Tạo mọi điều kiện để trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp cho đất nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/03/2024 06:34 GMT+7

Chiều 29.2, tại trụ sở T.Ư Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân đầu Xuân Giáp Thìn 2024.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai; Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng chủ trì hội nghị.

Hơn 200 đại biểu là trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tham dự cuộc gặp mặt.

Tạo mọi điều kiện để trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp cho đất nước- Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tại cuộc gặp mặt

TTXVN

Tiếp tục đồng hành với Đảng, với dân tộc và nhân dân

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các đại biểu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá các ý kiến đều tâm huyết, trách nhiệm, nặng lòng với đất nước, thể hiện sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và những hiến kế quý báu của các đại biểu cho Đảng, Nhà nước để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đất nước ngày càng đổi mới và phát triển bền vững.

Nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một năm thật khó khăn, Chủ tịch nước khẳng định, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã vượt qua gian khó, đạt nhiều thành quả quan trọng, khá toàn diện với những dấu ấn nổi bật.

"Những thành quả của năm 2023 làm dày hơn những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, là tiền đề, điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào năm 2024 và những năm tiếp theo", Chủ tịch nước khẳng định.

Theo Chủ tịch nước, trong các thành quả đáng tự hào của đất nước thời gian qua có sự đóng góp quý báu, rất quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trên nhiều lĩnh vực. Đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ VN thời gian qua ngày càng lớn mạnh, hoạt động ngày càng tích cực, đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp chung của Đảng và dân tộc. Nhiều trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là những tấm gương trong lao động, học tập, nghiên cứu và sáng tạo, dấn thân vì dân, vì nước, vươn lên ngang tầm khu vực và thế giới, được quốc tế vinh danh, được công chúng yêu thích và mến mộ.

Tạo mọi điều kiện để trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp cho đất nước- Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tại cuộc gặp mặt

NGỌC THẮNG

Nhấn mạnh năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, bắt đầu chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, Chủ tịch nước nhấn mạnh, khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước phồn vinh theo Nghị quyết Đại hội XIII đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải một lòng vững tin vào đường lối của Đảng và mục tiêu đi tới của dân tộc, tự tin vào sức mạnh văn hóa và con người VN, nỗ lực lớn, quyết tâm cao và bản lĩnh kiên cường.

Chủ tịch nước cho rằng, khát vọng và mục tiêu cao đẹp cùng những đòi hỏi ấy đặt ra nhiệm vụ quan trọng, mang đến cảm hứng lớn lao cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong lao động, nghiên cứu và sáng tạo, tiếp tục đồng hành với Đảng, với dân tộc và nhân dân, vượt qua mọi thách thức, khó khăn, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn.

Sức mạnh dân tộc nằm ở những con người trí tuệ, phẩm giá

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn coi GD-ĐT, KH-CN là quốc sách hàng đầu, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, luôn đề cao, trân trọng, đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và văn nghệ sĩ; tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển vững mạnh, toàn diện, đóng góp nhiều hơn trí tuệ, tài năng, sức sáng tạo cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch nước nêu rõ, trong mỗi giai đoạn cách mạng, dù khó khăn đến đâu, Đảng cũng dành thời gian bàn và ra quyết sách về trí thức, KH-CN, GD-ĐT, văn học nghệ thuật. Mới đây nhất, Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 45 (ngày 24.12.2023) về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Tạo mọi điều kiện để trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp cho đất nước- Ảnh 3.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại cuộc gặp mặt

NGỌC THẮNG


Chủ tịch nước nhấn mạnh, lịch sử phát triển của các quốc gia thịnh vượng đã làm sáng tỏ một chân lý là sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà ở những con người có trí tuệ và phẩm giá.

Ở VN, chính đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, đặc biệt là những hiền tài - "nguyên khí của quốc gia", giàu khát vọng, dám nghĩ, dám làm, đổi mới và sáng tạo, bằng tình yêu Tổ quốc và nhân dân đã giữ vai trò tiên phong, quan trọng, thắp lên những đốm lửa của đổi mới, đặt nền tảng cho phát triển, khai mở những tiềm năng, tạo ra những đột phá, đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách trong từng giai đoạn.

