Tập gym thế nào cho đúng?: Chuyên gia giải mã chuyện vận động lúc nửa đêm

Phạm Hữu
Phạm Hữu
26/10/2024 12:37 GMT+7

Từ vụ gymer tử vong ở Hà Nội, các chuyên gia đã chỉ ra các nguy cơ tiềm ẩn khi tập quá mức và cách để người tập gym giữ được an toàn và hiệu quả nhất.

Trong lúc tập, một gymer ở Hà Nội bất ngờ ngất xỉu, có dấu hiệu bị đột quỵ ngay tại một phòng tập khiến nhiều người tập gym hoang mang. Làm cách nào để tránh những rủi ro, sự cố tại phòng gym cũng như cách xử lý khi gặp phải? Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia thể thao, bác sĩ về cách giữ an toàn khi đến phòng gym.

Phải lắng nghe cơ thể mình

Đầu tiên, HLV thể dục, trị liệu về thể thao Phạm Trường Sơn cho rằng với bất cứ người tập thể thao nghiệp dư nào điều quan trọng nhất là "phải lắng nghe cơ thể mình". Tức là với người tập gym, muốn tập hiệu quả thì trước tiên thể trạng cần phải khỏe, các cơ quan của cơ thể hoạt động tốt như một người bình thường. Đồng thời, cơ thể luôn ở trạng thái phải được phục hồi, ngủ đủ và ăn ngon.

Tập gym thế nào cho đúng?: Chuyên gia giải mã chuyện vận động lúc nửa đêm- Ảnh 1.

Gymer cần các bài tập thể lực phù hợp thể trạng từng người

Ảnh: Phan Diệp

Theo HLV này, hiện chưa nhận thấy việc người tập gym đẩy tạ bị đột tử. Duy nhất chỉ có các chấn thương về cơ, xương, khớp khi nhiều người cố đẩy tạ thật nặng. Tuy nhiên, khả năng nguy cơ dẫn đến đột tử cao do người tập ở phòng gym sử dụng các loại máy và bài tập thiên về thể lực. Đó là các loại máy liên quan chủ yếu đến các hoạt động về tim mạch như: chạy bộ, đạp xe, chèo thuyền, trượt tuyết, leo núi….

Do đó, HLV Sơn khuyến cáo với mọi người cần tuân thủ từng bước tập căn bản đến nâng cao khi đến phòng tập gym. Không cố ép bản thân một cách quá mức so với thể trạng sức khoẻ, nhất là sức chịu đựng của tim mạch. Nếu có điều kiện nên kiểm tra thể lực, nhịp tim và các vấn đề khác ở bệnh viện trước khi tập luyện bài bản.

Với những người tập gym lâu năm cần chú ý đến ngưỡng quá sức của cơ thể khi tập nhiều lần trong tuần, liên tục trong nhiều tháng. "Tức là cố ép bản thân tập thật nặng và liên tục để đạt được body như mong muốn. Bởi với tim và các mạch máu thì khó để cảm nhận được nó đang mệt mỏi như thế nào. Do đó, hằng tuần người tập gym cần duy trì mức 1 ngày tập nặng, 1 ngày nhẹ và 1 ngày vừa. Đồng thời thực hiện giáo trình tập luyện một cách khoa học, bài bản thay vì tập vô chừng và tự đẩy bản thân vào thế khó", HLV Sơn nói.

Có nên tập gym lúc nửa đêm?

Bác sĩ CKII, Phạm Thế Hiển, Tổng thư ký Liên chi hội nội soi cơ xương khớp TP. HCM cho biết, gym là bộ môn thể thao gồm nhiều phương pháp tập luyện với máy, dụng cụ khác nhau và theo từng nhóm cơ như cổ, tay, vai, thắt lưng, cơ bụng, chi dưới… Ngoài ra, trong phòng gym hiện nay còn tích hợp của nhiều môn khác như: nhảy, chèo thuyền, chạy bộ, boxing… Từ sự tổng hợp đó, phòng gym hiện nay được nhiều người lựa chọn là nơi để duy trì sức khoẻ, tinh thần, vóc dáng xinh đẹp và thể lực.

Tuy nhiên, bác sĩ Hiển cho rằng với bất kỳ môn thể thao nào không loại trừ gym cũng dễ dẫn đến chấn thương, nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình tập luyện. Với việc tập gym, bác sĩ Hiển cho biết có các nguyên nhân khi tập quá mức như: dẫn đến rách cơ, chấn thương khớp, rách dây chằn, tăng áp lực cơ bụng gây nên thoát vị đĩa đệm, mất nước gây nên sỏi thận. Hoặc có trường hợp người tập cơ bụng nhanh, mạnh, mong được 6 múi, điều này rất dễ bị thoát vị đĩa đệm dẫn đến thận tinh, gây chèn ép ở tinh hoàn. Ngoài ra, mối nguy từ các phòng gym hiện nay khi tập trong môi trường quá lạnh hoặc quá nóng sẽ tạo nên hiện tượng say lạnh và nắng.

Tập gym thế nào cho đúng?: Chuyên gia giải mã chuyện vận động lúc nửa đêm- Ảnh 2.

Tập gym lúc nửa đêm hoặc nơi có nhiệt độ quá lạnh hoặc nóng có nên không?

Ảnh: Phan Diệp

Theo bác sĩ Hiển, hiện nay nhiều người rất thích cơ bắp to, rắn chắc. Tuy nhiên việc nâng tạ thật nặng hoàn toàn không có lợi gì với cơ thể. Với một người bình thường tập để cơ bắp to sẽ tùy vào các khối cơ, đường đi của gân bám vào xương. Thế nhưng tỉ lệ cơ to hơn gân sẽ khó điều khiển được phần xương. Một số người chân ngắn nhưng tập cho cơ bắp thật to thì rất dễ bị đứt gân khi vận động mạnh.

Cũng theo bác sĩ Hiển, trào lưu tập gym lúc nửa đêm đến sáng rất không tốt với sức khỏe. Bởi cơ thể mỗi người luôn cần thời gian nghỉ ngơi từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày. Khi nghỉ ngơi, não, cơ, khớp cũng nghỉ ngơi, các cơ quan khác cần thải độc. Với cơ bắp qua một ngày vận động đã làm sức chịu đựng giảm đi, nếu tập về đêm sẽ làm cơ càng không thể nghỉ ngơi hơn và khó tái tạo lại các thớ cơ đã bị tổn thương trước đó. Dần dần sẽ cơ thể hao mòn sức lực thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, tập khuya sẽ bị nhiễm lạnh do thay đổi nhiệt độ, rất dễ đột quỵ.

Từ những vấn đề trên, bác sĩ Hiển khuyên người tập gym nên khởi động thật kỹ trước các buổi tập. Chọn môi trường tập đừng quá nóng, lạnh hoặc thời gian quá khuya, phải bù đủ nước sau buổi tập. Phải biết rõ bộ môn đang theo đuổi và có HLV theo sát trong quá trình tập luyện. Nguyên tắc tập từ ít đến nhiều, đơn giản đến phức tạp. Gymer phải lắng nghe cơ thể, nếu đau phải dừng lại chuyển qua bài tập khác, đừng cố làm tiếp khiến nhóm cơ trở nên tệ hơn. Cuối cùng gymer cần biết cơ thể mình cấu tạo ra sao, có phù hợp với từng môn thể thao nào, nhất là có phù hợp với gym hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.