Tạp hóa - Truyện ngắn của Phát Dương

10/12/2017 11:00 GMT+7

Thằng Phúc đội mưa xách chùm chìa khóa chạy te te ra mở cổng. Bạn nó không có nói dóc. Cái nhà trống đối diện chỗ trọ thằng Phúc đã trở thành một tiệm tạp hóa.

Và trước tiệm, một người phụ nữ trẻ đang ngồi nướng bắp. Mưa lất phất bay, tạt vô bếp than nổ lép bép. Phúc chép miệng, cổ ực nước miếng nhìn những trái bắp đã cháy lớp vỏ ngoài. Chỉ cần lột bỏ lớp vỏ xấu xí đó rồi nướng thêm chút nữa, quết thiệt nhiều mỡ hành thơm phức lên là ngon nhức răng.
Phúc hỏi giá chị chủ. Giọng Bắc cất lên làm nó ngỡ ngàng: “Bảy nghìn em ạ, em lấy mấy trái?”. Nó mua một trái thôi, đứng tần ngần nhìn xung quanh tiệm trong khi chị nướng sơ lại bắp.
Mọi thứ còn hơi lộn xộn. Những gói mì và nước ngọt chưa được xếp lên kệ nằm ngổn ngang một góc. Cái tủ đựng bánh trái, dầu ăn, nước mắm, nước tương… vừa sơn mới cáu. Kế lò than nướng bắp là tủ bánh mì đầy ắp cùng một đĩa pa tê chả lụa, mấy trái dưa leo và mớ rau thơm. Góc bên kia là tủ mát. Coi ra cũng khá đầy đủ cho một tiệm tạp hóa sinh viên.

