Tại Công ty CP dược phẩm Traphaco, ông Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận công ty chú trọng đầu tư cho vùng trồng dược liệu, chủ động nguồn nguyên liệu, duy trì chất lượng thuốc; dành kinh phí cho nghiên cứu phát triển...; sử dụng hàng VN hiệu quả qua việc mua phần mềm quản lý phân phối do công ty trong nước cung cấp với giá 4 tỉ đồng, thay vì mua của nước ngoài tốn khoảng 2 triệu USD. Ứng dụng phần mềm này giúp kết nối trực tiếp với 23.000 nhà thuốc trên toàn quốc, kịp thời theo sát diễn biến thị trường. Theo báo cáo, Traphaco đã đạt doanh thu 1.500 tỉ đồng trong 9 tháng năm nay (tăng 12% so với cùng kỳ 2015), nhiều sản phẩm dùng 100% dược liệu trong nước.
|
|
Ông Nhân cho rằng, bác sĩ có vai trò trong việc hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc. Người tiêu dùng không thể tự chọn như hàng hóa khác, do vậy, nếu chất lượng tương đương, giá tương đương thì bác sĩ cần ưu tiên dùng thuốc VN. “Nếu quan tâm đến việc làm cho người VN thì mỗi món hàng VN bán được thay vì nhập khẩu đã tạo việc làm cho một người. Nếu quan tâm vận mệnh quốc gia thì chúng ta mua hàng VN. Nhưng phía nhà sản xuất phải đảm bảo chất lượng tốt; tạo niềm tin cho người dùng. Với thuốc nội cũng cần như vậy”, ông Nhân nhấn mạnh.
Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện đã tăng lên đáng kể - tính theo giá trị ở tuyến tỉnh là 35% và cao nhất là tuyến huyện đạt 68% trong tổng số thuốc dùng, tăng 2 - 7% so với thời điểm trước khi thực hiện đề án “Người VN ưu tiên dùng thuốc VN”. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các BV tuyến T.Ư vẫn còn thấp, chỉ đạt khoảng 11%. Ở một số BV chuyên khoa tuyến cuối, tỷ lệ này chỉ dưới 5% như BV Phụ sản T.Ư, BV Việt Đức, BV Nhiệt đới T.Ư, BV Lão khoa quốc gia...
Cũng theo ông Cường, các loại thuốc sản xuất trong nước hiện đã bao phủ tất cả các nhóm tác dụng dược theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và được chuẩn hóa quốc tế các nguyên tắc từ sản xuất, kiểm nghiệm, bảo quản, phân phối sỉ và lẻ. Đến hết 2015 cả nước có 163 nhà máy đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo WHO”. Thuốc sản xuất trong nước đã đảm bảo 50% nhu cầu sử dụng; đã sản xuất được 10/12 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hầu hết các cơ sở y tế hiện nay sử dụng các sản phẩm trang thiết bị y tế sử dụng một lần (bông, băng gạc, khẩu trang găng tay y tế, bơm, kim tiêm sử dụng một lần, dây truyền dịch, chỉ phẫu thuật...), ô xy y tế sản xuất trong nước vì chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh...
Bình luận (0)