Vì sao ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc?

09/11/2023 06:05 GMT+7

Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc hiện chiếm tỷ lệ rất cao ở nhiều trường ĐH. Có trường tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc chiếm trên dưới 70%.

Số liệu này khiến nhiều người băn khoăn, đặt câu hỏi về chất lượng thực sự của người học. PGS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng nếu có một hệ thống đánh giá nghiêm túc, khách quan, mà cơ sở đào tạo có được 70% sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc thì quá đáng mừng cho chất lượng đào tạo ĐH.

TỶ LỆ RẤT CAO, ĐẶC BIỆT NHÓM KINH TẾ

Thống kê của nhiều trường ĐH về xếp loại người học khi tốt nghiệp trong một vài năm gần đây cho thấy tình hình sinh viên (SV) giỏi và xuất sắc chiếm tỷ lệ rất cao, đặc biệt là ở nhóm các trường khối kinh tế.

Chẳng hạn, tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong đợt xét tốt nghiệp đợt tháng 4.2022 và tháng 1.2023, trường có 988 SV được công nhận tốt nghiệp. Gần 35% trong đó đạt loại xuất sắc và 41% loại giỏi, tỷ lệ SV xuất sắc và giỏi chiếm tới 76%. Chỉ 23% xếp loại khá và khoảng 1% trung bình. Tương tự, trong số 4.577 cử nhân tốt nghiệp đợt tháng 8 năm nay, trường cũng có tới 68% SV hạng cao nhất, gồm trên 26% SV xuất sắc và trên 42% SV giỏi.

Vì sao ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ? - Ảnh 1.

Có nhiều trường tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc chiếm trên dưới 70% (ảnh minh họa)

HÀ ÁNH

Cũng trong đợt trao bằng năm nay, Trường ĐH Ngoại thương có 1.791 SV tốt nghiệp đợt 2. Trong tổng số 1.655 SV chính quy tốt nghiệp có 21% đạt kết quả học tập loại xuất sắc, khoảng 48,2% loại giỏi. Trước đó ở đợt 1 vào tháng 4, số SV giỏi và xuất sắc của trường ĐH này tới 79,7%. Cụ thể, trong số 1.300 SV tốt nghiệp ĐH có 28,6% đạt xuất sắc và khoảng 51,1% loại giỏi.

Vào tháng 3 năm nay, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trao bằng tốt nghiệp cho 3.978 SV chính quy. Thống kê của trường này cho thấy có 43 SV xuất sắc, 1.994 SV giỏi, tỷ lệ SV xuất sắc và giỏi hơn 51%. Ở Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), tỷ lệ SV giỏi trở lên trên 45%.

Không chỉ khối ngành kinh tế, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) trong đợt xét tốt nghiệp tháng 6 năm nay cũng có trên 63% SV từ giỏi trở lên.

VẪN CÓ TRƯỜNG CHỈ TRÊN DƯỚI 20%

Theo PGS Nguyễn Phong Điền, ĐH Bách khoa Hà Nội năm ngoái có 25% SV đạt loại xuất sắc và giỏi, năm nay là 28%.

Đợt tốt nghiệp cuối năm 2022, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trao bằng cho 2.079 kỹ sư, cử nhân hệ chính quy. Trong đó, 3 SV tốt nghiệp loại xuất sắc (chiếm 0,14%); 397 SV xếp loại giỏi (chiếm 19,1%). Tỷ lệ SV tốt nghiệp giỏi và xuất sắc Trường ĐH Luật TP.HCM nhận bằng tháng 10.2022 chỉ 16%.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trong vài năm gần đây, xếp loại tốt nghiệp trung bình của SV trường khoảng 75% khá, 20% giỏi và chỉ 0,5% xuất sắc. Tỷ lệ này của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ở mức 23% (năm 2022) và 17,5% (năm 2021); Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tỷ lệ này ở mức 15 - 20% tùy năm…

Vì sao ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc? - Ảnh 2.

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học vào ĐH Bách khoa Hà Nội. ĐH này năm ngoái có 25% SV đạt loại xuất sắc và giỏi, năm nay là 28%.

CÓ PHẢI DO CHẤT LƯỢNG TĂNG LÊN ?

Theo PGS Nguyễn Phong Điền, nếu căn cứ con số nhỉnh lên mấy phần trăm mà cho rằng chất lượng tăng lên thì đó là kết luận "hơi hồ đồ" do các con số đó bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Chẳng hạn như do thay đổi phương thức tuyển sinh, dành một lượng chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển tài năng nên thu hút được rất nhiều đối tượng thí sinh giỏi. Có thể nói những em học giỏi nhất đã tề tựu về đây, đặc biệt với các ngành lĩnh vực 4.0. Nó cho thấy năng lực học tập sẵn có của SV ĐH Bách khoa Hà Nội rất tốt, và đó là điều kiện rất quan trọng để các em có được kết quả tốt khi ra trường.

