DOANH NGHIỆP NGHI NGỜ TÍNH THỰC CHẤT
Trước số liệu một số trường ĐH công bố có tới 60 - 70% sinh viên (SV) tốt nghiệp giỏi và xuất sắc, bà Nguyễn Trương Quốc Trinh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh Minh Thái (TP.HCM), nêu ý kiến: "Thực tế, có những ứng viên bảng điểm rất đẹp nhưng không nắm khi được hỏi về một vấn đề từng được học. Điều đó cho thấy tuy không phải tất cả nhưng có trường hợp điểm số không phản ánh đúng thực chất năng lực người học".
Bà Trinh cũng thừa nhận SV tốt nghiệp loại giỏi hiện nay khá nhiều. Theo bà, thời điểm này khoảng 3 năm trước, cùng tuyển 1 vị trí với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng thì thường chỉ nhận được hồ sơ SV tốt nghiệp loại khá. Nhưng nay doanh nghiệp có thể tìm được những SV điểm số tốt dễ dàng.
"Dù không đánh đồng tất cả SV tốt nghiệp loại giỏi đều không đúng năng lực, nhưng khi số đông SV tốt nghiệp bằng giỏi thì cũng phải suy ngẫm", bà Trinh đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty CP cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng, cho rằng theo dõi tình hình thực tế có thể thấy các trường đang "thả lỏng" khâu đánh giá dẫn đến tình trạng SV tốt nghiệp khá, giỏi nhiều.
"Nếu SV tốt nghiệp giỏi quá nhiều sẽ làm mất đi giá trị tấm bằng. Các trường cần nghiên cứu làm sao để kết quả đánh giá đảm bảo theo mô hình tháp kim - tức tỷ lệ xuất sắc ít nhất, mức độ tăng dần từ giỏi đến khá rồi trung bình. Còn như hiện nay ở một số trường, tỷ lệ giỏi xuất sắc đang chiếm nhiều hơn thì mô hình này dường như đang là tháp ngược", ông Hùng phân tích.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, cố vấn cao cấp Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng theo cách đánh giá hiện nay mỗi năm chỉ có 2 - 3% SV loại trung bình, còn lại SV xếp loại khá trở lên, nên con số này không thực chất. Theo TS Dũng, hiện nay điểm số không thể hiện đúng năng lực và không nói lên điều gì. Năng lực của người học cần được thể hiện cụ thể ở kiến thức và kỹ năng.
PHẦN LỚN DOANH NGHIỆP KHÔNG QUAN TÂM XẾP LOẠI TỐT NGHIỆP
Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng: "Có lẽ xuất phát từ việc các trường ĐH đang cạnh tranh nhau để SV ra trường có tấm bằng đẹp dễ xin việc. Nhưng thực tế doanh nghiệp hiện không để ý nhiều đến việc SV tốt nghiệp loại gì. Các trường làm vậy thì bằng giỏi và xuất sắc mất giá trị, giảm động lực phấn đấu của người học và động lực cải tiến của giáo dục".
Tuyển người chưa có bằng tốt nghiệp ĐH vào vị trí quản lý
Ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh: "Khi tuyển dụng, chúng tôi không nhìn vào điểm số. Có thể vì đặc thù ngành công nghệ thông tin. Trong số nhân viên hiện nay của công ty tôi (mảng an ninh mạng - PV), có khoảng 10% (tức khoảng 14 - 15 bạn) hiện nay chưa tốt nghiệp ĐH, do chưa đủ điều kiện tốt nghiệp. Trong số những bạn chưa tốt nghiệp ĐH, có một số bạn lương cao hơn những bạn đã tốt nghiệp ĐH, có những bạn còn ở vị trí quản lý".
Ông Võ Đặng Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 36, Bộ Quốc phòng, khẳng định: "Khi tuyển dụng, chúng tôi không hề quan tâm việc SV tốt nghiệp loại xuất sắc hay khá, giỏi. Bởi thực tiễn công việc cho thấy thái độ với công việc thế nào là rất quan trọng, chứ không phải bằng cấp. Nhiều người bằng giỏi thường có đòi hỏi điều kiện ưu đãi tốt, có tâm lý tự mãn, trong khi thực tế trong công việc chưa biết ai mới là người giỏi. Hơn nữa, người giỏi thường có tâm lý "nhảy việc", làm công ty mất công tuyển dụng, mất công đào tạo lại. Các công ty con trong tổng công ty tôi khi tuyển dụng thường chú ý vào yếu tố kinh nghiệm, vào việc SV học trường nào, còn bằng loại gì không quan trọng".
