Tằng Loỏng hủy hoại môi trường

19/09/2016 10:10 GMT+7

Là khu công nghiệp tuyển khoáng, luyện kim và hóa chất duy nhất của VN nhưng đến nay Tằng Loỏng vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải nguy hại. Hàng chục nhà máy thản nhiên hủy hoại môi trường suốt nhiều năm qua.

Thuộc địa bàn TT.Tằng Loỏng, H.Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai), khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng có diện tích trên 1.100 ha với 25 dự án được đưa vào quy hoạch, trong đó 15 dự án đã đi vào hoạt động. Thế nhưng, ông Lê Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai, thừa nhận: “Hiện KCN Tằng Loỏng đang nằm trong diện báo động về ô nhiễm môi trường”.
Sau chục năm, vẫn đang xây hệ thống xử lý nước thải
KCN này hoạt động được chục năm nay, nhưng cho đến thời điểm hiện tại hệ thống xử lý nước thải tập trung với quy mô 3.000 m3/ngày đêm mới chỉ đang tiến hành xây dựng. Theo lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Lào Cai, dự án xử lý nước thải 3.000 m3/ngày đêm sẽ sớm được hoàn thành trong năm nay hoặc đầu năm sau. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xây dựng thêm một hệ thống xử lý chất thải công suất 3.000 m3/ngày nữa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường thì ngay cả khi KCN Tằng Loỏng khai thác 2 hệ thống xử lý chất thải tập trung thì năng lực xử lý vẫn không đáp ứng được lượng chất thải do các nhà máy thải ra mỗi ngày.
Núi chất thải từ sản xuất phốt pho được đổ thẳng ra khuôn viên KCN Ảnh: Hà An
Núi chất thải từ sản xuất phốt pho được đổ thẳng ra khuôn viên KCN Ảnh: Hà An

Bên cạnh đó, việc quản lý chất thải rắn tại KCN cũng chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Bởi theo ông Dương, bình quân mỗi ngày đêm, cả KCN Tằng Loỏng thải ra tới gần 4.900 tấn chất thải rắn, còn cả năm là trên 1,7 triệu tấn, nhưng hiện chỉ được lưu chứa ngay trong khuôn viên nhà máy, hay ở khu vực đất trống, hoặc được dùng để san lấp mặt bằng... Chính vì vậy mỗi khi trời đổ mưa, chất thải rắn lập tức bị hòa tan vào nước, thẩm thấu xuống đất hoặc chảy ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.
Môi trường tại KCN Tằng Loỏng đang ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện chúng ta đang phải trả giá quá đắt
Ông Lê Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở TN-MT Lào Cai

