NSND Trung Kiên từ trần vào hồi 6 giờ 40 ngày 27.1 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hưởng thọ 82 tuổi. Con trai ông - nhạc sĩ Quốc Trung viết trên trang Facebook cá nhân: “Bố đã có cuộc đời đẹp mà con tự hào được là một phần trong đó. Sau này, ở một nơi nào đó, con ước được gặp lại bố để gọi bố yêu quý của con một lần nữa”.
Người đặt lời Việt cho Triệu đóa hồngNSND Trung Kiên (tên đầy đủ là Nguyễn Trung Kiên) sinh năm 1939 tại Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ông từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Trong suốt nhiều năm, ông là giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, dìu dắt nhiều thế hệ nghệ sĩ, bao gồm những gương mặt gạo cội như NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSND Tạ Minh Tâm, NSND Quốc Hưng, NSƯT Đăng Dương… Tên tuổi ông gắn liền với nhiều ca khúc như Đất nước trọn niềm vui, Tình ca, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người... Ông cũng là người đặt lời Việt cho 300 ca khúc Nga, nổi bật nhất là bài Triệu đóa hồng do nhạc sĩ Raimonds Pauls (Lativa) phổ thơ Leons Briedis, được Andrey Voznesensky viết lời Nga. Lúc sinh thời, NSND Trung Kiên chia sẻ ông biết đến nhạc sĩ Raimonds Pauls qua người vợ của nhạc sĩ, vốn cũng là người phụ trách sinh viên Việt Nam trong trường học của ông tại Liên Xô. “Tôi đã xin bản nhạc này qua bà để đặt lời tiếng Việt cho ca khúc”, ông từng kể. Khi trở về nước, NSND Trung Kiên đã đưa bản đặt lời tiếng Việt ca khúc Triệu đóa hồng cho ca sĩ Ái Vân. Ca khúc được đón nhận nồng nhiệt và gắn liền với tên tuổi của Ái Vân trong thập niên 1980.
|
NSND Trung Kiên thuộc thế hệ ca sĩ đầu tiên được nhà nước đưa đi đào tạo tại nước ngoài về dòng nhạc cổ điển. “Như tôi được biết, tên của thầy được ghi danh trên bảng vàng những sinh viên xuất sắc của Nhạc viện Tchaikovsky (Nga). Những kỹ thuật được đào tạo thầy đã truyền dạy cho học trò. Có điều đặc biệt, NSND Trung Kiên là giọng tenor (nam cao) nhưng ông dạy cả sinh viên nữ giọng soprano (nữ cao) cũng vô cùng hiệu quả. Tôi là giọng bass (nam trầm) cũng đã được ông dạy nhiều kỹ thuật, kỹ năng”, NSND Quốc Hưng kể.
Như nhìn nhận của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, NSND Trung Kiên cùng NSND Trần Hiếu, NSND Quý Dương là những nghệ sĩ cùng thế hệ, tạo thành bộ ba nổi tiếng khắp đất nước với giọng hát đã trở thành thân thuộc với nhiều thế hệ. “Trước đây, khi tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần mở đài Tiếng nói Việt Nam lên là lại được nghe thấy chất giọng tenor cao, bay, sáng của ông. Một giọng hát có chất khỏe mạnh, cương quyết, anh hùng, nhưng cũng rất tình”, ông Long chia sẻ.
“NSND Trung Kiên là một trong những danh ca thuộc thế hệ vàng bắt đầu cống hiến cho nền ca hát nước nhà vào những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ trước. Trong suốt chặng đường chống chiến tranh phá hoại của Mỹ từ những năm 1965 đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, trong chương trình biểu diễn ca nhạc, từ thu thanh đến truyền hình, NSND Trung Kiên là một trong những nghệ sĩ đã thể hiện nhiều bài hát trở nên phổ biến”, NSND Quang Thọ hồi tưởng. Về cống hiến của NSND Trung Kiên đối với các thế hệ nghệ sĩ tiếp bước, NSND Quang Thọ khẳng định: “Ông là người thầy mẫu mực và có công lao rất lớn trong việc đào tạo, vun đắp những thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ của đất nước”.
Bình luận (0)