Đạt và vượt cả 13 chỉ tiêu kế hoạch
Câu chuyện chất lượng tăng trưởng kinh tế là vấn đề gây chú ý nhất khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) ngày 12.10 thảo luận về dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách của Chính phủ. Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỉ đồng, tương đương 225 tỉ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD. Kết quả này là sự đóng góp của tất cả các ngành, lĩnh vực, thể hiện ở mức tăng cao. Như khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%, khu vực dịch vụ tăng mạnh (7,6%) với sự khởi sắc của ngành du lịch khi lượng khách quốc tế đến VN ước đạt 13 triệu lượt, tăng 30%. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục hồi, tăng 2,9%, trong đó thủy sản tăng 5,5%. Xuất khẩu cũng tăng mạnh, ước đạt 202 tỉ USD, tăng 14,4% nên Chính phủ nhận định kết quả tăng trưởng năm 2017 là hợp lý.
Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng Chính phủ dự kiến sẽ đạt và vượt cả 13 chỉ tiêu trong nghị quyết của QH là kết quả đáng ghi nhận. Dẫu vậy, vẫn còn nhiều quan điểm lo ngại về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, chỉ tiêu GDP ước thực hiện sẽ đạt 6,7% với điều kiện tăng trưởng quý 4 đạt 7,4 - 7,5%, nhiều ý kiến cho rằng đây vẫn là thách thức lớn.
Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nói: "Chỉ tiêu GDP đạt 6,7% không phải đơn giản, còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Cần xem cách đi thế nào để đảm bảo chắc chắn và bền vững". Theo ông Tỵ, khó khăn thách thức nhãn tiền là lũ lụt khiến nhiều địa phương phía bắc và miền Trung chịu hậu quả nặng nề. "Điều này sẽ còn nhiều tác động khác, cho nên làm sao đề ra được phương án khả thi nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và tôi cho rằng đây là con số còn rất khó khăn", ông Tỵ bày tỏ.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu ngân sách so với dự toán chỉ 2,3%? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn? "Chúng ta đánh giá cao Chính phủ vì nỗ lực rất lớn, tăng trưởng thì quý sau cao hơn quý trước, có khả năng đạt chỉ tiêu đã giao nhưng phải thấy là chỗ tăng trưởng đó trông vào đâu?”, Chủ tịch QH nói và đề nghị Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chuẩn bị giải trình hai nội dung này.
Dựa vào tăng trưởng của Samsung, Formosa?
Dẫn ví dụ câu chuyện tăng trưởng tín dụng đến nay mới tăng trưởng được 12% song mục tiêu cả năm được nới lên 21%, Chủ tịch QH phân tích: Nếu đạt được 9% trong mấy tháng còn lại thì liệu nền kinh tế có hấp thụ được không, hấp thụ vào đâu, ở khu vực bất động sản hay thị trường chứng khoán? "Tăng trưởng tín dụng sẽ có tác dụng tốt với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn nhưng sẽ có hệ quả lớn trong dài hạn nếu chất lượng tín dụng không tốt, rủi ro sẽ cao. Tăng trưởng ở thị trường chứng khoán đang rất cao, cần kiểm soát tốt xem tín dụng đó đi đâu, chất lượng thế nào và rủi ro với nền kinh tế ra sao", Chủ tịch QH nhấn mạnh, đồng thời cho rằng mục tiêu ổn định vĩ mô vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhớ lại cơ quan thường trực QH đã rất lo lắng về tăng trưởng kinh tế khi GDP quý 1 rất thấp. "Giờ đây tăng trưởng kinh tế được như vậy là rất mừng. Nhưng cần phân tích sự hồi phục và tăng trưởng đó nằm ở đâu. Có vẻ ta đang dựa vào tăng trưởng của Samsung, thậm chí là Formosa. Hay như chất lượng tăng trưởng tín dụng của chúng ta như thế nào, không khéo lại cuốn vào vòng xoáy bất động sản, bong bóng như lần trước", ông Bình cảnh báo.
Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, chủ trương của ta đi theo hướng tăng trưởng bền vững, tức không chỉ dựa vào khai thác tài nguyên và tăng trưởng vốn. Trên thực tế, năm nay đã giảm khai thác dầu thô, do vậy cần phân tích kỹ xem chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% hoàn thành thì nguồn lực, yếu tố nào bảo đảm được.
"Chính phủ báo cáo với con số phấn khởi, lần đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành toàn bộ 13 chỉ tiêu, trong đó có những chỉ tiêu rất khó đạt như tăng GDP, bội chi. Nhưng khi ra trước QH, Chính phủ phải trình bày được yếu tố nào dẫn tới kết quả đó sao cho rõ và thuyết phục, ví dụ việc thay đổi mô hình tăng trưởng có dẫn đến kết quả này hay không", ông Lưu nói.
Không cổ phần hóa bằng mọi giá
Trong câu chuyện cổ phần hóa, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở rằng đây là chủ trương đúng, song khi thực hiện không nên cố làm bằng mọi giá, tức là cứ được giá là bán mà không tính đến nguy cơ để mất những thương hiệu lớn hay chuyện nhà đầu tư sẽ quản trị thế nào. "Như câu chuyện ở Hãng phim truyện VN, ông Tổng công ty vận tải thủy mua rồi có đi làm phim không, hay đẩy nghệ sĩ ra ngoài đường?", Chủ tịch QH dẫn chứng.
|
Bình luận (0)