TĂNG MẠNH TỪNG NĂM
Số liệu thống kê từ nhiều trường ĐH trong thời gian gần đây, số lượng người có bằng tốt nghiệp từ nước ngoài được tuyển dụng làm việc tăng mạnh. Chẳng hạn, khoảng 5 năm trở lại đây, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có khoảng 150 viên chức được tuyển dụng từng tốt nghiệp ở nước ngoài.
Từ năm 2020 - 2024, ĐH Kinh tế TP.HCM cũng thu hút được 65 tiến sĩ tốt nghiệp từ nhiều quốc gia.
Số liệu thống kê sơ bộ tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng cho thấy, số giảng viên (GV) tốt nghiệp từ nước ngoài về công tác tại trường chiếm khoảng 20% tổng số GV tuyển dụng.
Đáng chú ý, số liệu này tại Trường ĐH Công thương TP.HCM tăng mạnh qua từng năm. Cụ thể, năm 2022 có 9 người (7 tiến sĩ và 2 thạc sĩ). Số lượng này tiếp tục tăng lên 16 người vào năm 2023 (14 tiến sĩ và 2 thạc sĩ) và lên 25 người vào năm 2024 (14 tiến sĩ, 11 thạc sĩ). Như vậy, năm nay số lượng GV tốt nghiệp nước ngoài về trường làm việc tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước đó.
Tính đến tháng 11.2023, ĐH Quốc gia TP.HCM có tổng số 6.000 viên chức, trong đó gần 1.600 viên chức có trình độ tiến sĩ (tỷ lệ GV có trình độ tiến sĩ trên tổng số GV khoảng 54,42%). Năm ngoái ĐH này đã triển khai chương trình VNU350 nhằm thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác. Mục tiêu đến năm 2030 thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc và nhà khoa học đầu ngành, trong đó ưu tiên người tốt nghiệp từ nước ngoài. Kết quả sau 2 đợt triển khai tuyển dụng, chương trình VNU350 của ĐH Quốc gia TP.HCM đã thu hút nhiều nhà khoa học tốt nghiệp nước ngoài. Cụ thể, đợt 1 có 13/14 ứng viên trúng tuyển đều tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài. Ở đợt tuyển dụng thứ 2, trong số 7 ứng viên trúng tuyển chương trình này cũng có 6 người tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài.
Không chỉ người Việt tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài, thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM còn cho thấy số lượng GV và chuyên gia nước ngoài làm việc tại đơn vị trong năm 2023 có trên 140 người. Trong đó, giảng dạy chiếm gần 80%; còn lại là đến học tập, nghiên cứu, tham dự hội nghị, hội thảo, làm việc theo dự án chương trình…
CHI TIỀN TỈ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH THU HÚT
Cùng với chủ trương thu hút người giỏi tốt nghiệp từ nước ngoài, các trường ĐH có chính sách đãi ngộ riêng dành cho đối tượng này.
PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường có riêng chính sách thu hút nhân sự trình độ cao. Ví dụ, tài trợ thu hút với tiến sĩ là 100 triệu đồng/người. Đồng thời, ĐH này cũng tạo điều kiện cho nhân sự tham gia đào tạo, bồi dưỡng như hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm; được miễn/giảm định mức giờ chuẩn, định mức nghiên cứu khoa học đối với GV được cử đi đào tạo/bồi dưỡng nước ngoài; được thưởng đối với GV hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ đúng hạn hoặc trước hạn và các khoản hỗ trợ khác khi viên chức hoàn thành chương trình đào tạo. Ngoài ra còn có các chế độ, chính sách hỗ trợ khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế...
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết kết quả đạt được thu hút người tốt nghiệp nước ngoài về trường làm việc nhờ vào chủ trương, chính sách của trường. Trong đó, tiến sĩ về trường làm việc được hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng, phó giáo sư là 150 triệu đồng và giáo sư 200 triệu đồng. Riêng thạc sĩ tốt nghiệp nước ngoài, trường không hỗ trợ kinh phí ban đầu mà chỉ ưu tiên trong tuyển dụng.
"Tuy nhiên, việc thu hút và giữ chân người giỏi không chỉ là chính sách thu hút ban đầu mà còn là mức thu nhập ổn định, đặc biệt là cơ chế thông thoáng để người lao động có điều kiện tốt nhất để làm việc", PGS Hoàn cho hay.
Đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng cho biết hiện tại, theo quy chế chi tiêu nội bộ trường đang áp dụng chính sách thưởng 100 triệu đồng với tiến sĩ, 200 triệu đồng với phó giáo sư và 350 triệu đồng với giáo sư khi về công tác tại trường. Sắp tới, mức thưởng dự kiến có thể dao động trong khoảng từ 100 - 200 triệu đồng với tiến sĩ, từ 200 - 300 triệu đồng với phó giáo sư và từ 350 - 450 triệu đồng với giáo sư khi về công tác tại trường. Chính sách này đặc biệt ưu tiên áp dụng với ứng viên tốt nghiệp nước ngoài, có năng lực phù hợp và đạt đủ tiêu chuẩn tuyển dụng theo quy định của trường.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết các tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài, có kinh nghiệm và năng lực tốt thì trường có chính sách riêng về chế độ lương bổng tốt để thu hút và giữ chân. Bên cạnh đó, trường cũng có chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho GV học tập ở nước ngoài để nâng cao trình độ. Khi GV đang công tác tại trường đi học nâng cao trình độ lên tiến sĩ ở nước ngoài, trở về trường được khen thưởng 100 triệu đồng/người.
Trong đó, có những trường đầu tư hàng tỉ đồng để thực hiện chủ trương thu hút người tài về làm việc. Ví dụ, riêng chương trình VNU350 của ĐH Quốc gia TP.HCM, ứng viên trúng tuyển được chính sách hỗ trợ chung từ ĐH Quốc gia TP.HCM và chính sách hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng. Thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM, sau 2 đợt tuyển dụng năm 2024, có tổng cộng 21 đề tài của các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành trúng tuyển đã được phê duyệt cấp kinh phí trong các năm 2024 và 2025. Tổng kinh phí đề tài là gần 6,5 tỉ đồng, tập trung vào các lĩnh vực: toán học, hóa sinh, công nghệ sinh học và nhiều lĩnh vực khoa học tiên tiến khác.
Ngoài ra, ứng viên còn được hưởng chính sách thu nhập và đãi ngộ của từng đơn vị nơi đến công tác. Chẳng hạn chỉ riêng chính sách thu hút một lần khi đến làm việc đã lên tới 350 triệu đồng/giáo sư, 250 triệu đồng/phó giáo sư, 150 triệu đồng/tiến sĩ tại Trường ĐH Kinh tế - Luật; mức 60 triệu đồng/người tại Trường ĐH An Giang…
THU NHẬP CÓ TÍNH CẠNH TRANH
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết trong tổng số 229 người đang làm việc ở trường, có trên 6% người nước ngoài. Trong tổng hơn 200 người VN, có 74 người tốt nghiệp từ các trường ĐH nước ngoài.
Cách thức để thu hút người tài, theo tiến sĩ Viên, một yếu tố quan trọng là chính sách tiền lương tương ứng. "Trong thời gian tới, trường sẽ nghiên cứu và ban hành các chính sách nội bộ để thu hút và giữ chân người lao động. Trong đó có việc cải tiến chế độ lương và thu nhập, tiến tới một mức thu nhập có tính cạnh tranh so với các trường ĐH quốc tế tại VN và trong khu vực", tiến sĩ Viên chia sẻ thêm.
9 tháng năm 2024, trên 5.500 hồ sơ cần chứng nhận văn bằng, gấp 3 lần năm 2013
Mới đây, trong hội thảo tập huấn công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM, đại diện Trung tâm công nhận văn bằng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã chia sẻ số liệu thực trạng hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng trong giai đoạn từ 2008 đến nay. Theo đó, chỉ trong 9 tháng năm nay, cả nước có trên 5.500 hồ sơ, cao gấp 3 lần so với năm 2013. Từ tháng 1.2017 đến hết tháng 11.2023, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã nhận được tổng 37.436 hồ sơ đề nghị công nhận. Hiện nay, việc công nhận văn bằng chủ yếu phục vụ nhu cầu tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự và yêu cầu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục VN khi người học có nhu cầu tiếp tục học tập tại VN ở bậc cao hơn.
Bình luận (0)