Mức lương cơ sở dùng để tính mức lương, phụ cấp... của các cán bộ, công chức, viên chức... Lương cơ sở khác với lương tối thiểu vùng ở chỗ đối tượng thụ hưởng của lương tối thiểu vùng là người lao động ở các doanh nghiệp ngoài công lập.
Hiện nay, lương tối thiểu vùng là 4,68 triệu đồng/tháng (vùng 1); 4,16 triệu đồng/tháng (vùng 2); 3,64 triệu đồng/tháng (vùng 3); 3,25 triệu đồng/tháng (vùng 4).
Còn mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng và từ ngày 1.7.2023, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Lương hưu thay đổi thế nào khi lương cơ sở tăng?
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, mức hưởng lương hưu được tính bằng tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu x với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Cụ thể, mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của cán bộ, công nhân viên chức = 8% x tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Riêng đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn = 8% x mức lương cơ sở.
Vì vậy, khi lương cơ sở tăng, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cũng tăng, dẫn đến mức hưởng lương hưu sẽ tăng theo.
Ngoài ra, theo BHXH TP.HCM, từ ngày 1.7.2023, sẽ tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng đối với các diện đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ.
Những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1.1.1995, sau khi điều chỉnh tăng thêm 12,5% theo mức điều chỉnh chung, thì mức hưởng được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng trở xuống.
Đồng thời, tăng lên bằng 3 triệu đồng với những người có mức hưởng từ 2,7 - dưới 3 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)