Do đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tiếp tục xây dựng, phát triển và phát huy vai trò to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một việc rất quan trọng và rất cần thiết cả trước mắt và lâu dài.

Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ; tích cực thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, tạo môi trường thuận lợi để phát huy tốt nhất vai trò, sự đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đất nước đang rất cần những trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ với tình yêu Tổ quốc nồng nàn, sự đồng cảm sâu sắc với nhân dân, khát vọng lớn lao, sẵn sàng dấn thân, hòa mình vào thực tiễn đời sống phong phú, sinh động của đất nước, đồng hành với Đảng, dân tộc trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Chủ tịch nước cũng yêu cầu xây dựng đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới; đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; vun trồng các tài năng văn học - nghệ thuật. Cùng với đó, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khát vọng và ý chí vươn lên, sẵn sàng dấn thân, cống hiến trí tuệ, tài năng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, lan tỏa những điều lành, điều thiện; tích cực xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.

Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do tư tưởng, sáng tạo

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng yêu cầu phát huy dân chủ, tôn trọng tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, đề cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; tạo mọi điều kiện tốt nhất để giải phóng tiềm năng, phát huy trí tuệ và năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.

Cùng với đó, có cơ chế để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tham gia tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội, tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.

Chủ tịch nước đề nghị các tổ hội của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ từ T.Ư đến địa phương, nhất là Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN và các hội chuyên ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy, tập hợp ngày càng đông đảo, đoàn kết đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ ở trong và ngoài nước; thực sự là môi trường hoạt động nghề nghiệp, trở thành cầu nối tin cậy và vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.

"Đất nước đang rất cần những trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ với tình yêu Tổ quốc nồng nàn, sự đồng cảm sâu sắc với nhân dân, khát vọng lớn lao, sẵn sàng dấn thân, hòa mình vào thực tiễn đời sống phong phú, sinh động của đất nước, đồng hành với Đảng, dân tộc trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Đổi mới chế độ đãi ngộ, sử dụng văn nghệ sĩ

Tạo mọi điều kiện để trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp cho đất nước- Ảnh 4.

Ông Đỗ Hồng Quân

NGỌC THẮNG

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN Đỗ Hồng Quân kiến nghị Đảng, Nhà nước cần chăm lo phát triển toàn diện cả vật chất, tinh thần để đội ngũ văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo, cống hiến nhiều nhất, các tài năng nghệ thuật trẻ cần được phát hiện sớm, đào tạo bồi dưỡng bài bản, tôn vinh và được trọng dụng.

Cụ thể, ông Đỗ Hồng Quân đề nghị cần đổi mới chế độ đãi ngộ, sử dụng, tôn vinh tài năng đối với văn nghệ sĩ; thu hút nhân tài người Việt trên thế giới để phục vụ, cống hiến cho nước nhà.

Về cơ chế, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN kiến nghị cần đặt sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật VN trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia, và là thành phần quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, con người VN trong thời kỳ mới. Cùng đó, những loại hình văn học nghệ thuật trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ quyền, thống nhất quốc gia, dân tộc, đến các giá trị cốt lõi của văn hóa, con người VN thì Đảng, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ, đầu tư tối đa để đảm bảo có tác phẩm chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật; có sức sống lâu bền, sự lan tỏa rộng khắp trong xã hội.

Hãy đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức

Tạo mọi điều kiện để trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp cho đất nước- Ảnh 5.

Ông Huỳnh Quyết Thắng

Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng kiến nghị Đảng, Nhà nước hãy đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức VN; coi xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh, toàn diện là đầu tư cho xây dựng và bồi đắp nguyên khí quốc gia, phát triển bền vững, là động lực phát triển đất nước.