tin liên quan

Mùi của rác - Truyện ngắn của Nguyễn Trí
Hôm ấy mới chín giờ sáng nhưng những cái loa phóng thanh trên các con đường ở xã đã phát trên chục lần cái tin: “Đề nghị nhân dân trong toàn xã tạm dừng đóng tiền thu gom rác cho thầu rác Mai Thị Xuyên”.
Chị bỏ trái bắp vào bọc cho Phúc, cười với nó hiền khô: “Chị lấy em sáu ngàn thôi, coi như mở hàng. Có gì qua mua hàng ủng hộ chị nhé”. Phúc gãi gãi đầu, lúng túng cảm ơn chị. Nó thấy trên khoảng tường phía sau chị có dán miếng giấy chữ nhật ghi chữ in hoa có bán bánh mì pa tê, hột vịt lộn và giặt ủi. Tối nay chắc chắn nó và mấy đứa bạn sẽ qua ăn trứng vịt lộn giúp chị. Còn giặt ủi, đúng lúc nhỏ bạn nó đang kiếm hổm rày.
Phúc hí hửng quày vô phòng, khoe với thằng bạn trái bắp được bớt một ngàn mà nó tự cho là do nó… dễ thương. Nhưng khi cắn răng vô trái bắp nóng hổi và thơm nức mùi mỡ hành, cái vui của nó bị bóp xẹp. Thằng bạn cạp thử một cái cũng công nhận điều nó nghĩ. Hình như chị không rành nướng bắp. Bắp lựa bị nhỏ, ít hạt và khô. Chị nướng quá lâu khiến bắp bị cứng, mất cái ngọt ngon của hạt bắp. Bắp bị cắn bể, trôi xuống cổ họng ran rát. Ran rát trong cả suy nghĩ, khi hai thằng quay qua nhìn nhau: Không biết chị bán ở đây được bao lâu.
***
Không phải tự nhiên mà thằng Phúc nghĩ chị chủ tiệm tạp hóa mới sẽ nhanh chóng dọn đi. Mặc dù hẻm này nhiều nhà trọ, sinh viên đông, nhưng sức mua rất ít. Kế bên chị lại là một tiệm tạp hóa lớn, nhiều đồ hơn, và cũng là chủ của căn nhà chị đang mướn để mở tiệm.
Căn nhà đó không biết đã có bao nhiêu người dọn tới và dọn đi rồi. Lần đầu tiên Phúc dọn vô nhà trọ này thì căn nhà đó là một tiệm làm đầu. Cũng là tiệm ở lâu nhất, tới nửa năm. Sau đó dọn đi, một tiệm làm móng thế vô. Lần này nhanh hơn, chỉ có mấy tháng đã dọn mất. Kế nữa là cặp vợ chồng đi bán trái cây dạo. Cũng chỉ được vài tháng. Sau nữa là xe nước mía và đồ ăn vặt. Một tháng đã dọn. Giờ, tới chị và tiệm tạp hóa.
Phúc thấy chị không giống người rành buôn bán. Chị lọng cọng trong tính tiền, hay quên trước quên sau. Có lần Phúc và hai đứa bạn ra mua trứng vịt lộn, chị lấy thiếu một trứng. Chị cũng có cách buôn bán khác người. Nếu những tiệm quanh đây đựng nước đá trong thùng xốp, chị dành hẳn tủ mát chỉ để đựng nước đá. Chị lấy trứng vịt lộn từ bà bán vịt lộn đầu hẻm chứ không phải mua sỉ ở chợ. Người ta luộc trứng bằng lò than, chị luộc bằng bếp điện. Chị không biết loại mì mà đám sinh viên hay ăn, khi tụi nó hỏi mua.
Và đặc biệt, đôi mắt chị hình như không thuộc về bốn bức tường chất đầy đồ đạc này. Ánh mắt chị luôn nhìn đâu đó xa xăm như xuyên thủng những dãy nhà bê tông, đòi về một vùng xa ngái nào đó. Có lúc, ánh mắt ấy như tìm kiếm một ai đó, khi chị nhổm lên lúc một bóng người chạy xe vụt ngang, rồi chị lại buông mình thẫn thờ xuống ghế. Thằng Phúc cho rằng chồng chị đã dựng nên tiệm tạp hóa này để chị bận rộn, để giữ chị. Chứ từ buổi tối con hẻm rực sáng ánh đèn và ồn ào tiếng khoan đục, tiệm tạp hóa thành hình rồi có thấy chồng chị thường xuyên ở nhà đâu.
Dù thằng bạn Phúc gạt ngang suy nghĩ này, cho rằng nó thiệt tào lao, nhưng nó vẫn tin mình đúng. Đã mấy lần nó thấy chị ngồi như mất hồn. Cũng đã mấy lần, những lúc hiếm hoi chồng chị ở nhà, tiếng cãi vã ghen tuông bùng lên nhức tai. Sau những lần đó, mắt chị cụp xuống và dường như ánh sáng bị dập tắt, dù môi vẫn mỉm cười.
Nhìn chị như vậy, Phúc chợt nhớ về gia đình gần nhà nó ở dưới quê. Họ là người miền Bắc, vô trong đây kiếm sống. Vì nhiều lý do, họ không thể trở về. Họ dựng nhà cửa ở đây, sinh con cái ở đây, những đứa con không biết gì về gốc gác. Phúc nhớ đến hũ sấu ngâm mà nó đem từ Hà Nội về sau một chuyến du lịch. Bà hàng xóm trong khu nhà trọ nghèo đã qua xin một chút cho đứa cháu ăn thử, “để nó biết mùi vị quả sấu”. Những ký ức có thể được truyền qua lời kể, nhưng kiểu gì cũng đã bị cắt xén ít nhiều. Bởi thời gian, cảm xúc, khoảng cách và trăm ngàn lý do. Chỉ có tự trải nghiệm mới thấu, mới hiểu, mới chạm được những nỗi niềm mà lứa con cháu đâu có được quay về quê ông bà để biết. Chị đã vô đây bao lâu rồi? Từ khi nào? Vì sao? Ai mà biết. Phúc và chị chỉ tồn tại mối quan hệ mua bán. Cả tên chị, nó còn không biết.
