Tờ Nikkei Asia vừa dẫn nguồn tin thân cận cho hay chính phủ Nhật Bản sắp thông qua kế hoạch cho phép xuất khẩu chiến đấu cơ, tên lửa và một số loại vũ khí sát thương cho 12 quốc gia bao gồm: Úc, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý và 5 quốc gia Đông Nam Á.
Bước tiến mới của Tokyo
Vào năm 2014, Nhật Bản đã thiết lập các nguyên tắc cơ bản liên quan việc chuyển giao khí tài quốc phòng theo hướng nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí mà nước này áp dụng suốt nhiều thập niên kể từ sau Thế chiến 2. Tuy nhiên, các nguyên tắc năm 2014 chỉ áp dụng giới hạn đối với các loại phương tiện quân sự phục vụ công tác cứu hộ, vận chuyển, giám sát, cảnh báo, quét mìn... chứ chưa bao gồm vũ khí sát thương. Sau đó, Nhật đã xuất khẩu hệ thống radar cho Philippines và hỗ trợ cung cấp tàu tuần tra cho một số nước.
Nhật Bản có thể sắp chuyển giao máy bay săn ngầm P-3 Orion cho một nước Đông Nam Á |
Defense News |
Lần này, các điều khoản “cởi trói” các hạn chế về xuất khẩu vũ khí dự kiến được chốt lại vào tháng 6 tới và bắt đầu được áp dụng từ tháng 3.2023.
Nhiều năm qua, tuy hiến pháp giới hạn các hoạt động quân sự bên ngoài quốc gia cũng như xuất khẩu vũ khí, nhưng ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản không ngừng phát triển. Đến nay, nước này đã nâng cấp các tàu khu trục chở máy bay trực thăng lớp Izumo để trở thành các tàu sân bay có thể mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35. Nhật Bản cũng đã tự sản xuất chiến đấu cơ Mitsubishi F-2 từ dòng F-16 của Mỹ, đồng thời phát triển máy bay săn ngầm Mitsubishi P-1 để thay thế P-3 Orion do Mỹ cung cấp.
Hiện tại, Nhật Bản cũng tiến hành tự lắp ráp chiến đấu cơ F-35, đồng thời đang tự phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6. Nước này cũng đang phát triển tên lửa bội siêu thanh có tốc độ hơn 5 lần vận tốc âm thanh. Ngoài ra, dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-10 do nước này tự phát triển hiện được đánh giá là một trong các loại xe tăng hiện đại, uy lực nhất thế giới.
Xe tăng T-10 của Nhật Bản được đánh giá rất cao |
reuters |
Mục tiêu thay đổi cán cân quân sự khu vực
Nhận xét khi trả lời Thanh Niên ngày 28.5, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: “Quyết định bán vũ khí quân sự của chính phủ Nhật Bản vẫn bị hạn chế bởi một số điều kiện như quốc gia mua không trong tình trạng lâm vào nội chiến hoặc chiến tranh, cùng một số điều kiện khác mang nhiều sắc thái hơn”.
Tuy nhiên, theo ông thì việc Nhật thông qua vấn đề bán vũ khí sát thương cho nước khác cũng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của cả bên mua lẫn bên bán. Kèm theo đó, việc cung cấp vũ khí còn giúp Nhật Bản thắt chặt quan hệ ngoại giao với các đối tác trong khu vực.
Chiến đấu cơ F-35 trên tàu lớp IZumo của Nhật |
US MARINE |
“Việc có thể bán vũ khí để các nước trong khu vực Thái Bình Dương phòng vệ sẽ giúp nâng cao khả năng phòng thủ giữa Nhật Bản với các đối tác. Vũ khí được chuyển giao cho các đối tác đáng tin cậy, tạo ra một mạng lưới các quốc gia có vũ khí, tiêu chuẩn và thách thức an ninh tương tự. Qua đó, Nhật Bản với tư cách là bên bán cũng có cơ hội thắt chặt chính phủ với các mối quan hệ của chính phủ, củng cố mối quan hệ ngoại giao của Nhật Bản với bên mua”, PGS Nagy phân tích.
