'Tăng biên chế, chi ngân sách có nên lập lực lượng an ninh trật tự cơ sở?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/06/2023 11:48 GMT+7

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cấp có thẩm quyền, Quốc hội và cả cơ quan soạn thảo cân nhắc có nên thành lập lực lượng an ninh trật tự cơ sở hay không nếu làm tăng biên chế, chi ngân sách và không công bằng với các lực lượng.

Sáng 24.6, Quốc hội thảo luận về luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Tại dự thảo luật, Chính phủ đề nghị thống nhất 300.000 người thuộc các lực lượng hiện có 3 lực lượng: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời bố trí thành các tổ bảo vệ an ninh trật tự tại 103.568 thôn, tổ dân phố trên cả nước.

'Tăng biên chế, chi ngân sách có nên lập lực lượng an ninh trật tự cơ sở?' - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến thảo luận tại tổ

GIA HÂN

Tăng biên chế và chi ngân sách khi lập lực lượng là lo lắng chính của các đại biểu. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), với 103.568 đơn vị cấp thôn, tổ dân phố tương ứng sẽ có 103.568 tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, dự thảo luật không quy định mỗi tổ có bao nhiêu thành viên mà giao cho trưởng công an xã quyết định, đồng thời HĐND cấp tỉnh quyết định mức chi phù hợp với điều kiện địa phương.

"Từ chỗ không quy định cụ thể nên rất khó tính tổng biên chế sẽ là bao nhiêu và chế độ chính sách, phụ cấp cũng không biết là bao nhiêu", ông Hòa băn khoăn.

Phỏng đoán mỗi tổ khoảng 5 thành viên thì tổng số thành viên sẽ là 517.840 người, cao hơn con số 300.000 người mà Chính phủ báo cáo. 

Cạnh đó, ông Hòa tính toán, nếu chi bồi dưỡng mỗi thành viên bằng hệ số 1 mức lương cơ sở và các khoản khác thì trung bình mỗi thành viên được hưởng khoảng 2 triệu đồng/tháng. "Như vậy, tổng cả nước phải chi 1.000 tỉ đồng mỗi tháng", ông Hòa tính toán.

Bên cạnh đó, ông Hòa cho rằng, hiện nay ở thôn, tổ dân phố có nhiều lực lượng khác nhau nên nếu luật hóa chỉ được một bộ phận nhỏ, chủ yếu là công an xã dôi dư, tổ trưởng dân phố, đội trưởng, đội phó dân phòng.

Do đó, việc chỉ một bộ phận nhỏ lực lượng được hưởng chế độ chính sách theo quy định sẽ không công bằng với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, các tổ chức mặt trận, đoàn thể tại thôn, ấp… theo ông Hòa, sẽ gây tâm lý bất ổn, so bì.

Trong khi đó, hiện nay, các lực lượng trên đã và đang rất ổn định, cùng phối hợp hoạt động tốt với công an xã trong thực thi nhiệm vụ.

"Từ những thông tin trên, tôi đề nghị cấp thẩm quyền, Quốc hội, cơ quan soạn thảo cân nhắc có nên thông qua luật này hay không nếu tăng chi ngân sách, tăng biên chế và tổ chức bộ máy, không công bằng với các đối tượng khác cùng tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc", ông Hòa kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ nghĩa vụ lực lượng an ninh cơ sở, tránh lạm quyền

Địa phương đảm bảo kinh phí không thực sự khả thi

Cũng băn khoăn vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, dẫn dự thảo cho biết, kinh phí bảo đảm trang thiết bị, cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở do địa phương bảo đảm. Đối với địa phương khó khăn về ngân sách được T.Ư hỗ trợ để thực hiện theo khả năng.

'Tăng biên chế, chi ngân sách có nên lập lực lượng an ninh trật tự cơ sở?' - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Tuấn nêu ý kiến thảo luận

GIA HÂN

Ông Tuấn phân tích, như vậy, kinh phí hoạt động và trang thiết bị cơ sở vật chất cho lực lượng này chủ yếu do ngân sách địa phương bảo đảm. Điều này không thực sự khả thi, nhất là với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách trong khi nhu cầu về số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự, thành viên tại các thôn, tổ dân phố ngày càng tăng do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Ông Tuấn cũng dẫn tờ trình của Chính phủ cho biết, hiện có 103.000 đơn vị cấp thôn, tổ dân phố, nếu mỗi thôn, tổ dân phố có ít nhất một tổ và mỗi tổ ít nhất 3 thành viên thì cả nước có trên 300.000 người. Con số này còn cao hơn nữa vì khi cần thiết địa phương có thể tiếp tục tăng số tổ, hoặc lập thêm.

Từ đó, ông Tuấn đề nghị điều chỉnh theo hướng kinh phí hoạt động và trang thiết bị của lực lượng do ngân sách nhà nước bảo đảm một phần và một phần từ nguồn tài chính huy động từ các nguồn khác để giảm bớt gánh nặng với ngân sách địa phương. 

Ông cũng đề nghị nên luật hóa quỹ hỗ trợ thành lập tổ an ninh trật tự ở cơ sở, do các xã trực tiếp huy động, quản lý và sử dụng. 

Việc chi bồi dưỡng cho các thành viên sẽ lấy từ nguồn này, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ nơi khó khăn, thúc đẩy xã hội hóa trong huy động nguồn lực đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.