Một yếu tố nữa, gần đây ĐH Bách khoa cũng đã có giải pháp giúp SV đạt được kết quả tốt, đó là hỗ trợ các em năm nhất, năm hai làm quen với cách học ở môi trường ĐH. Nhờ thế mà đã đẩy được kết quả tốt nghiệp khá, giỏi lên.

Theo ông Điền, loại khá của ĐH Bách khoa Hà Nội khoảng gần 60%, vẫn có một ít loại trung bình. Nhưng để đạt loại trung bình thì các em cũng phải rất chật vật nên ra trường các em vẫn làm việc tốt nếu có ý thức và trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo ông Điền, không chỉ với ĐH Bách khoa Hà Nội nói riêng, hệ thống ĐH nói chung, mà cả với hệ thống giáo dục quốc dân thì việc đánh giá có phù hợp với thực tế không, cho đến nay đó vẫn là một câu hỏi cần có câu trả lời.

CÁCH THỨC ĐÁNH GIÁ THAY ĐỔI

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng đọc số liệu 60 - 70% SV tốt nghiệp giỏi và xuất sắc của một trường khiến nhiều người "lăn tăn", nghi ngờ về mức độ giỏi thực chất. Ông Hạ cho rằng con số trên cho thấy kết quả xếp loại người học có nhiều thay đổi so với trước đây.

"Xếp loại người học thay đổi như vậy là do cách thức đánh giá thay đổi", tiến sĩ Hạ nêu nguyên do. Lý giải nhận định trên, ông Hạ cho rằng trước đây việc đánh giá SV chỉ căn cứ trên điểm thi kết thúc học phần, thì nay có thêm cột điểm đánh giá quá trình. Tùy trường và đặc thù môn học, điểm quá trình có thể thông qua bài kiểm tra, làm bài tập, tiểu luận, thuyết trình, làm việc nhóm, thậm chí cả điểm chuyên cần… Với cách thức đánh giá mới, SV và giảng viên buộc phải làm việc nhiều hơn nhưng bù lại dễ dàng có kết quả cao hơn do điểm được rải ra nhiều hình thức thay vì phụ thuộc cứng vào một bài thi duy nhất như trước đây.

Vì sao ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc? - Ảnh 3.

Xếp loại người học thay đổi như vậy là do cách thức đánh giá thay đổi

HÀ ÁNH

Tiến sĩ Hạ phân tích thêm: "Cũng có thể, giảng viên hiện nay không còn khắt khe với SV trong đánh giá điểm số như trước đây. Thay vì cho 7 điểm họ sẵn sàng thoáng tay hơn để cho 8, điểm 9 - 10 cũng nhiều hơn trước. Khi điểm số cao hơn thì kết quả học tập toàn khóa và xếp loại của SV cũng tăng theo". Tuy nhiên, ông Hạ cho rằng sự chênh lệch kết quả đánh giá xếp loại người học giữa các trường có lẽ còn tùy thuộc vào quy định của từng trường. Ví dụ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM quy định 70% điểm học phần được tính từ kết quả thi cuối kỳ và 30% điểm quá trình.

Đồng quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: "Dù đánh giá cả quá trình nhưng giảng viên chỉ được chủ động đánh giá người học trong phạm vi 20% điểm số thông qua việc đánh giá thường xuyên, 30% điểm giữa kỳ và 50% điểm cuối kỳ thực hiện qua bài thi tập trung". 

Nên xem xét lại khâu đánh giá người học

Từ nhiều năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc xây dựng một hệ thống đo lường đánh giá sát thực, trung thực. Tuy nhiên PGS Nguyễn Phong Điền cho rằng ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chưa dám trả lời câu hỏi "các thầy đã thực sự đánh giá một cách khách quan, công bằng năng lực của SV chưa?".

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho rằng vấn đề là cần đánh giá cho đúng bản chất năng lực người học. "Năng lực thực sự của người học ở đâu thì cần đánh giá đúng ở đó. Do đó, cần phải trả đánh giá về đúng bản chất để người học biết mình đang ở đâu", ông Hạ ý kiến.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cũng cho rằng trên một thang đo chung, tỷ lệ SV giỏi và xuất sắc có thể khác nhau tùy theo khối ngành đào tạo. Trong đó, khoảng 15% với lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và 30% với kinh tế, xã hội nhân văn là phù hợp và có sự khác biệt rõ rệt giữa nhóm SV giỏi so với các xếp loại khác. Muốn vậy, các trường cần phải xem xét lại khâu đánh giá người học.

Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cũng nêu ý kiến: "Bản chất của đánh giá là để SV biết năng lực thực sự của mình ở đâu. Từ đó, biết mình còn thiếu gì để bồi dưỡng thêm nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhà tuyển dụng. Việc đánh giá không thực chất ngược lại vô hình trung tạo nên sự ảo tưởng về năng lực bản thân của SV sẽ thực sự nguy hiểm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.