"Vĩnh biệt ông, người cha, người thầy kính yêu. Cái tên của hai cháu Thiện Thanh và Đăng Quang, ông đã tin yêu dành tặng. Các cháu sẽ khôn lớn, trưởng thành để ông ra đi với nụ cười trong tim”, những lời tiễn biệt NSND Trung Kiên của ca sĩ Thanh Lam được chị chia sẻ trên trang cá nhân khiến nhiều người xúc động.
|
Trước ngày diễn ra lễ viếng NSND Trung Kiên, con trai ông - nhạc sĩ Quốc Trung đã nhắn gửi với mọi người về việc gia đình xin phép không nhận vòng hoa và phong bì phúng viếng.
“Gia đình tôi là những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nên muốn tang lễ diễn ra trang trọng, ấm áp, tình cảm, văn minh và để bảo vệ môi trường. Sự hiện diện của quý vị tại tang lễ cùng sự chia sẻ mất mát với gia đình đã là điều quý trọng nhất với chúng tôi", nhạc sĩ Quốc Trung viết.
Người thầy vun đắp nhiều thế hệ nghệ sĩ
NSND Quốc Hưng (Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), người học trò của NSND Trung Kiên, luôn kính trọng người thầy của mình.
“Ông là người có công lớn trong lĩnh vực thanh nhạc của Việt Nam, bởi ông không những đào tạo trực tiếp ra những nghệ sĩ, ca sĩ, mà còn là người biên soạn giáo trình thanh nhạc từ trung cấp, đại học, cao học, nghiên cứu sinh, phổ biến đến những trường nhạc chuyên nghiệp trong cả nước”, ông Hưng nói.
|
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng nhận thấy một nhà nghiên cứu ở NSND Trung Kiên. “Ông nghiên cứu để đưa những kỹ thuật âm nhạc cổ điển phương Tây áp dụng vào trong giảng dạy thanh nhạc phù hợp với đặc thù giọng của người Việt. Đóng góp của ông cũng ở cả việc dịch nhiều những khúc aria trích trong các opera nổi tiếng thế giới hay các romance, ca khúc từ tiếng Nga sang tiếng Việt dùng trong giảng dạy. Nhiều tác phẩm đã không chỉ ở trong khuôn khổ những lớp học mà đã sống trong đời sống nghệ thuật”, ông Long bày tỏ.
Danh ca thuộc thế hệ vàng
|
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho hay, giọng hát của NSND Trung Kiên đã trở thành thân thuộc với nhiều thế hệ.
“Trước đây, khi tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần mở đài lên là lại được nghe thấy chất giọng tenor cao, bay, sáng của ông. Một giọng hát có chất khỏe mạnh, cương quyết, anh hùng, nhưng cũng rất tình”, ông Long chia sẻ và nhìn nhận, NSND Trung Kiên cùng với NSND Trần Hiếu, NSND Quý Dương là những nghệ sĩ cùng thế hệ, tạo thành bộ ba giọng ca nổi tiếng khắp đất nước.
|
NSND Quang Thọ kể, sau khi khi thống nhất đất nước, NSND Trung Kiên tiếp tục ca hát rồi đi học tiến sĩ ở Liên Xô và về lại ngôi trường xưa đã đào tạo mình là Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và làm công tác giảng dạy.
NSND Trung Kiên qua đời sáng 27.1, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trước khi tạ thế, NSND Trung Kiên bị đột quỵ và đã nhập viện một thời gian.
NSND Trung Kiên sinh năm 1939, tại Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Ông cũng có nhiều năm là giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Ông là giọng nam cao nổi tiếng với dòng nhạc cách mạng, gắn liền tên tuổi với nhiều ca khúc như Đất nước trọn niềm vui, Phất cờ Nam tiến, Cô lái tàu, Tình ca, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Chào sông Mã anh hùng, Quà tháng năm dâng Người, Bài ca Trường Sơn, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người...
Người vợ đầu của ông là ca sĩ - giảng viên Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) Thanh Nga. Nhạc sĩ Quốc Trung là con trai của họ. Ca sĩ Thanh Nga mất sớm. Sau này, ông kết hôn cùng giáo sư - tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là con gái của Nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ piano Thái Thị Liên, chị gái của NSND Đặng Thái Sơn.
NSND Trung Kiên là người đã dìu dắt nhiều thế hệ học trò, trong đó có những giọng ca nổi tiếng như Đăng Dương, Phương Nga, Trọng Tấn, Bích Thủy…
|
Bình luận (0)