ĐÁNH GIÁ THEO THANG ĐIỂM 4 CÓ LỢI HƠN ĐIỂM 10
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhận định học chế tín chỉ với cách đánh giá theo thang điểm 4,0 hiện nay có lợi hơn so với cách đánh giá theo thang điểm 10 trước đây. Theo đó, sinh viên (SV) chỉ cần đạt từ 3,2 điểm trở lên là đạt loại giỏi và trên 3,6 đạt loại xuất sắc, trong khi ở thang điểm 10, SV phải có điểm trên 8,0 mới được xếp loại giỏi và trên 9,0 mới được loại xuất sắc. "Có thể thấy một số SV nếu đánh giá theo thang điểm 10 thì chưa được 8,0 nhưng lại đạt điểm trên 3,2 theo thang điểm 4,0 và xếp loại giỏi. Chính vì vậy, cách đánh giá này là một trong những yếu tố làm tăng số lượng SV giỏi và xuất sắc", tiến sĩ Trung Nhân cho hay.
Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, cũng phân tích: "Khi đào tạo theo tín chỉ, việc đánh giá học phần sẽ bao gồm đánh giá quá trình học tập và bài thi cuối môn. Trong đó, điểm đánh giá quá trình học tập thường rất cao, giúp cho kết quả cuối cùng của SV cao. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo theo tín chỉ cho phép SV cải thiện điểm nếu như điểm số chưa thực sự tốt, trong khi đào tạo theo niên chế thì SV chỉ được thi một lần vào cuối năm và khó có cơ hội cải thiện điểm".
ĐÁNH GIÁ CỦA TRƯỜNG CÓ PHẦN "NHẸ TAY"
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết hiện nay quy chế đào tạo cho phép SV được đăng ký thi lại để cải thiện điểm không giới hạn số lượng. Dù 4 hay 6, 7, 8 điểm, SV đều được thi cải thiện. Đó là một thuận lợi để SV nào có mong muốn từ điểm khá lên giỏi, từ giỏi lên xuất sắc có thể phấn đấu để đạt được.
"Tuy nhiên, việc đào tạo theo tín chỉ cho phép SV cải thiện điểm không phải là nguyên nhân dẫn đến số lượng SV khá, giỏi, xuất sắc tăng lên trong những năm gần đây, mà điều quan trọng là quan điểm đánh giá của mỗi trường. Nếu các trường chạy theo thành tích tỷ lệ khá giỏi mà hạ thấp tiêu chuẩn, hoặc đánh giá người học nhẹ nhàng thì tất yếu tỷ lệ SV khá giỏi sẽ tăng lên", tiến sĩ Duy nhìn nhận.
Tại Trường ĐH Đà Lạt, theo tiến sĩ Duy, việc đào tạo theo tín chỉ được thực hiện từ năm 1994, nhưng để tốt nghiệp được loại giỏi là rất khó. Cụ thể, tỷ lệ SV tốt nghiệp loại xuất sắc hằng năm của trường chỉ chiếm 1%, giỏi là 10% và trung bình chiếm tới 40%.
Để làm rõ hơn về việc đánh giá của giảng viên và quan điểm của trường ĐH có tác động đến kết quả của SV, trưởng phòng Đào tạo của một trường ĐH tại TP.HCM cho hay: "Thực tế có tồn tại quan điểm đánh giá nhẹ tay để tỷ lệ SV giỏi, xuất sắc đạt được nhiều hơn dù không phải là tất cả các trường đều vậy. Vấn đề này xuất phát từ việc số lượng trường ĐH tăng lên, sự cạnh tranh giữa các trường ngày càng gay gắt. Cho rằng xã hội sẽ nhìn vào tỷ lệ khá - giỏi - xuất sắc để đánh giá chất lượng đào tạo của trường ĐH, nên một số trường đã nhẹ tay trong cách đánh giá SV".
Bên cạnh đó, vị này cũng thừa nhận cách đánh giá hiện nay cũng có phần nào tác động. Chẳng hạn nhiều năm trước đây, cách đánh giá không có nhiều thang như hiện tại, chỉ có khái niệm "qua môn", "đạt" hay "không qua môn", "không đạt" chứ không phân loại thành xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu, kém.
"Hiện nay mỗi bài kiểm tra hay thi đều có ba-rem điểm. Chỉ cần đủ ý là lấy được điểm theo ba-rem, dù các ý khác có viết sai cũng không bị trừ điểm. Còn trước đây, một bài thi dù SV đủ ý nhưng có một ý dẫn dắt sai là bị trừ điểm, không được điểm tuyệt đối. Cách đây vài chục năm, một khóa học có khi SV khá chỉ đếm trên đầu ngón tay, không có hoặc rất hiếm SV giỏi. SV nào học rất tốt thì mới đạt được điểm 7 khi làm bài thi, kiểm tra", vị trưởng phòng chia sẻ thêm.
Từ đó, vị này khẳng định tỷ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc tại một số trường tăng lên là do quan điểm của trường, của giảng viên có phần "nhẹ tay", bên cạnh đó ba-rem điểm theo quy chế đào tạo hiện nay cũng dễ đạt điểm cao hơn.
Xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp để đánh giá chính xác
Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, đề xuất: "Để đánh giá chính xác kết quả người học, về phía nhà trường cần xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp, đo lường được các chuẩn đầu ra. Giảng viên cần thực hiện nghiêm túc việc đánh giá theo chuẩn đầu ra đã ban hành". Nhưng theo tiến sĩ Thanh, đây là vấn đề thách thức hiện nay của các trường ĐH.
"Để kết quả học tập phản ánh đúng năng lực cũng như sự cố gắng của người học, trong hoạt động dạy học các giảng viên cần được trang bị tốt kiến thức, kỹ năng dạy học, đánh giá người học. Các đơn vị quản lý chuyên môn cần phải thực hiện việc thống kê, phân tích kết quả học tập để làm cơ sở điều chỉnh việc dạy và học đúng thực chất", tiến sĩ Thanh đề xuất.
Hà Ánh
Bình luận (0)