Tăng phạt nguội để cảnh báo nóng

02/03/2022 06:39 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên đăng thông tin Cục CSGT đề xuất thí điểm xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh mà không cần lập biên bản, nhiều bạn đọc gửi ý kiến hưởng ứng và đề xuất thêm giải pháp.

Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) vừa báo cáo Bộ Công an đề xuất Chính phủ cho thí điểm xử phạt vi phạm giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát mà không cần lập biên bản vi phạm.

Một lãnh đạo Cục CSGT cho biết nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc phạt nguội thông qua chứng cứ trực tiếp là các phương tiện giám sát. Theo đó, hình ảnh vi phạm ghi nhận qua hệ thống giám sát chính là chứng cứ trực tiếp để phạt người vi phạm. Cơ quan thẩm quyền căn cứ vào chứng cứ này, xác minh ai là người điều khiển xe lúc đó cùng các tình tiết khác để xử phạt, không cần lập biên bản.

Camera của CSGT TP.HCM sử dụng ghi hình xử lý vi phạm giao thông

Vũ Phượng

Theo các chuyên gia pháp lý, việc phát hiện, xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh có rất nhiều ưu điểm: nhanh, tiết kiệm thời gian, bớt nhũng nhiễu trên đường. Đây là xu hướng tất yếu, nhưng phải nghiên cứu tính đồng bộ và giải pháp cụ thể.

TS Cao Vũ Minh (giảng viên Đại học Luật TP.HCM) cho rằng việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản hay không vẫn phải tính đến hiệu quả, dễ thực thi và bảo đảm quyền của người bị xử phạt. Trong trường hợp không lập biên bản, người dân vẫn phải được bảo đảm quyền được trình bày, giải trình lỗi vi phạm hoặc chứng minh mình không vi phạm hành chính.

“Tôi đồng ý!”

Nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất phạt qua chứng cứ hình ảnh không lập biên bản. BĐ hoanglong84 Nguyen nêu ý kiến: “Đây là đề xuất hay. Ý thức tham gia giao thông của nhiều người hiện nay quá tệ, không thấy bóng dáng CSGT thì ôi thôi rồi như ong vỡ tổ. Đã qua giai đoạn tuyên truyền giáo dục luật Giao thông đường bộ rồi, giờ thì phải mạnh tay xử phạt mới răn đe nổi. Còn việc ở đâu đó có bóng dáng tiêu cực thì báo chí, người dân giám sát”. BĐ tran tuan hoa đồng thuận: “Nếu đề xuất này được ban hành, nghĩa là người dân như tôi sẽ chịu tác động từ quy định này nhưng tôi hoàn toàn đồng ý”.

BĐ Nguyen Vu Thiet ở TP.HCM cho biết trải nghiệm từng nhận giấy phạt gửi về tận nhà, sau đó “tự nguyện đi đóng phạt và không có ý kiến gì”. “Tôi từng quẹo trái từ đường Nguyễn Du qua đường Cách Mạng Tháng Tám lúc ở giao lộ này chưa có dải phân cách, bị ghi hình vi phạm cấm quẹo trái hồi nào không hay. Đến khi giấy phạt gửi về nhà có in hình ảnh mình đi sai luật tôi mới ngớ người. Vậy là đi đóng phạt ở đường Võ Văn Tần thôi chứ không có gì phải phàn nàn”, BĐ này viết.

BĐ hiep nguyen thì cho rằng: “Nếu quy định này được áp dụng thì tôi tin tai nạn giao thông tại VN sẽ giảm. Nhiều nước phương Tây đã áp dụng hình thức phạt này từ hơn 2 thập kỷ, nên hiếm khi thấy người tham gia giao thông phạm luật. Trong khi đó, nhà nước còn có thêm khoản thu để cải tạo đường sá”.

Cần giải pháp đồng bộ về hạ tầng, công nghệ

Thực tế, giải pháp phạt nguội vi phạm giao thông đã được thực hiện thời gian qua ở một số địa phương. Tuy nhiên, theo nhiều BĐ, để việc xử phạt không lập biên bản đi vào thực tiễn trên toàn quốc, cần nhiều giải pháp đồng bộ về hạ tầng giao thông, phương tiện công nghệ lẫn văn bản luật.

BĐ thu thuan nêu góc nhìn: “Muốn xử phạt tâm phục khẩu phục, hình ảnh camera phải ghi cảnh vi phạm rõ ràng để tránh tranh cãi không đáng có. Đường sá, vạch kẻ, biển báo cũng phải rành mạch. Người vi phạm rồi cũng phải đóng phạt nhưng có thể sẽ lấn cấn với việc xử phạt nếu chưa thông suốt”.

BĐ Đức Duy Từ ý kiến: “Ai giám sát camera giao thông để bảo đảm công bằng, nghiêm minh? Hiện nay camera giám sát lắp đặt khá nhiều nhưng vẫn còn đó những đoàn “xe vua” rầm rộ chở quá tải, quá tốc độ như báo chí nêu. Cơ quan nào giám sát mà để lọt lưới? Công nghệ 4.0 đã có, tất cả thông tin vi phạm giao thông cần lưu trữ, để các cơ quan có thể kiểm tra chéo nhau”.

Theo BĐ hoanganhlong…@gmail.com: “Quan trọng là yếu tố minh bạch. Cần công bố thông tin rõ ràng, có trang web để người dân truy cập xem thông tin phạt, các cấp, các cơ quan có thể vào kiểm tra để phòng chống tiêu cực”.

Còn BĐ hoang thuy nêu quan điểm: “Quy định nào thì cũng cần căn cứ trên thực tế giao thông, công nghệ. Nhiều người sẽ chấp nhận đóng phạt khi chứng cứ rõ ràng thuyết phục. Bên cạnh đó, luồng tuyến, biển báo giao thông phải hợp lý, thuận tiện cho người dân lưu thông chứ không được “bẫy” người đi đường. Nhiều người ủng hộ phạt nguội để tránh mất thời gian, đôi co, tranh cãi rồi có thể sinh ra tiêu cực, nhưng với điều kiện việc chuẩn bị cho ra quy định mới cần hoàn chỉnh, thuận tiện cho cơ quan quản lý, đồng thời thỏa mãn được người dân”.

* Tôi đồng tình, cách làm này sẽ giúp giảm tình trạng “làm luật”, nâng cao nhận thức của người lưu thông trên đường.

Nam Nguyen Ba

* Nếu đề xuất này được thông qua, người tham gia giao thông có thể bị phạt bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ nơi đâu khi có hình ảnh vi phạm. Rồi đây người dân sẽ đổ xô học luật để chứng minh mình vô tội, còn trong lúc chờ đợi, đường phố sẽ thông thoáng không còn nạn kẹt xe, môi trường sẽ trong sạch... Vô số cái lợi trước mắt và lâu dài đến với mọi người.

huulu5…@gmail.com

* Nên kết hợp CSGT (bộ phận điều tra - thanh tra) + phường/xã + VKSND + tòa án + thi hành án, cho ra phiên tòa xử, nhỏ cũng xử. Như vậy người tham gia giao thông mới thay đổi ý thức của mình và triệt để chấp hành luật lệ. Ra tòa một lần họ mới sợ.

Phạm Hát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.