Thủ tướng Kishida muốn Nhật không còn ôn hòa ?

27/05/2022 20:25 GMT+7

Với việc áp dụng chủ nghĩa hiện thực vào chính sách đối ngoại, Thủ tướng Kishida có thể sẽ khiến Nhật Bản phải từ bỏ "căn tính" của nước này, vốn hình thành sau thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thủ tướng Kishida đến thăm Doanh trại Asaka ở Tokyo ngày 27.11.2021

afp

"Đông Á là Ukraine ngày mai" đã trở thành một trong những câu nói yêu thích của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Kể từ khi Nga đưa quân sang Ukraine hồi cuối tháng 2, ông đã thường xuyên nhắc lại câu này, lo ngại về nguy cơ những xung đột tương tự sẽ xảy ra trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, theo Nikkei Asia, ông Kishida ủng hộ việc tăng cường khả năng răn đe quân sự để phòng thủ, đi ngược lại chính sách an ninh ôn hòa truyền thống đã trở thành yếu tố quan trọng trong căn tính nước Nhật kể từ sau Thế chiến 2.

"Tôi muốn có những cuộc thảo luận bình tĩnh và thực tế về những gì chúng ta cần để bảo vệ người dân", ông nói.

Từ bỏ căn tính

Chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế là một trường phái lý luận cho rằng cán cân quyền lực, không phải thể chế hay lý tưởng, là yếu tố chính quyết định trật tự quốc tế và vị trí của từng quốc gia trong đó. Theo lý thuyết này, chủ nghĩa hòa bình (pacificism) lý tưởng của Nhật Bản - nơi mà hiến pháp cấm thành lập quân đội (thay vào đó nước này có Lực lượng Phòng vệ) hay can dự vào chiến tranh - đã trở nên lạc hậu với thế giới mới hậu Ukraine.

Giờ đây, cách tiếp cận "hiện thực" về quốc phòng của ông Kishida về cơ bản coi trọng khả năng răn đe, bằng cả lực lượng của chính Nhật Bản và lực lượng của đồng minh Mỹ. Nói cách khác, chủ nghĩa hiện thực đồng nghĩa với việc từ bỏ căn tính của Nhật Bản vốn hình thành sau khi nước này bại trận trong Thế chiến 2.

Ngay cả trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, ông Kishida đã báo hiệu việc từ bỏ hàng thập kỷ duy trì nguyên trạng trong đối ngoại của Nhật Bản. Từng là ngoại trưởng, ông công bố cách tiếp cận của mình về chính sách đối ngoại vào tháng 12, kêu gọi "kỷ nguyên mới" của ngoại giao dựa trên chủ nghĩa hiện thực cứng rắn và triệt để. Ba yếu tố chính trong cách tiếp cận này là: nhấn mạnh các giá trị phổ quát, nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu, và bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người Nhật.

Tetsuo Kotani, giáo sư tại Đại học Meikai, giải thích: "Phe mà ông Kishida đứng đầu vốn được coi là phe ôn hòa, nhưng tôi đoán ông nhắm đến việc thu phục những người bảo thủ trong đảng bằng cách tích hợp chính sách của mình với quan niệm truyền thống về chủ nghĩa hiện thực, vốn tìm kiếm sự cân bằng quyền lực".

"Bằng cách thêm vào cụm tử 'kỷ nguyên mới', ông dường như đang cố gắng giảm bớt giọng điệu diều hâu của cách tiếp cận này, nhưng trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, có khả năng giọng điệu chủ nghĩa hiện thực sẽ được nhấn mạnh trong thời gian tới", vị chuyên gia nhận định.

Đội lính danh dự tại Doanh trại Asaka

afp

Dưới thời ông Kishida, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng từ 1% lên 2% GDP hoặc hơn trong vòng 5 năm tới. "Khi chúng tôi xem lại các văn kiện về quốc phòng, bao gồm cả chiến lược an ninh quốc gia sẽ được ban hành vào cuối năm nay, tôi muốn tăng cường triệt để năng lực phòng thủ của chúng ta",ông Kishida nói với Nikkei.

"Mọi người đều muốn hòa bình, nhưng không thể đạt được hòa bình chỉ bằng cách kêu gào. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tạo ra một nền hòa bình lâu dài", một thành viên cốt cán trong đảng nói", một thành viên chủ chốt trong LDP nói với Nikkei.

Song câu hỏi vẫn là: Liệu Nhật Bản đã chuẩn bị đầy đủ cho một tương lai "hiện thực chủ nghĩa" như vậy không? Chiến sự ở Ukraine thể hiện rõ giá trị của khả năng răn đe. Đối với Nhật Bản, đó là bài học về tầm quan trọng của việc duy trì một nền quốc phòng vững chắc trong thời bình.

Liệu Nhật đã sẵn sàng?

