Tăng tốc cứu trợ Gaza trước bờ vực nạn đói

14/03/2024 06:14 GMT+7

Một tuyến đường biển mới đang được thử nghiệm trong khi Mỹ dự tính lập cảng dã chiến nhằm tăng cường hàng cứu trợ cho Dải Gaza, giữa lúc nguy cơ nạn đói tại lãnh thổ này ngày càng nghiêm trọng.

Ngày hôm qua, một tàu cứu tế của Tây Ban Nha đang trên đường đến Gaza, mở ra hành lang hàng hải mới để cung cấp lương thực và thực phẩm cho cư dân lãnh thổ này. Cùng lúc, Mỹ triển khai chiến dịch xây dựng cảng tạm thời tại vùng biển Gaza để thúc đẩy nỗ lực vận chuyển hàng cứu trợ, trong khi Ma Rốc đưa nhu yếu phẩm đến Gaza thông qua lãnh thổ Israel.

Tăng tốc cứu trợ Gaza trước bờ vực nạn đói- Ảnh 1.

Khói bốc lên từ Gaza ngày 13.3

Reuters

Đa dạng hóa đường vận chuyển

Theo Al Jazeera, tàu Open Arms của tổ chức phi chính phủ cùng tên ở Tây Ban Nha đã rời cảng Larnaca thuộc CH Cyprus ngày 12.3, kéo theo một sà lan chở khoảng 200 tấn bột mì, gạo và thực phẩm cung cấp protein. Hành trình băng qua vùng biển phía đông Địa Trung Hải dài khoảng 390 km và tàu dự kiến cập bờ ở Gaza sau 2 ngày.

Đây là chuyến đi thử nghiệm để kiểm tra hành lang hàng hải mà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống CH Cyprus Nikos Christodoulides công bố tuần trước trong nỗ lực đưa thêm hàng cứu trợ vào Gaza. CH Cyprus cũng thông báo một tàu thứ hai đang chuẩn bị lên đường, theo AFP.

Bếp ăn từ thiện ở Gaza lo hết thực phẩm

Trong khi đó, 4 tàu của Lục quân Mỹ đã rời căn cứ thuộc bang Virginia của nước này hôm 12.3, chở theo khoảng 100 binh sĩ và thiết bị tới vùng biển Gaza để xây dựng một cảng tạm thời phục vụ việc vận chuyển hàng cứu trợ. AFP dẫn lời thiếu tướng Lục quân Mỹ Brad Hinson cho hay cảng dã chiến này sẽ bao gồm hạ tầng trên biển để chuyển hàng từ tàu lớn sang tàu nhỏ hơn và một cầu tàu để đưa hàng vào bờ. Cơ sở dự kiến đi vào vận hành "sau 60 ngày" với tổng cộng 500 quân nhân Mỹ tham gia chiến dịch.

Tăng tốc cứu trợ Gaza trước bờ vực nạn đói- Ảnh 2.

Hàng cứu trợ Gaza chuẩn bị được chuyển lên máy bay quân sự của Ma Rốc ngày 12.3

Reuters

Cũng trong ngày 12.3, một nguồn tin ngoại giao Ma Rốc tiết lộ với AFP rằng nước này đã vận chuyển 40 tấn hàng cứu trợ đến sân bay Ben Gurion của Israel. Số hàng này sau đó được bàn giao cho Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine tại cửa khẩu Kerem Shalom giữa Israel và Gaza. Đây là lần đầu tiên cửa khẩu này được sử dụng để đưa hàng cứu trợ vào Gaza, theo Reuters. Từ khi xung đột xảy ra, xe tải chở hàng cứu trợ thường đi vào Gaza qua ngõ Ai Cập.

Ngoài ra, một quan chức LHQ cho hay Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã sử dụng một tuyến đường bộ mới để vận chuyển hàng cứu trợ đến phía bắc Gaza lần đầu tiên trong 3 tuần, theo Reuters. Tuyến đường này vốn được quân đội Israel sử dụng, chạy dọc theo hàng rào biên giới giữa Gaza và Israel.

Chiến tranh, nạn đói phủ bóng đen lên tháng Ramadan ở Gaza

Bờ vực nạn đói

Ít nhất nửa triệu người, tức 1/4 dân số ở Gaza, đang phải đối mặt với nạn đói trong khi tháng Ramadan của người Hồi giáo đang diễn ra, theo Al Jazeera. Israel đã phong tỏa toàn bộ Gaza từ tháng 10.2023, qua đó hạn chế việc đưa hàng cứu trợ vào lãnh thổ này bằng đường bộ. Các nước bao gồm Jordan và Mỹ đã tiến hành thả viện trợ từ máy bay nhưng chiến lược đó khó có thể đáp ứng nhu cầu của cư dân Gaza.

Các quan chức LHQ đã hoan nghênh việc thử nghiệm hành lang hàng hải mới, nhưng cũng cảnh báo những nỗ lực như vậy vẫn chưa đủ. "Giữa lúc người dân ở phía bắc Gaza đang đứng bên bờ vực nạn đói, chúng ta cần các chuyến hàng cứu trợ mỗi ngày", WFP viết trên mạng xã hội X (Twitter trước đây).

Cơ quan y tế Gaza mới đây cho biết 27 người đã chết vì suy dinh dưỡng và mất nước tại lãnh thổ này, hầu hết là trẻ em. Trong khi đó, ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA (cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của LHQ), cho biết số trẻ em thiệt mạng vì chiến sự ở Gaza đến nay đã nhiều hơn tổng số trẻ em thiệt mạng trong các cuộc xung đột trên toàn cầu 4 năm qua.

Đức tham gia thả hàng cứu trợ ở Gaza

Đức ngày 13.3 cho biết nước này sẽ tham gia chiến dịch cầu hàng không để thả hàng cứu trợ xuống Gaza từ máy bay, theo AFP. Hoạt động này do Jordan khởi xướng và đã có sự tham gia của một số quốc gia khác, bao gồm Pháp và Mỹ.

Theo Bộ Quốc phòng Đức, họ sẽ triển khai lực lượng của mình trong phi đội chung Đức - Pháp. Lực lượng của Berlin dự kiến sử dụng máy bay vận tải C-130J Hercules và có thể bắt đầu tham gia chiến dịch từ cuối tuần này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.