***
Chị là một người tốt. Phúc nghĩ vậy. Buổi trưa đó mưa lớn, nước hất xuống đường rát rạt. Nó đi học về, nghĩ gần tới nên không thèm mặc áo mưa. Mọi cử động của nó đều gấp gáp, nhưng đột ngột chậm lại khi chìa khóa đã tra vô ổ, chuẩn bị xoay để mở cổng trọ. Dưới mái tôn chìa ra của căn nhà kế bên cổng, người đàn ông chạy xe bán dao thớt dạo co ro nép vô sâu tránh những đợt mưa hất xối xả. Chị ở trong nhà ngó nghiêng nhìn ra, cất tiếng mời ông vô bàn phía bên này ngồi đụt mưa. Bên đó có mái che, mưa không lấn tới. Chỉ vậy thôi mà Phúc đã thấy chị tốt rồi.
Thằng bạn Phúc thì không nghĩ vậy. Nó nói đó là chiến lược kinh doanh của chị. Ông bán dao thớt vô ngồi, dễ gì không mua một chai nước. Đúng là dân học kinh tế, nhìn đâu cũng thấy bán - mua - lợi nhuận. Phúc cãi, nói thằng bạn làm mất đi những vẻ đẹp tình người. Thằng bạn nói Phúc đúng là dân học văn, nhìn đâu cũng ra sướt mướt.
Vậy mà có lúc, cả Phúc và thằng bạn đều không lý giải được hành động của chị. Tiệm tạp hóa bán đầy đủ đồ như vậy, làm sao mà không có hộp quẹt. Nhưng chị lại không bán hộp quẹt. Tiếng “không” của chị sắc lạnh và lạc lõng, đáp trả một người đàn ông ăn bận xuề xòa hỏi mua. Lúc đó, Phúc và mấy đứa bạn đang ngồi ăn trứng vịt lộn kế bên, ngỡ ngàng. Người đàn ông phun một bãi nước bọt, lèm bèm chửi thề rồi bước đi qua tiệm khác mua. Chị quày vô nhà trong, rất lâu sau mới thấy trở ra. Phúc thấy rõ ràng trên tủ còn đầy hộp đựng hộp quẹt màu xanh dương. Gương mặt chị khi tính tiền cho tụi nó còn đọng dấu vết hoang mang, như thể chị vừa gặp lại một ký ức đau đớn nào đó. Cả đám nhìn nhau, ngơ ngác không hiểu gì.
***
Một tuần sau lần từ chối bán hộp quẹt, chị dọn đi. Căn nhà trở lại trống vắng, treo biển “cho mướn” cùng dãy số điện thoại sơn đỏ. Những dãy kệ, tủ, bàn ghế, đồ đạc đột ngột biến mất không khỏi làm con mắt cảm thấy trống vắng. Mỗi lần đi học về, nhìn lại chỗ từng là tiệm tạp hóa, chỗ từng để cái ghế chị ngồi, chỗ tụi nó ăn trứng vịt lộn, Phúc thấy buồn thiu. Nó không biết vì sao chị dọn đi. Chắc tại ế ẩm.
Những lời đồn của mấy người đàn bà trong hẻm cho Phúc một cách trả lời khác. Họ nói, chị quê đâu tuốt ngoài Hà Giang lận. Người đàn ông Phúc nghĩ là chồng chị chẳng qua chỉ là tình nhân. Chị có chồng con ngoài đó rồi nhưng mê ông này, bỏ nhà cửa chồng con theo ổng vô tuốt trong đây trốn. Ổng ghen dữ lắm, không cho chị đi làm. Ổng dựng cái tiệm này cho chị bán, để chị khỏi đi đâu, ổng cũng dễ canh chừng.
Nghe nói chồng chị bỏ vô đây đi kiếm chị. Có mấy lần kiếm gặp, chị với ông bồ lại chạy qua chỗ khác. Bữa hổm ông chồng chị kiếm lại tận chỗ này, mà chị trốn nên không gặp. Sau đó, như mọi lần, chị lại chạy trốn.
Chị đi rồi, những lời xì xầm ở lại. Phúc không biết gì về chị, ngoài những lời bàn tán đó. Có lẽ những người xung quanh đây cũng là những người chỉ biết chị qua những lời truyền miệng. Chúng đúng hay không, ai mà biết. Chỉ biết là chúng thay chị ở lại đây, để người ta giết thời gian trong những buổi chiều rảnh rỗi. Để người ta tìm lý do giải thích những điều mà người ta không biết. Và là tất cả những gì người lạ sẽ biết về chị, khi nghe đồn thổi. Cũng có người nói là tại khu nhà đó phong thủy xấu nên không ai ở được dài lâu.
Không biết sau chị sẽ có ai dọn đến, sẽ có tiệm gì mọc lên chỗ căn nhà đối diện nhà trọ Phúc. Không biết bao nhiêu cuộc mưu sinh sẽ dời đổi để lần mò tìm ra được đường đi. Không biết bao nhiêu lời đồn đại sẽ xuất hiện thêm nữa.
Không biết khi qua chỗ mới chị có tiếp tục bán tạp hóa không? Chắc sẽ có, làm vậy dễ kiếm tiền. Tạp hóa mà, người ta cần gì cũng có. Hoặc có thể chị không bao giờ bán tạp hóa nữa, khi chị luôn có những thứ người ta cần mà không ai có nổi thứ chị cần để bán cho chị.
Ai mà biết được. Chị đã vô đây bao lâu rồi? Từ khi nào? Vì sao? Ai mà biết chắc được. Phúc và chị chỉ tồn tại mối quan hệ mua bán. Cả tên chị, nó còn không biết mà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.