Tặng quà hay tặng tiền ?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/01/2024 06:44 GMT+7

Theo TS Đinh Đức Tiến (ảnh), Khoa Lịch sử (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), việc tặng quà bao hàm càng nhiều thiện tâm, càng nhiều văn hóa càng tốt.

Tặng quà hay tặng tiền ?- Ảnh 1.

TS Đinh Đức Tiến

Ảnh: NVCC

Khi Tết Nguyên đán càng gần, chúng ta lại bắt đầu bàn tán về việc nên tặng quà hay là "ting ting" (tặng tiền bằng chuyển khoản) để vừa lòng người nhận. Theo ông, từ góc độ văn hóa nên tặng quà hay "ting ting"?

TS Đinh Đức Tiến: Đầu tiên phải nói chuyện tặng quà và "ting ting" chuyển tiền là hai chuyện khác nhau. Nhưng đôi lúc người ta lại lấy chuyện "ting ting" để đưa vào mối quan hệ dưới dạng quà tặng. Tức là họ đang đánh lận giữa một món quà với đồng tiền. Chúng ta phải tách bạch hai việc đó, chứ nếu không sẽ thành chuyện nhân cớ tặng quà nhưng thực chất lại là đưa hối lộ chẳng hạn.

Việc tặng quà liên quan đến hoàn cảnh cụ thể của mối quan hệ giữa người tặng và người nhận. Xung quanh nó còn có những vấn đề khác nhau như động cơ, khi người ta tặng vật phẩm hay tiền thì các vật phẩm đó, đồng tiền đó không xấu, nó trung tính. Nhưng nó xấu vì các mục đích, động cơ của mỗi cá nhân; hoặc nó tốt đẹp cũng do mục đích, động cơ của mỗi cá nhân. Món quà đó được người có lòng hảo tâm tặng người có hoàn cảnh khó khăn thì rõ ràng đó là đồng tiền tốt, món quà tốt, đồng tiền trong hoàn cảnh này là đồng tiền tích cực. Nhưng nếu khi đưa cho tặng đồng tiền hay món quà vì động cơ vụ lợi thì nó sẽ trở thành vật phẩm hối lộ, rõ ràng đồng tiền đó mang tính chất tiêu cực.

Ngày xưa các cụ dạy về tặng quà như thế nào, thưa ông?

Trong sách Việt Nam phong tục hay ghi chép các tục cổ có lệ là lệ tặng biếu. Lệ tặng biếu này công khai và có quy định rõ ràng. Mỗi làng quê có quy định riêng theo truyền thống của mình. Nó được ghi chép trong văn bia, hương ước, rằng trong làng mỗi khi đến tết nhất, lễ lạt thì làng có một khoản để mua vật phẩm đấy, rồi đồ cúng thành hoàng làng xong sẽ được chia ra sao…

Theo đó, ông tiên chỉ sẽ được chia đầu tiên, theo định mức rõ ràng. Cũng có quy định chia cho người cao tuổi khi thượng thọ. Nó trở thành một tục lệ vừa để tôn trọng chức sắc trong làng, tôn trọng người có tuổi cao như cụ thượng thọ để họ "để tuổi" cho mình… Người dân trong làng thể hiện sự tôn trọng như vậy. Đó là những hành vi rất tốt đẹp và tích cực.

Trong văn hóa học cũng có một lý thuyết là lý thuyết về sự tặng biếu. Trong đó có chuyện tặng biếu giữa người dưới tặng người trên, tặng biếu giữa các cộng đồng, cộng đồng yếu thế hơn tặng cho cộng đồng mạnh hơn. Chẳng hạn, trước đây trong quan hệ ngoại giao nhiều nước nhỏ vẫn phải sang cống nạp cho Trung Hoa, hay Chăm pa lại cống nạp cho Đại Việt. Khi nhận như vậy, nước lớn hơn nhận không chỉ là chuyện vật chất mà là khẳng định vị trí trong con mắt của nước yếu thế. Sau khi tặng quà xong thì luật tặng biếu còn có chi tiết về "lại quả", nghĩa là cộng đồng mạnh hơn, người lớn hơn phải tặng lại. Về nguyên tắc, món quà đó phải tương đương hoặc lớn hơn. Việc tặng quà cho thần linh thì khi được trả lại, thần linh sẽ trả bằng món quà không thể nhìn thấy như bình an, phù hộ để mùa màng bội thu hay giúp dân vượt qua bệnh dịch.

Gần đây có thể thấy sự dụng công, sự tích tụ văn hóa trong các món quà. Chúng ta có nhiều gói quà mang ý nghĩa văn hóa hơn trong thiết kế, trong sử dụng. Ông nghĩ sao về xu hướng này?

Tôi nghĩ đó là biểu hiện của ý thức khi tặng quà cũng như dân trí. Nó cho thấy người tặng quà ý thức rõ hơn tặng quà là tặng văn hóa, tặng quà văn hóa thể hiện văn hóa người tặng.

Xin cảm ơn ông!

TS Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Vicas:

Lợi thế của giá trị văn hóa địa phương

Trong 5 năm trở lại đây, có thể thấy rõ xu hướng hàm lượng văn hóa tăng nhiều trong các món quà tặng. Xu hướng này cho thấy doanh nghiệp cũng rất nhạy, chủ động tích hợp yếu tố văn hóa, nhất là văn hóa địa phương để tạo giá trị lớn cho sản phẩm. Điều này sẽ tạo khả năng cạnh tranh không chỉ trong tỉnh thành mà còn trong cả nước và đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Tặng quà hay tặng tiền ?- Ảnh 2.

Thêm vào đó, năng lực thiết kế quà tặng hiện rất tốt, cộng với tư duy kinh doanh nhạy bén đã dẫn tới việc đóng gói thiết kế công nghiệp đẹp hơn hẳn. Đặc biệt, trong các thiết kế, cũng thấy tinh thần địa phương trỗi lên trong mấy năm nay.

Các bạn trẻ sẵn lòng chi trả để mua những quà tặng gắn với câu chuyện họ biết, câu chuyện của quê hương. Trong hội chợ mà Vicas mới tổ chức gần đây, có thể thấy giới trẻ sẵn lòng trả giá cao hơn và mua đồ VN thay vì mua đồ nước ngoài. Đó là lợi thế của giá trị văn hóa địa phương, với các sản phẩm không chỉ có hoa văn màu sắc mà còn cả câu chuyện, nhờ đó giá có thể bứt hẳn lên nhưng vẫn có người mua.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.