Chính phủ báo cáo xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn

16/11/2015 11:39 GMT+7

(TNO) Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn.

(TNO) Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: Ngọc Thắng
Sáng nay 16.11, Quốc hội bắt đầu chương trình chất vấn các thành viên Chính phủ, với nhiều đổi mới so với các kỳ họp trước. Hình thức chất vấn được thay đổi theo hướng tất cả các thành viên Chính phủ đều phải có mặt và các ĐBQH có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào của Chính phủ liên quan đến các vấn đề còn tồn tại cũng như các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Trước khi bắt đầu phiên chất vấn trực tiếp, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao về việc thực hiện và thẩm tra thực hiện các nội dung giám sát, chất vấn và kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.
Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015.
Áp lực trả nợ lớn
Theo Phó thủ tướng, trong lĩnh vực tài chính, các nội dung giám sát và chất vấn tập trung vào việc quản lý giá, thực hiện lộ trình giá thị trường, tái cấu trúc và phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, chống thất thu, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước và quản lý nợ công.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi, tăng trưởng thấp hơn dự kiến, trong khi nhu cầu tăng chi ngân sách nhà nước cho con người, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và đầu tư phát triển rất lớn, Quốc hội cho phép duy trì bội chi NSNN ở mức phù hợp (bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 5,3% GDP, năm 2015 là 5%).
Chính phủ cũng đánh giá: cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao. Quản lý và sử dụng NSNN ở một số bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi NSNN. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Việc sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương ở một số dự án hiệu quả còn thấp. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhìn chung còn chậm.
Nợ xấu còn chiếm 2,93% tổng dư nợ
Trong lĩnh vực ngân hàng, báo cáo của Chính phủ đánh giá công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa. Điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và lạm phát; mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011.
Thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống được cải thiện. Điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2014 tăng 12,6%/năm; dự kiến năm 2015 tăng khoảng 17%; cơ cấu chuyển dịch tập trung hơn cho các lĩnh vực ưu tiên.
Theo Chính phủ, từ năm 2011 đến tháng 9.2015, tổng doanh số cho vay đạt trên 171 nghìn tỉ đồng; tổng dư nợ cho vay trên 137 nghìn tỉ đồng với hơn 8 triệu khách hàng. Chính phủ đã tập trung triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
“Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối trong hệ thống các TCTD về cơ bản đã được xử lý và kiểm soát. Đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên nguyên tắc tự nguyện; giảm 17 tổ chức và 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có đánh giá tích cực về việc cơ cấu lại các TCTD của Việt Nam”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo.
Cũng theo báo cáo, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD; tăng cường thu hồi, cơ cấu lại, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của TCTD; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Qua đó, nợ xấu đã được kiểm soát, đến cuối tháng 9.2015 còn 2,93% (tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9.2015 về mức 2,93% tổng dư nợ, trong khi từ 2012 đến tháng 9.2015 đã xử lý được 98,09% nợ xấu - tương đương 455,79 nghìn tỉ đồng. Trong đó, bán nợ xấu cho VAMC chiếm 42% và các biện pháp TCTD tự xử lý chiếm 58%).
Lũy kế từ năm 2013 đến 30.9.2015, VAMC đã mua 191 nghìn tỉ đồng nợ xấu của 39 TCTD với số lượng 15.257 khách hàng vay và 23.206 khoản nợ; phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 14.846 tỉ đồng (trong đó thu hồi nợ từ khách hàng vay là 10.949 tỉ đồng, bán nợ là 2.789 tỉ đồng, bán tài sản bảo đảm là 1.108 tỉ đồng).
Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ cũng cho hay, việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn. Còn một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Việc tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.