Theo tờ Nikkei Asia, kế hoạch thông qua việc cho phép xuất khẩu vũ khí được Nhật Bản đặt song hành Chiến lược An ninh quốc gia mới của nước này nhằm ứng phó các thách thức nổi lên trong khu vực. Cụ thể hơn là Nhật Bản sẽ hướng đến cung cấp vũ khí cho các đối tác đã có thỏa thuận hợp tác an ninh để tăng cường phối hợp cân bằng sức mạnh quân sự Trung Quốc.
“Trong tương lai, việc Nhật Bản cung cấp vũ khí và hỗ trợ huấn luyện sẽ giúp các quốc gia đang gặp thách thức về an ninh củng cố năng lực đẩy lùi tham vọng của các cường quốc đang muốn thay đổi trật tự, luật lệ quốc tế ở Biển Đông hoặc những nơi khác”, PGS Nagy dự báo.
Chiến đấu cơ Mitsubishi F-2 |
Jerry Gunner |
Như thế, với việc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản có thể sớm thúc đẩy việc chuyển giao một số loại khí tài cho các bên trong khu vực. Trong đó, theo một số thông tin quân sự thì Nhật có thể cung cấp loại máy bay săn ngầm P-3 Orion cho một nước Đông Nam Á đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Triều Tiên vừa nâng cấp thành công tên lửa liên lục địa ?
CNN dẫn lời 3 quan chức Mỹ ngày 28.5 tiết lộ sau khi CHDCND Triều Tiên thực hiện một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo hồi đầu tuần, tình báo Mỹ đang đặt câu hỏi phải chăng Bình Nhưỡng đã nâng cấp thành công năng lực mới cho tên lửa liên lục địa.
Theo đó, Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo vào ngày 25.5, trong đó có một tên lửa bay theo quỹ đạo bất thường. Hai quan chức Mỹ mô tả đường bay của tên lửa này là “cung đôi”, khi tên lửa tăng rồi hạ độ cao hai lần.
Quỹ đạo trên đặt câu hỏi phải chăng Bình Nhưỡng đang thử nghiệm bước tiến mới trong 2 giai đoạn của tên lửa. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn chưa rõ những gì họ quan sát được có phải là quỹ đạo đã được tính toán trước hay không.
H.G
Trung Quốc đạt thêm một thỏa thuận song phương ở Thái Bình Dương
AFP đưa tin Samoa vừa ký thỏa thuận song phương với Trung Quốc vào ngày 28.5, cam kết phối hợp nhiều hơn, trong lúc Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công du 8 nước trong khu vực. Chưa rõ chi tiết thỏa thuận, nhưng thỏa thuận rò rỉ trước đó được gửi đến một số quốc gia vạch ra kế hoạch mở rộng phối hợp về an ninh và kinh tế.
Thông cáo báo chí của chính phủ Samoa xác nhận rằng ông Vương Nghị và Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata’afa đã gặp gỡ và thảo luận về “biến đổi khí hậu, đại dịch và hòa bình, an ninh”. Truyền thông địa phương được mời đến chứng kiến việc ký kết thỏa thuận, nhưng ban tổ chức không trả lời câu hỏi.
Thỏa thuận còn gồm việc hỗ trợ xây dựng một phòng thí nghiệm dấu vân tay của cảnh sát, bên cạnh một học viện cảnh sát đã được thông báo, sau những thỏa thuận trước đó của Trung Quốc về việc “xây dựng năng lực” cho lực lượng thực thi pháp luật tại Quần đảo Solomon.
Thông cáo cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển hạ tầng trong nhiều lĩnh vực của Samoa và sẽ có bộ khung mới cho các dự án tương lai “sẽ được quyết định và đồng ý song phương”.
Khánh An
Bình luận (0)