Trước thực trạng báo động ở nhiều địa phương, ngày 14.4.2015, Thủ tướng đã phê duyệt đề án 'Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 đến 2025'.
Tại Sơn La, các lớp tập huấn, truyền thông phòng ngừa hôn nhân cận huyết thường xuyên được tổ chức ở các địa bàn là điểm nóng về tảo hôn, hôn nhân cận huyết - Ảnh: Hằng Hậu |
Mục tiêu đề án nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đề án do Ủy ban Dân tộc chủ trì đề ra mục tiêu, giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Chính quyền thôn, bản “bó tay”
Theo Ủy ban Dân tộc, các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trong cả nước như: Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn...
Tại khu vực Tây Bắc, trong độ tuổi 10 - 19, cứ 10 em trai thì có 1 em có vợ, 5 em gái có 1 em có chồng. Đặc biệt tại Sơn La, nhiều xã tỷ lệ tảo hôn lên tới trên 50%, như tại xã Vân Hồ (H.Vân Hồ) là 68%; xã Lóng Luông (H.Vân Hồ) có 52% cặp vợ chồng kết hôn ở lứa tuổi 12 - 17; xã có tỷ lệ tảo hôn thấp nhất là Muổi Nọi (H.Thuận Châu) cũng ở mức 27%. Dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất với 33%, dân tộc Thái 23,1%, dân tộc Mường 15,8%.
Tại Sơn La, thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho thấy từ 2011 đến 2015 số cặp tảo hôn tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2011 có 77 cặp thì đến năm 2012 đã có tới 165 cặp tảo hôn. Trong 5 tháng của năm 2015 đã có 135 cặp tảo hôn và 3 cặp kết hôn cận huyết thống. Đặc biệt một số xã ở H.Thuận Châu, tỷ lệ kết hôn từ 12 - 17 tuổi chiếm gần 50%. Tại một số xã như Mường Khiêng triển khai mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết từ năm 2009, song năm 2014 vẫn có 42 cặp tảo hôn. 9 tháng năm 2015 có 27 cặp tảo hôn. Con số này chưa có dấu hiệu giảm bởi giờ đang là mùa cưới, số các cặp tảo hôn chưa biết sẽ tăng lên bao nhiêu. Ông Tòng Văn Hung, Trưởng bản Bó Phúc, xã Mường Khiêng, H.Thuận Châu thốt lên: “Chúng tôi làm hết cách rồi, tuyên truyền có, vận động có, thậm chí dân bản đã họp thống nhất phạt những trường hợp tảo hôn và kết hôn cận huyết 1 triệu đồng. Nhưng cả năm nay chẳng phạt được ai, thậm chí có người nợ tiền phạt mấy năm nay chưa trả vì đa phần những gia đình tảo hôn đều là hộ nghèo”.
Tại Cao Bằng, ông Chu Tuấn Khương, Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thừa nhận, trong 4 năm qua, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cặp kết hôn cận huyết, nhưng chỉ ngăn chặn được 19 trường hợp. Không chỉ có người dân, ngay cả cán bộ thôn xã trình độ hiểu biết cũng hạn hẹp. Ông Khương kể, có lần đi công tác ở xã vùng cao, ông được lãnh đạo xã mời ở lại ăn cưới, có hỏi vì sao lại cho con kết hôn sớm, vị lãnh đạo xã thật thà kể rằng, con ông cưới 16 - 17 tuổi đã thiệt hơn bạn bè 2 năm.
“Thường ở trên này đồng bào cưới ở độ tuổi 14 - 15, không lấy nhanh, con gái tốt thì người ta lấy hết. Cứ xinh một chút, chăm chỉ cần cù chịu khó một chút, hỏi là lấy. Lãnh đạo còn có tư tưởng như vậy thì làm sao giảm được tảo hôn và kết hôn cận huyết”, ông Khương trần tình.
Mù màu, bạch tạng, da vảy cá…
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó vụ trưởng Vụ Cơ cấu - Chất lượng dân số, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), nhìn nhận mặc dù tuổi kết hôn nam 20, nữ 18 được đưa vào luật khá lâu, nhưng tình trạng tảo hôn ở VN khá phổ biến. Bỏ học, kết hôn sớm, kết hôn cận huyết tuy là 3 vấn đề khác nhau nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ tạo ra vòng luẩn quẩn đói nghèo. Thực tế cho thấy các tỉnh có tỷ lệ đói nghèo cao cũng là những tỉnh có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết gia tăng.
Trong khi đó theo GS-TS Trần Đức Phấn, Trưởng bộ môn Y sinh học di truyền - Đại học Y Hà Nội, trẻ em sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền gien lặn như hồng cầu hình liềm, mù màu, bạch tạng, da vảy cá. Đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh - thalassemia. Trong đó có một số bệnh gây ra nguy cơ tử vong rất cao.
“Những đứa trẻ được sinh ra từ các ông bố bà mẹ có hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh máu cao gấp 10 lần so với những trẻ bình thường khác. Điển hình của các bệnh máu này là thalassemia (tan máu di truyền), hemophilia (rối loạn đông máu di truyền) và các bệnh chuyển hóa khác, người bệnh phải điều trị suốt đời. Những cặp vợ chồng mang gien bệnh sẽ gây bệnh cho tất cả các con ở thế hệ tiếp theo với những dấu hiệu đặc trưng như da xanh xao, mũi tẹt, khuôn mặt bị biến dạng, bụng phình to. Bên cạnh đó còn một số bệnh lý khác như mù màu, bạch tạng, da vảy cá... làm suy giảm chất lượng dân số, giống nòi”, ông Phấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Trường cũng cho biết Tổng cục DS-KHHGĐ đã đặt hàng các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu các bệnh liên quan đến kết hôn cận huyết. Dự kiến, từ năm 2016 - 2020 sẽ cùng với Viện Huyết học T.Ư triển khai một số nội dung liên quan đến bệnh tan máu bẩm sinh.
Kết quả điều tra phụ nữ và trẻ em năm 2014 được UNICEF và Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, mặc dù luật Hôn nhân và gia đình VN quy định về độ tuổi kết hôn tối thiểu của nữ là 18 tuổi, nhưng tỷ lệ trẻ em gái kết hôn trong độ tuổi 15 - 19 đã tăng từ 8% (năm 2011) lên 10,3% (năm 2014), tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền núi phía bắc; có gần 30% phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15 - 19 tuổi đã kết hôn. Cá biệt có những trường hợp kết hôn từ năm 13 tuổi.
|
Bình luận (0)