TAND tối cao muốn tăng phụ cấp cho hội thẩm từ 90.000 lên 900.000 đồng/ngày

13/12/2023 17:47 GMT+7

Cho rằng mức phụ cấp 90.000 đồng/ngày như hiện nay là rất thấp, TAND tối cao muốn nâng phụ cấp cho hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử lên gấp 10 lần, tức 900.000 đồng/ngày.

Chiều 13.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 28, cho ý kiến về dự án pháp lệnh Chi phí tố tụng. Pháp lệnh này do TAND tối cao chủ trì soạn thảo, nhằm thay thế cho Pháp lệnh số 02/2012 đang có hiệu lực.

TAND tối cao muốn tăng phụ cấp cho hội thẩm từ 90.000 lên 900.000 đồng/ngày - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất nâng mức phụ cấp cho hội thẩm khi tham gia xét xử

TUYẾN PHAN

Đề xuất tăng phụ cấp lên 10 lần

Trình bày tờ trình, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết thời gian qua, TAND tối cao nhận được nhiều kiến nghị của các đoàn đại biểu Quốc hội, đoàn hội thẩm, đại biểu Quốc hội và cử tri đề nghị tăng mức bồi dưỡng cho hội thẩm.

Bởi lẽ, mức bồi dưỡng 90.000 đồng/phiên tòa hoặc ngày làm việc, nghiên cứu hồ sơ tại tòa án như hiện nay là rất thấp; không còn phù hợp, không bảo đảm quyền lợi cho hội thẩm; không khuyến khích được hội thẩm tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử.

Để giải quyết vấn đề trên, TAND tối cao đề xuất nâng mức phụ cấp cho hội thẩm từ 90.000 đồng/ngày lên 900.000 đồng/ngày, tức tăng 10 lần.

Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với chủ trương sửa đổi, nâng mức chi cao hơn quy định hiện hành, nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn sau 11 năm thi hành Pháp lệnh số 02/2012.

Tuy nhiên, dự thảo pháp lệnh quy định mức thù lao cho người làm chứng và phụ cấp xét xử của hội thẩm cao hơn khá nhiều so với hiện hành (thù lao cho người làm chứng nâng từ 50.000 đồng/ngày lên 200.000 đồng/ngày; phụ cấp xét xử của hội thẩm nâng từ 90.000 đồng/ngày lên 900.000 đồng/ngày...).

Do vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải căn cứ sửa đổi các mức chi; tiếp tục cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm đề xuất các mức chi phù hợp; bổ sung đánh giá tác động đầy đủ để bảo đảm tính khả thi của chính sách.

Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ có ý kiến đối với danh mục chi phí thù lao và phụ cấp xét xử kèm theo dự thảo pháp lệnh.

TAND tối cao muốn tăng phụ cấp cho hội thẩm từ 90.000 lên 900.000 đồng/ngày - Ảnh 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 28

GIA HÂN

Có nên phân biệt người hưởng lương từ ngân sách?

Một nội dung quan trọng được TAND tối cao đề cập trong tờ trình, đó là có nên phân biệt mức chi thù lao, tiền công… giữa những người tham gia tố tụng (người định giá, người làm chứng, người phiên dịch, hội thẩm…) là người đang hưởng lương từ ngân sách với người không hưởng lương từ ngân sách?

Sau khi cân nhắc, TAND tối cao quyết định xây dựng dự thảo pháp lệnh theo hướng không phân biệt, tức là người hưởng lương từ ngân sách và không hưởng lương đều được hưởng chi phí tố tụng như nhau.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Tư pháp có 2 loại ý kiến khác nhau.

Nhóm thứ nhất gồm đa số ý kiến tán thành với dự thảo. Bởi lẽ, khi được mời hoặc triệu tập tham gia tố tụng, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng không được giảm bớt phần công việc tại cơ quan nơi đang công tác. Pháp luật hiện hành (từ năm 2012 đến nay) cũng quy định chế độ thù lao, tiền công, bồi dưỡng với những người này nhưng không đặt vấn đề phân biệt mức chi giữa người đang hưởng lương ngân sách với người không hưởng lương ngân sách.

Bên cạnh đó, các mức chi phí tố tụng đều rất thấp và chỉ mang tính chất như khoản bồi dưỡng một phần công sức, thời gian tham gia tố tụng.

Riêng với hội thẩm, về bản chất, đây là chế định nhân dân tham gia xét xử, khi tham gia xét xử phải đảm nhiệm công việc rất nặng nề khác với chuyên môn của mình. Hội thẩm có quyền ngang với thẩm phán và cũng phải chịu trách nhiệm theo luật Bồi thường của Nhà nước nếu để xảy ra oan sai.

Nhóm thứ hai là số ý kiến còn lại, đề nghị cân nhắc có sự phân biệt về mức chi giữa người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước với người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước để bảo đảm sự công bằng. Lý do, trong thời gian được mời hoặc triệu tập tham gia tố tụng, những người này vẫn nhận lương từ ngân sách do cơ quan chủ quản chi trả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.