong vụ án. Thẩm phán Lê Viết Hòa (thành viên HĐXX) nói: “Các vấn đề của luật sư đưa ra, chúng tôi đã giải thích, làm rõ trong phiên phúc thẩm ngày 26.5. Chúng tôi khẳng định với tinh thần trách nhiệm cao nhất đã xem xét, đánh giá hồ sơ vụ án một cách công tâm, không bỏ lọt tội phạm...”.
Bình luận (0)