Theo đó, thừa nhận một số quy định chưa bình đẳng giữa taxi truyền thống và xe thí điểm như Uber hay Grab, Bộ GTVT cho rằng các xe thí điểm hiện nay không chịu ảnh hưởng của hệ thống biển báo hạn chế hoạt động như taxi, dẫn đến tổ chức giao thông chưa đạt hiệu quả. Vì vậy, bộ này kiến nghị cho phép sở GTVT các địa phương rà soát tuyến đường phố có biển báo cấm xe taxi thì đồng thời đề xuất UBND cấp tỉnh cho phép bổ sung biển báo phụ cấm cả xe hợp đồng, nhằm đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh.
Bộ GTVT cũng cho biết đã nhận được nhiều ý kiến từ các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.HCM đề nghị xem xét tạm thời chưa chấp thuận thêm đơn vị thí điểm, tránh tăng thêm số lượng xe dưới 9 chỗ, ảnh hưởng đến quy hoạch số lượng phương tiện, có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét cho các địa phương đã thí điểm, khi tổng số lượng phương tiện xe hợp đồng tăng cao thì được tạm thời không cấp mới phù hiệu cho đến khi lập quy hoạch về phương tiện vận tải trên địa bàn. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng khẳng định sẽ không dừng khẩn cấp quyết định thí điểm với Uber, Grab như đề xuất Hiệp hội Taxi Hà Nội.
Liên quan nội dung này, trong văn bản góp ý gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Công thương cho rằng cần sửa đổi quy định để xác định doanh nghiệp (DN) cung cấp các ứng dụng phần mềm như Uber, Grab chính là các DN cung cấp dịch vụ vận tải. Theo đó, việc các DN này coi mình là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm dẫn đến các hệ quả khó quản lý và không công bằng như không phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách do chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm; không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương sửa văn bản quy định các DN thí điểm là DN kinh doanh dịch vụ vận tải kiểu mới, phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về kinh doanh vận tải.
Bình luận (0)