Cảnh sát liên bang Úc gần đây bắt giữ một người đàn ông 42 tuổi sau khi phát hiện ông ta đã tạo ra mạng Wi-Fi giả trên máy bay để lấy thông tin riêng tư và nhạy cảm từ các nạn nhân. Để thực hiện, người này đã tạo ra mạng Wi-Fi giả trên máy bay được đặt tên giống với mạng Wi-Fi thật trên chuyến bay.
Khi người dùng cố gắng truy cập vào mạng này, họ được chuyển hướng đến một trang web giả mạo, nơi phải đăng ký bằng cách đăng nhập với email và mật khẩu hoặc bằng tài khoản mạng xã hội của họ. Lúc này, kẻ gian có thể truy cập vào tài khoản người dùng, từ đó lấy được thông tin nhạy cảm, cố gắng lừa đảo lấy thông tin danh bạ và nhiều loại tấn công khác.
Cảnh sát Úc cho biết người đàn ông nói trên đã tạo ra mạng Wi-Fi giả trên nhiều chuyến bay nội địa giữa Perth, Melbourne và Adelaide. Nhân viên hãng hàng không đã phát hiện ra mạng Wi-Fi giả trên một trong những chuyến bay và đã thông báo cho cơ quan chức năng.
Đây là trường hợp nhắc nhở chúng ta về rủi ro khi truy cập vào mạng Wi-Fi công cộng và mở, yêu cầu họ thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Điều đầu tiên mà người dùng cần làm là xác minh rằng họ đang kết nối với mạng Wi-Fi thực mà mình cố gắng truy cập (chẳng hạn mạng khách sạn, quán cà phê hay mạng máy bay). Tiếp theo là không thực hiện các hoạt động nhạy cảm như giao dịch ngân hàng hoặc các hoạt động liên quan đến việc sử dụng dữ liệu bí mật. Thậm chí, nên sử dụng VPN khi duyệt trên các mạng Wi-Fi công cộng để bảo vệ danh tính và dữ liệu của mình.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, người dùng không cần phải nhập dữ liệu cá nhân như địa chỉ email và mật khẩu để truy cập mạng Wi-Fi mở. Nên tránh nhập những thông tin này trên mạng công cộng.
Bình luận (0)