(TNO) Tại phiên chất vấn chiều ngày 13.6, biện pháp xử lý các sai phạm tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư là vấn đề được nêu lên trong gần như tất cả các câu hỏi từ các đại biểu quốc hội.
|
Đại biểu Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên) thắc mắc: Dù đã có nhiều quy định giám sát chặt tình hình sử dụng nguồn vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong từng thời kỳ cụ thể, nhưng tại sao việc phát hiện ra các sai phạm tại các tập đoàn, công ty này lại quá chậm trễ, dẫn đến thất thu hàng nghìn tỉ đồng ngân sách?
“Không chỉ riêng đối với Vinalines, tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác đều chịu sự giám sát đầu tư, tài chính chặt chẽ thường xuyên của các bộ, trong đó có các bộ quan trọng là Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính. Vậy bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao dù được giám sát, theo dõi chặt chẽ, thường xuyên như vậy nhưng những vụ việc sai phạm kéo dài, thất thoát lớn vừa qua lại được phát hiện rất chậm”, bà Nga phát biểu.
Giải trình về việc này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết các nghị định về đầu tư ban hành trước đây đã nêu rõ là doanh nghiệp có dự án đầu tư phải tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý dự án theo các quy định pháp luật.
“Cho nên, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã không báo cáo lên các bộ, trong đó có Bộ Kế hoạch - Đầu tư, về các dự án đầu tư”, ông Vinh cho biết.
Giải trình về những bất cập trong đầu tư công, Bộ trưởng cho biết hiện vẫn chưa có đủ chế tài quản lý việc phân bổ vốn cho các địa phương. “Dù theo quy định là khi được giao xong thì phải báo cáo lại nhưng Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực tế không nhận được nhiều các báo cáo như vậy. Trong khi đó thì chưa có chế tài để giám sát chặt chẽ việc này”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay.
Đại biểu Chu Sơn Hà (TP.Hà Nội) lo ngại rằng đề án tái cơ cấu nền kinh tế sẽ dẫn đến tiêu tốn ngân sách nhà nước. Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng tái cơ cấu kinh tế không đồng nghĩa với việc là nhà nước sẽ bỏ tiền ra.
“Nhà nước không phải bỏ ra một cái gói tổng thể là bao nhiêu nghìn tỉ đồng để hỗ trợ các nơi, mà trong cơ chế kinh tế thị trường như hiện nay, thì Nhà nước sẽ định hướng cho các thành phần kinh tế chuyển đổi theo yêu cầu của đề án tổng thể này”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) thì nêu ý kiến về việc chính phủ Đan Mạch đã quyết định tạm dừng dự án đầu tư ODA tại Việt Nam do nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực trong quá trình triển khai và yêu cầu Bộ trưởng Vinh cho biết giải pháp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong vấn đề này.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận để xảy ra việc như vậy ngay trước thềm hội nghị Nhóm các nhà tài trợ vốn ODA cho Việt Nam (CG) là một điều “đáng tiếc”. Tuy nhiên, ông nêu rõ rằng đây chỉ là nghi vấn của phía Đan Mạch.
“Họ cho một công ty kiểm toán độc lập quốc tế vào kiểm tra và họ cảm thấy có một số điều chưa được rõ. Cho nên họ tuyên bố tạm dừng xem xét”, Bộ trưởng nói.
Ông cũng nói thêm rằng quan điểm của bộ là sau khi điều tra, nếu có vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm để lấy lại “niềm tin của các nhà tài trợ quốc tế”.
“Đã không có một quan chức hay nhà tài trợ nào, kể cả Đan Mạch, thắc mắc hay chất vấn về vấn đề này tại hội nghị CG vừa qua vì đây chỉ là một thông tin nghi ngờ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, đồng thời cũng nói thêm là cả hai phía Đan Mạch và Việt Nam đang cùng ngồi lại để tìm hiểu đối chiếu và sẽ sớm đưa ra báo cáo xác minh trong thời gian tới.
Nhiều đại biểu quốc hội lo ngại đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thành lập một công ty mua bán nợ quốc gia trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước đang hạn hẹp là không phù hợp.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết đề xuất này hiện vẫn còn đang được chính phủ bàn bạc, thảo luận chứ chưa đưa ra chính thức.
“Trong phiên họp để tìm ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay của nền kinh tế diễn ra giữa Thủ tướng Chính phủ và các nhà khoa học, một trong những giải pháp được nhất trí cao là nên thành lập một công ty mua bán nợ quốc gia. Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước thành lập đề án về việc này. Đến nay cũng chỉ mới dừng lại ở mức thảo luận đề án trong nội bộ Ngân hàng Nhà nước chứ chưa có quyết định chính thức”, Thống đốc cho biết.
Hoàng Uy
>> Bộ trưởng GTVT nhận nhiều câu hỏi chất vấn nhất
>> Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 bộ trưởng trả lời chất vấn
>> Lên Sài Gòn làm... nông dân
>> Vào tù vì đất đai
>> Đại biểu kiến nghị giảm thuế, Bộ trưởng nói không thể
>> Thích làm “hộ nghèo”
>> Sửa luật Đất đai: Dân đang trông đợi từng ngày, từng giờ
>> Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 bộ trưởng trả lời chất vấn
Bình luận (0)