Vì sao TAND tối cao muốn đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện?

09/11/2023 15:08 GMT+7

TAND tối cao đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết đa số ý kiến không tán thành.

Chiều 9.11, Quốc hội thảo luận về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi. Luật này do TAND tối cao chủ trì soạn thảo, nhằm sửa đổi, bổ sung cho luật Tổ chức TAND năm 2014 đang có hiệu lực.

Vì sao TAND tối cao muốn đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện? - Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

GIA HÂN

Có cần thiết đổi tên tòa án cấp tỉnh và huyện?

Theo dự thảo, TAND tối cao đề xuất đổi mới mô hình tổ chức ngành tòa án, trong đó tên gọi TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện. Ví dụ, TAND TP.Hà Nội đổi thành TAND phúc thẩm Hà Nội, TAND Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) đổi thành TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm.

Cơ quan soạn thảo cho hay, việc thay đổi như trên nhằm thể chế hóa nhiệm vụ bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của tòa án.

Thời gian tới, TAND tối cao sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho TAND sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. Khi ấy, TAND phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến không tán thành với dự thảo, vì việc đổi tên gọi chỉ là về hình thức, không thay đổi nội dung. Các tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền xét xử.

Chưa kể, việc thay đổi như vậy dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương; phải sửa đổi nhiều luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; phát sinh chi phí tuân thủ.

Ngược lại, một số ý kiến tán thành với dự thảo luật. Việc đổi tên sẽ giúp bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử; quan hệ giữa các tòa án là quan hệ tố tụng, không phải là quan hệ hành chính.

Vì sao TAND tối cao muốn đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện? - Ảnh 2.

TAND tối cao đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến mô hình tổ chức ngành tòa án

TUYẾN PHAN

Bổ nhiệm thẩm phán không thời hạn

Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định thẩm phán có 4 ngạch, gồm sơ cấp, trung cấp, cao cấp và TAND tối cao. Nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Trong dự thảo, TAND tối cao đề xuất đổi mới ngạch thẩm phán, rút gọn từ 4 xuống còn 2, gồm thẩm phán (có 9 bậc) và thẩm phán TAND tối cao (có 2 bậc). Cùng với đó, nhiệm kỳ của thẩm phán cũng được thay đổi: nhiệm kỳ đầu vẫn là 5 năm, nhưng nếu được bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ tiếp theo sẽ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

Cơ quan soạn thảo nhận định, những thay đổi trên sẽ khắc phục hạn chế, bất cập liên quan đến việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách cho thẩm phán; giúp thẩm phán tăng tính độc lập, không bị yếu tố bên ngoài tác động, hạn chế tình trạng thôi việc…

Cho ý kiến, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành đối với quy định tại dự thảo luật về nhiệm kỳ của thẩm phán. Lý do, thẩm phán là chức danh tư pháp, không phải người giữ chức vụ, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ khác của TAND. Quy định như dự thảo góp phần tăng cường tính độc lập của thẩm phán khi xét xử và để thẩm phán yên tâm công tác.

Riêng về vấn đề ngạch, bậc thẩm phán, ngoài số đông ủng hộ, một số ý kiến cho rằng quy định như dự thảo chưa bảo đảm sự phân hóa về tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác của các ngạch thẩm phán; chưa phù hợp với quy định về ngạch của luật Cán bộ, công chức; chưa đồng bộ với các chức danh tư pháp của cơ quan điều tra, viện kiểm sát.

Vì sao TAND tối cao muốn đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện? - Ảnh 3.

Dự thảo của TAND tối cao cũng đề xuất nhiều thay đổi liên quan đến chức danh tư pháp là thẩm phán

TUYẾN PHAN

Bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ

Một nội dung đáng chú ý khác, dự thảo luật Tổ chức TAND được sửa đổi theo hướng tòa án không còn nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Theo đó, trong vụ việc dân sự và vụ án hành chính, tòa án sẽ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp và kết quả tranh tụng để xét xử. Thay đổi này giúp tòa án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan; bởi nếu tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập có thể sẽ không đầy đủ.

Song song với việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ, TAND tối cao cũng quy định tòa án sẽ hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc; đồng thời hỗ trợ các đương sự là người yếu thế thu thập chứng cứ.

Cho ý kiến thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với dự thảo luật. Dù vậy, vẫn còn một số quan điểm không tán thành.

Nhóm không tán thành cho rằng, theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính thì tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong trường hợp nhất định, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Do đó, luồng quan điểm trên đề nghị quy định rõ những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.