Lăng kính bạn đọc:

Tăng thuế thuốc lá để giảm gánh nặng xã hội

Trí Minh
(tổng hợp)
25/10/2024 05:49 GMT+7

Từ thực tế tác hại ghê gớm của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng, nhiều ý kiến ủng hộ việc tăng thuế thuốc lá.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ TT-TT vừa tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá. Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế) cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá là 96,8% (nghiên cứu của Bệnh viện K). Theo ước tính sơ bộ năm 2022, chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó còn là gánh nặng về kinh tế, khi người Việt tốn 49.000 tỉ đồng/năm để mua thuốc lá.

Tăng thuế thuốc lá để giảm gánh nặng xã hội- Ảnh 1.

Thuế thuốc lá được đề xuất tăng mạnh

ẢNH: T.N

Ông Đào Thế Sơn (Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu) cho rằng cần tính phương án tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu dùng thuốc lá. Bộ Tài chính đã đề xuất các phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, cụ thể phương án 1 tăng nhẹ từng năm là tăng 16,1% so với giá thuốc lá hiện tại vào năm 2026, năm 2027 tăng 12,5%, năm 2028 tăng 10,1%. Phương án 2, tăng luôn 39,5% so với giá thuốc lá hiện tại vào năm 2026. Theo ông Sơn, việc tăng giá thuốc lá không ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của ngành này. Trong khi xu thế chi phí khám chữa bệnh ngày càng tăng, bệnh tật do tác hại thuốc lá ngày càng nhiều.

Ông Sơn tính trung bình một gói thuốc lá là 15.000 đồng, nhưng một gói thuốc lá gây chi phí bệnh tật tử vong ít nhất 25.000 đồng. "Cần phải so sánh chi phí hút một gói thuốc lá so với chi phí bỏ ra để khám chữa bệnh. Chi phí này không chỉ là 25.000 đồng mà có thể gấp hàng chục, hàng trăm lần. Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc, kiến nghị bổ sung thuế tuyệt đối 5.000 đồng/gói từ năm 2026 và tăng lên thành 15.000 đồng/gói vào năm 2030", ông Sơn nói.

Tăng thuế để giảm người hút

Nhìn vào các phương án tăng thuế thuốc lá do Bộ Tài chính đề xuất, nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ ủng hộ thực hiện sớm nhất. "Thuế thuốc lá, bia rượu phải chủ động tăng ngay và luôn đi, bàn nhiều lắm rồi. Không thể để mặt hàng này làm hại sức khỏe, tính mạng người dân vì lợi ích của một nhóm nhỏ được. Đề nghị tăng giá bán thuốc lá 150.000 - 200.000 đồng một bao, bia rượu 50.000 - 100.000 đồng một cốc, chai", BĐ Nguyen Anh Nghi lên tiếng.

Đồng tình điều chỉnh theo hướng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, BĐ Minh Nhật bình luận: "Mức tăng thuế thuốc lá với kế hoạch tăng từ từ như vậy thì không hiệu quả. Tăng hẳn 100% ngay lập tức thì may ra còn có người bỏ".

"Bệnh tật, tử vong liên quan đến thuốc lá làm hao tốn mỗi năm đến 108.000 tỉ đồng, còn thuế đánh vào thuốc lá đóng góp ngân sách được bao nhiêu ? Tính ra chỉ khoảng 21.600 tỉ đồng, tức thấp hơn 5 lần. Không cấm được triệt để chuyện hút thuốc lá thì nâng giá bán lên thật cao, ngân sách tăng thu, còn người nghiện thuốc lá cũng chùn tay", BĐ Quang Ngan nêu ý kiến.

BĐ Longan phân tích: "Giá một gói thuốc lá ngày càng rẻ so với thu nhập, trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ năm 2006 đến nay mức tăng chia ra cho mỗi năm chỉ hơn 1%. Mua mấy điếu thuốc đơn giản, rẻ rề thì giải pháp đánh vào túi tiền không hiệu quả".

Hụt nguồn thu nhưng bớt bệnh tật

Bên cạnh những hối thúc tăng thuế thuốc lá ngay, còn có các ý kiến cho rằng cần giải pháp đồng bộ, tính toán thực tế thị trường, trong đó liên quan vấn nạn thuốc lá lậu. BĐ Hung Lam Nhat nêu quan điểm: "Quán cà phê, cửa hàng tạp hóa, quán ăn hiện nay đa phần bán lẻ thuốc lá lậu, chiếm hơn 80% doanh số thuốc lá toàn thị trường. Nhưng không hiểu vì sao nguồn cung không bao giờ thiếu mà giá rẻ hơn thuốc lá hợp pháp. Cho nên bên cạnh việc tăng thuế, cần kiểm soát thuốc lá lậu hoặc cho nhập khẩu và phân phối chính ngạch để có thể kiểm soát thuế và hạn chế thuốc giả, thuốc lậu".

"Tăng thuế thuốc lá và tăng cường truy quét thuốc lá lậu. Phạt hành chính 1 - 2 triệu đồng đối với người bán thuốc lậu từ 1 gói và phạt luôn người hút thuốc lá lậu", BĐ Lâm Hùng đề đạt giải pháp mạnh.

Trong khi đó, theo BĐ Ngoc Huong Nguyen: "Cần cấm hút thuốc nơi công cộng kèm hình phạt nghiêm khắc như cách làm của Singapore, chứ không chỉ là khuyến cáo chung chung. Cấm và phạt tương tự như việc kiểm tra nồng độ cồn hiện nay thì may ra mới có tác dụng. Việc này có thể dẫn đến nguồn thu từ ngành thuốc lá bị giảm, nhưng gánh nặng bệnh tật liên quan thuốc lá sẽ đỡ được rất nhiều".

"Nếu có biện pháp phạt mạnh tay đối với người hút thuốc nơi công cộng, cùng việc nâng thật cao giá thành gói thuốc lá qua việc tăng thuế thì nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm", một BĐ đề nghị.

Cần tăng thuế đối với thuốc lá, rượu bia, các mặt hàng xa xỉ, để giảm thuế sữa, thuốc trị bệnh… Hãy bỏ thuốc lá để bớt gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tran Thinh

Thêm một người bỏ thuốc lá thì bản thân bảo vệ được sức khỏe, giảm chi phí của gia đình, lại còn giúp ích cho xã hội.

Phuong Quy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.