Thanh toán điện tử trong giao thông: Chưa phổ biến rộng rãi
Từ tháng 9, chị Thanh Hằng (Q.1, TP.HCM) đã có thể sử dụng thẻ chip nội địa NAPAS do Sacombank phát hành để thanh toán mua vé ở một số tuyến xe buýt điện VinBus. Chị Thanh Hằng cho biết: "Trước đây, mỗi lần đi xe buýt, tôi thường hay đổi tiền lẻ để mua vé, các tiền mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng nhiều khi cũng khó đổi và cũng không được tiện. Có đợt đi nước ngoài thấy phương tiện giao thông công cộng sử dụng thẻ chạm trên các thiết bị để thanh toán, vừa thấy lịch sự, văn minh. Lúc đó chợt suy nghĩ không biết bao giờ Việt Nam mới có thể áp dụng việc thanh toán thẻ như thế này".
Điều mong ước của chị Thanh Hằng nay đã thành hiện thực. Những ứng dụng thanh toán thông minh trong giao thông qua thẻ ngân hàng ngày càng phát triển, khá hiện đại và thuận lợi. Mỗi người sử dụng thẻ ngân hàng sử dụng phương tiện giao thông đã có thể thực hiện chạm nhẹ thẻ lên máy POS/mPOS lắp đặt trên xe buýt để nhận vé nhanh chóng, tiện lợi, phù hợp với loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Riêng với buýt điện VinBus, ngoài thanh toán chạm thẻ contactless, những khách hàng như chị Hằng còn có thể mua vé lượt bằng cách quét mã VietQR trên máy POS do tiếp viên VinBus cung cấp. "Nay ở VN ra đường nhiều khi không cầm tiền mặt nhưng vẫn có thể mua được hàng hóa, dịch vụ, kể cả đi xe buýt nên cũng tiện. Nếu các tuyến xe buýt trên địa bàn cùng thanh toán bằng thẻ thì tiện biết mấy", chị Thanh Hằng cho hay.
Những năm gần đây, hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam đang được đầu tư phát triển với đa dạng loại hình khác nhau, từng bước tạo ra hệ thống mạng lưới vận tải hành khách kết nối các địa bàn. Đã có 60/63 tỉnh thành có vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, với sự tham gia của 280 doanh nghiệp, hơn 10.000 phương tiện. Các tuyến xe buýt tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Trong đó, Hà Nội có 121 tuyến với 400 triệu khách/năm, TP.HCM với 139 tuyến với 300 triệu khách/năm… Ngoài ra, còn có 3 tuyến BRT tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Các tuyến đường sắt đô thị như Hà Nội có tuyến Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội; TP.HCM có Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương)…
Trong khi thanh toán điện tử đang dần trở thành thói quen chi tiêu, thanh toán của nhiều người dân, đặc biệt ở các thành phố lớn. Thế nhưng trên thực tế, hệ thống thanh toán giao thông ở nước ta đang có nhiều bất cập và thách thức. Điều này không chỉ tạo ra bất cập trong vấn đề thanh toán cho người dân, mà ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ về ngành giao thông công cộng ở nước ta.
Cần thẻ giao thông thông minh
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng hệ thống thẻ vé giao thông dùng riêng và có thể liên thông với nhau. Nhiều nước còn dùng cả thẻ ngân hàng như thẻ vé trên các phương tiện giao thông công cộng như thẻ không tiếp xúc (contactless), điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh ứng dụng công nghệ số hóa thẻ, hoặc thanh toán quét mã QR…
Singapore - quốc gia có hệ thống giao thông công cộng chiếm 59% lưu lượng giao thông. Từ năm 2002 quốc gia này đã ra mắt thẻ thanh toán contactless với thương hiệu ezlink. Tháng 4.2019 bắt đầu triển khai chính thức chấp nhận thẻ MasterCard, Visa,… Cơ quan chức năng đã hợp nhất toàn bộ các thẻ thanh toán phí giao thông công cộng nhằm đơn giản hóa phương thức thanh toán cho người dân.
Còn tại London (Vương quốc Anh), hệ thống giao thông của thành phố này có khoảng 9.300 phương tiện bus trải rộng trên 675 tuyến và 11 đường tàu điện ngầm có tổng chiều dài 402 km bao gồm 272 nhà ga. Nếu năm 2003, London bắt đầu sử dụng thẻ vé Oyster (thẻ vé thông minh không tiếp xúc) thì đến năm 2012 đã dùng thẻ contactless của ngân hàng và điện thoại di động để thanh toán dịch vụ công cộng.
Hướng tới mô hình xây dựng thẻ vé thông minh trong giao thông ở nước ta, từ năm 2021 đến nay, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã kết nối triển khai giải pháp thanh toán giao thông bằng thẻ NAPAS với xe bus điện VinBus. Đến nay, đã có 22 ngân hàng phát hành tham gia triển khai dịch vụ cho người dân với 11 tuyến tại Hà Nội và TP.HCM.
Trong năm 2023, NAPAS cũng đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần OneFin Việt Nam triển khai thanh toán trên các tuyến xe điện chở khách du lịch tại TP.HCM qua phương thức thẻ NAPAS và quét mã VietQR. Ngoài ra, đối với dịch vụ thanh toán phí đỗ xe/phương tiện giao thông, người dân hiện nay đã có thể sử dụng thẻ NAPAS để thanh toán phí đỗ xe tại các sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Cát Bi và Đà Nẵng.
Theo NAPAS, để tạo ra sự đồng bộ và tiện lợi cho người dân khi tham gia các phương tiện giao thông, cần phải có một hệ thống thẻ vé điện tử tập trung, sử dụng cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng bao gồm bus, metro. Với mô hình này, trước tiên cần phải xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ vé dựa trên các tiêu chuẩn mở, không giới hạn về đơn vị cung cấp thẻ hay thiết bị đầu đọc.
"Giải pháp sử dụng thẻ ngân hàng như thẻ vé thông minh trong giao thông cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích, người dân không phải sử dụng nhiều loại thẻ thanh toán khác nhau hay phải mất thêm công đoạn nạp tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản thẻ vé. Đặc biệt, với hơn 100 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành sẵn có hiện nay có thể giúp tiết giảm chi phí đầu tư cũng như rút ngắn thời gian triển khai về mặt hạ tầng, kỹ thuật cho thẻ vé thông minh", anh Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Thanh toán NAPAS cho biết thêm.
Bình luận (0)