Nguyễn Minh Thư đã rời vùng quê nghèo xa típ tắp tận Nghệ An để khăn gói vào Sài Gòn học đại học. Đó là chuyến đi xa nhất trong đời cô gái nghèo miền núi. Năm 2 đại học cũng đánh dấu cột mốc sắp tới cái tết thứ 2, Thư không về nhà. Nhớ lắm những cơn mưa rào bất chợt ngày xuân, nhớ da diết mâm cơm trên bàn thờ đêm 30 tết, nhớ quay quắt cảnh cả nhà sum vầy trong thời khắc đầu năm… nhưng Minh Thư nhẩm tính một chuyến về quê ngày tết, thời điểm vé tàu xe tăng cao ngất ngưởng làm “bay” mất của 2 đứa em nhỏ 2 bộ đồ mới xúng xính ngày tết, “bay” thêm của cô 2 tháng trọ học. Vậy là cô quyết định ở lại Sài Gòn.
Giá như Sài Gòn… ồn ã hơn!
Năm ngoái, Thư tranh thủ làm thêm, bán hàng hội chợ đến tận đêm 30 tết. Về đến phòng trọ đã gần nửa đêm, giấc ngủ đến với cô gái 19 nhanh như một cái chớp mắt. Đó là lần đầu tiên kể từ khi có trí khôn, cô không đón giao thừa.
Giật mình tỉnh giấc khi đã non 8 giờ sáng, mất một chút thảng thốt, Minh Thư nhận ra đó là ngày mùng một tết. Giờ này ở ngoài quê, bố mẹ và 2 em chắc đang quây quần bên mâm cơm đầu năm, hẳn là không thể thiếu những lát bánh tét mới ráo vớt từ nồi bánh vừa chín tới lúc giao thừa. Gia đình cô vẫn có thói quen nấu bánh đến tận đêm 30 như thế. Chao ôi cái cảnh thức đêm canh nồi bánh tét bên ánh lửa bập bùng và những câu chuyện rì rầm mới ấm áp làm sao! Thư vội vã gọi điện thoại về quê, nghe giọng cô em út 4 tuổi giận dỗi: “Em không cần áo đầm hồng chị gởi, chỉ cần chị về đây cơ!”. Đó là cái tết đầu tiên, cả nhà không bên nhau trọn vẹn. Lúc đó, Thư đã hứa với em “nhất định năm sau chị sẽ về”.
Nhưng khoản tiền dành dụm mua vé xe về tết của Thư đã “bốc hơi” hồi tháng trước, sau một trận viêm tai giữa. Bài toán cơm áo gạo tiền với sinh viên xa nhà đôi khi thật nghiệt ngã. Vậy là cô đành thất hứa, dẫu cái cảm giác trơ trọi giữa căn phòng trọ vắng hoe, niềm mong mỏi cho Sài Gòn ồn ã hơn giữa phố phường bỗng dưng rộng thênh thang của hồi năm ngoái vẫn còn khiến cô gái quê thấy trống vắng đến tận hôm nay. Những giây phút được sum vầy ấm cúng bên gia đình, được đẫm mình giữa tràn trề yêu thương trong gian bếp nhỏ, được hạnh phúc mỉm cười bên bà con lối xóm thân quen trong những ngày đầu năm mới thiêng liêng, mới khắc khoải, mới nhớ nhung làm sao với đứa con xa nhà…
Chuyến xe đầy ắp tình đoàn viên
Những hoàn cảnh như Minh Thư không phải là ít giữa Sài thành phồn hoa. Mỗi năm, có rất nhiều sinh viên không đủ khả năng tài chính để về quê sum vầy ngày tết. Vé tàu xe đội giá dịp tết càng làm cho niềm mơ ước sum vầy của nhiều bạn trẻ trở nên xa vời.
Thấu hiểu điều đó, nhiều năm qua Báo Thanh Niên kết hợp với các mạnh thường quân tổ chức chương trình Tết sum vầy để tạo điều kiện cho những ai có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc sum vầy đầu xuân bên gia đình, người thân, bạn bè.
|
Bắt đầu từ ngày 1.12.2018, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn tham gia chương trình có thể đăng ký tại Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM (33 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) hoặc đăng ký qua website tetsumvay.thanhnien.vn
Tất cả thông tin liên quan đến chương trình Tết sum vầy, bao gồm danh sách sinh viên được tặng vé xe sẽ được đăng tải tại tetsumvay.thanhnien.vn
|
Bình luận (0)