Tăng tính tự chủ để giải quyết vấn đề cấp bách, dân sinh

20/09/2020 06:50 GMT+7

Để mô hình chính quyền đô thị mang lại hiệu quả, TP.HCM cần có giải pháp thực hiện đồng bộ giữa cải cách thể chế, tổ chức lại bộ máy và tuyển chọn cán bộ, công chức phù hợp với bộ máy.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhấn mạnh tính chất của chính quyền đô thị (CQĐT), đó là sự tự chủ rất cao để tạo sự năng động, đột phá trong việc huy động nguồn lực giải quyết những vấn đề cấp bách, dân sinh. Trong đó, việc phân cấp, phân quyền về cho TP.HCM là nội dung rất quan trọng, và TP.HCM theo đuổi vấn đề này từ nhiều năm qua. Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 cho phép TP.HCM thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhưng cũng chỉ dừng lại ở thí điểm.
Theo ông Lịch, việc TP.HCM không tổ chức cấp chính quyền ở quận, phường đã được thực tiễn chứng minh là phát huy hiệu quả, nhưng cũng phải tổ chức lại bộ máy hành chính ở các sở, ngành để bớt hội họp, giảm cấp phó, tăng thẩm quyền và tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Lâu nay, các sở, ngành chỉ tham mưu, giúp việc là chưa đủ mà cần được giao trách nhiệm, chỉ những vấn đề liên ngành mới đề xuất lên UBND TP.HCM giải quyết.
Tương tự, TP.HCM lập TP.Thủ Đức với mô hình “thành phố trong lòng thành phố” cũng cần làm rõ về tính tự chủ của TP.Thủ Đức đến đâu, được phân quyền những gì. Nếu chỉ dừng lại ở việc nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính quy mô lớn, thì cũng không giải quyết được vấn đề gì, thậm chí còn phát sinh bất cập trong quản lý; bởi vì quy mô TP lớn. Do đó, việc TP.HCM không tổ chức cấp chính quyền (HĐND) ở các quận, nhưng tổ chức cấp chính quyền ở TP.Thủ Đức là hợp lý để nâng cao tính tự chủ, quyết định nhiều vấn đề, giảm cơ chế xin - cho.
Nhiều ý kiến đặt vấn đề mô hình CQĐT có giải quyết được những vấn đề bức xúc của người dân như kẹt xe, ngập nước, thủ tục hành chính trì trệ..., ông Lịch cho rằng cũng với diện tích, dân số và cán bộ công chức đó, nhưng nếu có mô hình quản trị tốt thì nâng hiệu quả nền hành chính, chất lượng công vụ. Thời gian qua, công tác cải cách hành chính ở TP.HCM được đẩy mạnh nhưng thiếu đồng bộ nên hiệu quả mang lại chưa cao. Để mô hình CQĐT mang lại hiệu quả, TP.HCM cần có giải pháp thực hiện đồng bộ giữa cải cách thể chế, tổ chức lại bộ máy và tuyển chọn cán bộ, công chức phù hợp với bộ máy.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng một mình đề án CQĐT không thể giải quyết được các bức xúc của người dân và cũng là các điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của TP.HCM như kẹt xe, ngập nước, quá tải hạ tầng...
Để giải quyết bài toán về các điểm nghẽn, TP.HCM đang triển khai nhiều đề án quan trọng như thành lập TP.Thủ Đức, đề án tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách TP.HCM, đề án trung tâm tài chính, chuyển đổi số, kinh tế số... Trong đó, đề án chuyển đổi số giữ vai trò quan trọng, tạo tiền đề để thực hiện CQĐT theo mô hình chính quyền số, xã hội số. “Các đề án này phải thực hiện đồng bộ thì mới giải quyết được các mục tiêu mà TP.HCM mong muốn là đáp ứng nguyện vọng của người dân một cách nhanh chóng và trọn vẹn”, ông Ngân nhận định.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.