Ông Võ Đặng Sơn kể: "Vừa rồi, để làm công trình đường cao tốc trong Cần Thơ, Hậu Giang, chúng tôi tuyển một loạt kỹ sư phục vụ công tác hiện trường, cũng bằng giỏi, bằng khá đủ cả nhưng thực tế khi ra công trường các em lóng nga lóng ngóng, không biết bắt đầu như thế nào từ những việc đơn giản nhất, thực sự là không bằng mấy ông thợ cả, thợ "đầu cánh". Tất nhiên không thể đòi hỏi SV vừa ra trường thạo việc ngay. Nhưng ngay trong môi trường đào tạo các em phải được thực tập nhiều ở công trường, với đủ các vị trí công việc, từ công nhân đến cán bộ kỹ thuật, kỹ sư".
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay: "Khi tuyển dụng, chúng tôi không yêu cầu xếp loại tốt nghiệp của ứng viên và không có ưu tiên nào cho xếp loại văn bằng. Thay vào đó, bằng tốt nghiệp chỉ là điều kiện cần và quan trọng là năng lực thực tế của ứng viên được đánh giá trong thời gian thử việc 1 - 2 tháng tại doanh nghiệp".
Trong khi đó, bà Nguyễn Trương Quốc Trinh cho biết doanh nghiệp này quan tâm đến xếp loại tốt nghiệp của ứng viên khi tuyển dụng. "Trong bối cảnh hiện nay, việc tuyển dụng 1 nhân sự không chỉ để lấp chỗ trống mà có sự chọn lọc ưu tiên nhân sự tốt nghiệp từ khá trở lên để giảm thiểu những rủi ro trong công việc. Do đó, nhân sự của doanh nghiệp chúng tôi có 90% trình độ ĐH và CĐ, trong số đó 75% tốt nghiệp ĐH từ khá trở lên và có khoảng 10 - 15% tốt nghiệp giỏi và xuất sắc", bà Trinh nói.
SINH viên TỐT NGHIỆP LOẠI NÀO CŨNG CẦN ĐƯỢC ĐÀO TẠO BỔ SUNG
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS), cho rằng sự đánh giá của các trường, điểm số thể hiện phần nào đó năng lực của SV. Hệ thống đánh giá của các trường hiện nay khá tốt, so với cách đây 20 năm.
"Tuy nhiên, các trường nên bổ sung đánh giá khả năng giải quyết vấn đề thực tế của SV. Tôi đã từng tuyển hàng nghìn SV vào làm việc, thì nhận thấy điểm số mà các em đạt được trong trường ĐH phản ánh chất lượng đầu vào tốt hay không, có nội lực hay không nhưng tôi có thể khẳng định, gần như tất cả SV tốt nghiệp khi đi làm đều phải đào tạo lại. Thông thường người có kết quả giỏi thì đào tạo lại nhanh hơn nhưng không có nghĩa là những bạn có điểm số không tốt lắm không làm được việc, thậm chí nếu bố trí được vị trí làm việc phù hợp với tố chất thì nhiều bạn còn phát huy tốt hơn cả những bạn tốt nghiệp loại giỏi", ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Việc học tại trường và làm việc thực tế tại doanh nghiệp có sự khác nhau nhất định. Do đó, một SV mới tốt nghiệp dù xếp loại nào cũng cần được đào tạo bổ sung những thứ cần thiết theo đặc thù công việc cụ thể. Nhưng với SV giỏi, quá trình nắm bắt cái mới diễn ra nhanh hơn, họ có tư duy tốt hơn và thích ứng cũng tốt hơn".
Tăng thời gian học ngoài thực tế
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, các trường ĐH nên tăng thêm thời gian cho SV đi học ngoài thực tế. Hiện nay thường SV năm cuối mới đi thực tập, khi đó mọi thứ đã an bài, thời gian thực tập cũng thường ngắn. Nên cho SV đi thực tập từ năm 2, năm 3. SV sẽ có 2 đầu điểm: điểm của thầy giáo, điểm của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó trưởng Ban Tổ chức cán bộ - Lao động, Tổng công ty Bay VN, nêu dẫn chứng cho thấy nếu có sự phối hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp thì SV ra trường dễ dàng đáp ứng được yêu cầu. "Nguồn lao động chính mà chúng tôi tuyển dụng là SV tốt nghiệp Học viện Hàng không VN. Vì chương trình đào tạo của học viện được xây dựng trên cơ sở phối hợp với Tổng công ty Bay VN, để phục vụ nhân lực cho ngành nên có sự đáp ứng khá tốt. Trong quá trình đào tạo, SV được thực hành thường xuyên, nhà trường được trang bị thiết bị mô phỏng để dạy cho SV. Do mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp nên SV có động lực học (học xong đảm bảo có việc làm). Nhà trường đào tạo và đánh giá thực chất thì doanh nghiệp mới sử dụng hiệu quả sản phẩm đào tạo", ông Đình Sơn nhận định.
Bình luận (0)