Tăng cường chống thất thu, chuyển giá

05/05/2016 07:06 GMT+7

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thường kỳ tháng 4, diễn ra trong hai ngày 4 - 5.5.

Thông cáo của Văn phòng Chính phủ phát đi cuối ngày 4.5 cho biết, trong ngày đầu tiên của phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận báo cáo kinh tế xã hội do Bộ KH-ĐT trình bày; nghe Bộ TN-MT báo cáo thêm về vấn đề cá chết ở miền Trung...


Báo cáo của Bộ KH-ĐT tại phiên họp cho biết, trong 4 tháng đầu năm có gần 35.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 248.244 tỉ đồng, tăng 22,9% về số DN và tăng 52,8% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN cũng tăng hơn 24% so với cùng kỳ, đạt mức 7,1 tỉ đồng. Đáng chú ý, có 11.311 DN trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng nay quay lại hoạt động, tăng gần 79,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi thời gian này năm ngoái chỉ tăng chưa tới 8%. Tuy vậy, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước, với con số gần 9.500. Bên cạnh đó, vẫn còn xấp xỉ 15.700 DN tạm ngừng hoạt động (không đăng ký hoặc chờ giải thể). Ngoài ra vẫn còn hơn 3.750 công ty hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sau một tháng Chính phủ được kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phương thức chỉ đạo, điều hành là phải chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ. "Chính quyền của chúng ta không được trở thành gánh nặng của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý: "Cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho. Cái gì thị trường làm được thì để thị trường làm, Chính phủ tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường cho đầu tư kinh doanh phát triển. Cần phân cấp, phân quyền rõ ràng. Cái gì bộ, ngành, địa phương làm tốt thì để bộ, ngành, địa phương làm, không đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ".
Về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả; giảm dần lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; chú trọng xử lý nợ xấu.
Bộ Tài chính tăng cường chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; cơ cấu lại chi ngân sách gắn với đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, không để vượt trần; quản lý chặt chẽ, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế đấu thầu và mua sắm công tập trung, có giải pháp huy động hiệu quả nguồn lực từ tài sản công; xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ KH-ĐT có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, giải ngân các dự án đầu tư công; sớm hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đánh giá hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng dưới hình thức PPP để có giải pháp phù hợp...
Bộ Công thương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản; kiểm soát nhập khẩu, triển khai các hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan phù hợp; tăng cường phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, giải quyết tốt vấn đề biên mậu…
Thừa nhận dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song người đứng đầu Chính phủ khẳng định kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016, quyết tâm phấn đấu tăng trưởng 6,7%, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.