Dân vật vã vì ô nhiễm
Dưới cái nắng hanh khô của tiết trời đầu thu, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đến Tằng Loỏng, là những cột khói đen, khói xám, những lớp bụi thi nhau tuôn trào từ hàng loạt ống khói khổng lồ cao cả trăm mét. Chắc vì vậy mà bầu trời cứ như phủ đầy sương, mờ hẳn đi, còn không khí lại ngột ngạt ám đầy mùi hóa chất. Theo ghi nhận, tại Tằng Loỏng hiện có cả nghìn hộ dân đang phải sống giữa “vòng vây” ô nhiễm này.
Bà Nguyễn Thị Hằng, một người dân sinh sống ngay dưới chân con dốc dẫn vào KCN, dẫn chúng tôi ra con suối chảy qua đường quốc lộ rồi miêu tả: “Con suối này chảy từ khu luyện đồng và nhà máy sản xuất phân bón xuống. Giờ nước tanh ngòm, trên dòng suối không có một sinh vật nào sống nổi, còn người dân thì chẳng thấy ai dám lội xuống để rửa chân tay. Lý do là trước đây mỗi lần lội xuống suối, khi lên bờ họ bị mẩn ngứa, dị ứng khắp người...”. Trong khi đó, kết quả phân tích môi trường tại các con suối xung quanh KCN Tằng Loỏng của Sở TN-MT cho thấy có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ và xuất hiện một số kim loại nặng như Fe, Zn...
Dưới nước đã vậy, trên mặt đất cũng chẳng khả quan hơn. Nguyên nhân là do hàng chục cột khói từ các nhà máy sản xuất phốt pho đang ngày đêm xả khói bụi ra môi trường, gây nên mùi khét, mùi hôi hắc ám của hóa chất độc hại. Có 8/12 nhà máy sản xuất khi được phía Sở TN-MT lấy mẫu đi phân tích thì chỉ số đều vượt mức quy chuẩn. “Ở đây cây xanh vẫn còn rất nhiều, nhưng điều lạ là từ lâu dân chúng tôi không ai còn được nghe thấy tiếng ve kêu, chim chóc cũng không còn thấy xuất hiện...”, bà Trần Thị Thúy, chủ một cửa hàng tạp hóa ở khu vực ngã ba Tằng Loỏng, phản ảnh.
Ông Lê Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai, đã phải cay đắng thừa nhận: “Môi trường tại KCN Tằng Loỏng đang ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện chúng ta đang phải trả giá quá đắt”. Theo ông Dương, hiện có hơn 1.000 hộ dân đang ngày đêm phải hứng chịu rất nhiều những chất thải độc hại từ KCN Tằng Loỏng. Trong khi đó, với đặc thù là KCN tuyển khoáng, luyện kim và hóa chất với công suất rất lớn, như: Nhà máy tuyển quặng Apatít công suất 950.000 tấn/năm, 5 nhà máy sản xuất phốt pho vàng có công xuất 44.000 tấn/năm... nên khí thải phát sinh hàng loạt những tạp chất độc hại có chứa SO2, NO2, CO...
Hồ nước thải chưa xử lý trong khuôn viên nhà máy Ảnh: Nam Anh

Còn trong nước thải rỉ ra từ chất thải rắn trong quá trình sản xuất a xít sunfuaric và phốt pho có chứa P2O5, Flo, Fe, Au... Những chất này nếu ngấm vào cơ thể con người sẽ gây ra nhiều bệnh mà đặc biệt là ung thư.
Cây chết, cá chết, người bỏ đi...
Năm 2011, ô nhiễm của các nhà máy trong KCN làm thiệt hại hơn 40 ha cây trồng của 3 thôn Khe Khoang, Thái Bình và Khe Chom của TT.Tằng Loỏng. Trong năm 2012, ô nhiễm khiến cá nuôi chết hàng loạt ở hai thôn Thái Bình và Khe Khoang.
Còn gần đây nhất là hàng loạt nhà máy sản xuất bị xử phạt với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Như Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai sản xuất phốt pho vàng bị phạt 89.298.000 đồng. Công ty cổ phần hóa chất Phúc Lâm bị phạt 219.666.300 đồng. Công ty cổ phần hóa chất Đức Giang Lào Cai sản xuất hóa chất cơ bản bị phạt 22.431.800 đồng. Công ty cổ phần hóa chất phân bón Lào Cai bị phạt 260 triệu đồng. Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì bị xử phạt 307.666.000 đồng...
Khí thải độc hại từ nhà máy hóa chất Ảnh: Khánh An

Chưa hết, từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều nhà máy khác trong KCN Tằng Loỏng cũng bị UBND tỉnh, Sở TN-MT tỉnh Lào Cai xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Trả lời Thanh Niên, nhiều người dân sinh sống tại tổ dân phố số 7 (TT.Tằng Loỏng) cho biết: Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo Công ty cổ phần DAP số 2 tại KCN đã thừa nhận môi trường quanh khu vực nhà máy sản xuất của công ty bị ô nhiễm nặng. Theo quy định những nhà máy sản xuất này phải cách xa khu vực dân cư 1.000 m (tính từ tường rào). Nhưng hiện nay, nhiều hộ dân làm nhà, sống cách nhà máy sản xuất chỉ đôi, ba trăm mét.
Tại những cuộc họp trước đây, các hộ dân đều kiến nghị đến cơ quan chức năng rất nhiều lần, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không hề thay đổi. Lo lắng cho sức khỏe, nhiều hộ dân có điều kiện về kinh tế đã phải mua đất ở khu vực khác, rồi chuyển về đó sinh sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.