Ông Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh, cần xây dựng chính sách cầu người hiền, kết nối mạnh mẽ thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức ở trong nước và người Việt, gốc Việt ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cũng kiến nghị cần tăng cường đầu tư cho GD-ĐT và KH-CN, đổi mới sáng tạo. Mức chi cho KH-CN, đổi mới sáng tạo ở mức 2%; mức chi cho GD-ĐT đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Mức chi cho giáo dục ĐH cũng cần ở mức tương đương các nước trong khu vực, vì mức chi này ở VN hiện còn rất thấp. Ông Huỳnh Quyết Thắng cũng kiến nghị cần đẩy nhanh tiến trình tự chủ ĐH, hội nhập sâu rộng quốc tế và có các chính sách đột phá, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển…

Trao quyền tự chủ trong việc sử dụng, đãi ngộ trí thức

Tạo mọi điều kiện để trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp cho đất nước- Ảnh 6.

Bà Ngô Thị Phương Lan

Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) Ngô Thị Phương Lan kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có cơ chế phù hợp để đội ngũ trí thức tham gia đóng góp cho sự phát triển KT-XH của đất nước; vì hiện nay ít nhiều vẫn còn khoảng cách giữa công tác quản lý nhà nước và các sản phẩm khoa học.

Bà Ngô Thị Phương Lan cũng kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm sâu sắc đến nền giáo dục, KH-CN của nước nhà. Theo bà Lan, đây là nền tảng để tạo ra những con người VN xứng tầm, vượt tầm nhiệm vụ, có tinh thần quốc gia, dân tộc.

Cạnh đó, bà Ngô Thị Phương Lan kiến nghị nghiên cứu để trao quyền tự chủ cho cán bộ lãnh đạo quản lý sử dụng, bổ nhiệm, thực thi chính sách đãi ngộ với trí thức, đặc biệt cán bộ đầu ngành có trình độ chuyên môn cao. Bà Lan nhấn mạnh, trong bối cảnh tự chủ như hiện nay, cần có chiến lược quan tâm kịp thời đến các ngành khoa học cơ bản như nền tảng của sự phát triển bền vững. "Để có một quốc gia phát triển bền vững, hạnh phúc, chúng ta cần có những con người hạnh phúc và tài năng", bà Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Đầu tư cho văn hóa phải hợp lý, chính xác

Tạo mọi điều kiện để trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp cho đất nước- Ảnh 7.

Ông Nguyễn Quang Thiều

Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều bày tỏ không đồng tình với một số ý kiến cho rằng 350.000 tỉ đồng mà Bộ VH-TT-DL đưa ra cho chương trình chấn hưng văn hóa là "tiêu quá nhiều tiền trong khi nhân dân còn khó khăn". "Quan điểm của các nhà văn, trong đó có tôi, rằng 350.000 tỉ đồng vẫn là con số rất ít. Vì để đầu tư văn hóa là vô cùng lớn. Đầu tư văn hóa không phải chúng ta trồng khoai tây, khoai lang mà trồng tháng 1 đến tháng 4 có thể dỡ được khoai, mà phải mất hàng trăm năm", ông Thiều nói.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn VN, để hình thành văn hóa thì cần rất nhiều thời gian, do đó đầu tư cho văn hóa là cần thiết và lâu dài. Dẫn lại phát biểu tại Quốc hội của nhà thơ Hữu Thỉnh khi là Chủ tịch Hội Nhà văn VN, đại biểu Quốc hội, rằng nếu chúng ta tiết kiệm hay bớt một đồng chi cho văn hóa thì phải bỏ ra 1.000 đồng xây nhà tù, ông Nguyễn Quang Thiều nhìn nhận, câu nói này không mang tinh thần thơ ca mà là chân lý, chứa đựng tầm quan trọng của văn hóa. Theo ông Thiều, câu nói này cũng cảnh báo nếu chúng ta bỏ rơi văn hóa, nếu tiết kiệm hay bớt đi một đồng chi cho văn hóa thì 100 năm sau, con cháu chúng ta phải cùng nhau bỏ tiền xây nhà tù cho những vấn đề về đạo đức, về nhân cách. "Tôi nghĩ Nhà nước cần chính sách đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa", ông Thiều kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.