Chẳng hạn trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc đại lục tấn công, các hạn chế đối với lực lượng Mỹ ở Nhật Bản có thể trở thành một vấn đề. Do Hiệp định Trạng thái Lực lượng giữa hai nước, Nhật Bản có khả năng không thể mở các cảng và sân bay của mình cho Mỹ nếu tình huống như vậy xảy ra. Điều này là do luật an ninh của Nhật Bản không bao gồm "các giả định trong thời bình", và do đó không cho phép phản ứng cụ thể trừ khi một mối nguy hiểm rõ ràng và cận kề đối với Nhật Bản được tuyên bố chính thức.

Một số người tin rằng thủ tướng có thể ban bố tình trạng khẩn cấp ngay cả trước khi mối nguy hiểm rõ ràng và cận kề như vậy xảy ra. Song điều này sẽ phức tạp và không thực tế trong thời bình. Do đó, nhiều chuyên gia an ninh ở Nhật đang kêu gọi đảng cầm quyền và phe đối lập hợp tác về lập pháp để tăng cường khả năng phòng thủ thời bình của đất nước.

Trung Quốc không phải là mối đe dọa duy nhất đối với Nhật Bản. Triều Tiên đã nhiều lần tiến hành các vụ phóng tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể chạm tới đất liền Mỹ. Việc Nhật Bản thiếu khả năng phản công có thể là lý do thúc đẩy các hành động Triều Tiên.

Do đó, ở châu Á, cấp độ cơ bản nhất của chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa hiện thực mà ông Kishida theo đuổi sẽ hướng đến mục tiêu răn đe Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời hợp tác với các nước châu Á khác. Cách tiếp cận này có thể được nhìn thấy trong các chuyến công du nước ngoài của ông Kishida kể từ khi trở thành thủ tướng. Một nửa số quốc gia mà ông đã đến là ở châu Á.

Tên lửa Triều Tiên là một mối đe dọa đối với Nhật Bản

reuters

Song trước mắt, ông cần củng cố quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là Hàn Quốc. Các nhà quan sát đang theo dõi xem liệu quan hệ Nhật - Hàn, được cho là tệ nhất trong nhiều thập kỷ, có được cải thiện hay không. Chính phủ Nhật Bản đã đá quả bóng này sang sân Seoul, với chính quyền mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol. Tokyo có thể đang chờ xem liệu ông Yoon xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm Moon Jae-in, người đã xích lại gần Trung Quốc và Triều Tiên, hay không.

Ông Kishida là ngoại trưởng khi Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận về vấn đề "phụ nữ mua vui" vào năm 2015, qua đó cả hai bên khẳng định rằng vấn đề đã được giải quyết xong xuôi và không thể đảo ngược, và ông Kishida tập trung vào việc đảm bảo các nước thực hiện cam kết của mình. Một phụ tá thân cận của thủ tướng Nhật cho biết phía Hàn Quốc sẽ cần phải thận trọng về điểm này.

Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố rằng họ muốn tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, với chính phủ thiểu số, không dễ để ông Yoon đưa ra những nhượng bộ táo bạo với Nhật Bản nhằm cải thiện quan hệ.

Trong khi đó, tại hội nghị thượng đỉnh Nhật - Mỹ ngày 23.5, hai nước đã cam kết hướng đến "tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của liên minh", đặc biệt là đối với các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuyên bố chung cũng vạch ra chính sách để giữ Nhật Bản dưới ô hạt nhân của Mỹ, và cam kết về một chiến lược an ninh chung.

Đối với Nhật Bản, cảm giác an toàn mà trước đây nước này nhận được từ sự hậu thuẫn của Mỹ đã phai nhạt. Trên hết, bất kỳ mối đe dọa an ninh nào đối với Đông Á đều là mối đe dọa đối với Nhật Bản. Trong khi theo quan điểm của Mỹ, các đồng minh của họ cần phải chia sẻ gánh nặng quốc phòng và Mỹ hy vọng Nhật Bản sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong mối quan hệ đồng minh.

Đây là trọng tâm của chính sách đối ngoại mới theo chủ nghĩa hiện thực của Thủ tướng Kishida nhằm mục đích mang châu Á lại với nhau và giành được sự tin tưởng của phần còn lại thế giới.

Dư luận ủng hộ

Ý tưởng về chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa hiện thực đang gây được tiếng vang lớn đối với công chúng Nhật Bản hơn bao giờ hết. Theo một cuộc thăm dò gần đây của Nikkei, hơn 60% số người được hỏi ủng hộ cách ông Kishida phản ứng trước cuộc chiến Ukraine cho đến nay. 44% số người được hỏi nói rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga là "phù hợp" và 42% cho rằng chúng "cần được tăng cường hơn nữa".

Kể từ khi ông Kishida nhậm chức vào tháng 10.2021, tỷ lệ hài lòng với ông chưa bao giờ giảm xuống dưới 50%, trái ngược hoàn toàn với người tiền nhiệm Yoshihide Suga. Tỷ lệ hài lòng gần đây nhất là 64%, gần như không thay đổi so với khi ông nhậm chức. Điều này hiếm thấy ở Nhật Bản, nơi nhiều cử tri nhanh chóng cảm thấy nhàm chán với các chính trị gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.