70 năm Thanh Hóa đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc:

Tập kết từ trong bụng mẹ

26/08/2024 07:00 GMT+7

Tôi bắt đầu câu chuyện này ở thời điểm tỉnh Thanh Hóa đã, đang chuẩn bị nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc...

Không phải ngẫu nhiên mà xứ Thanh lại có vinh dự to lớn khi được T.Ư chọn là "đầu cầu" để chuyển tải nội dung có tầm vóc lịch sử cách nay tròn 70 năm. Trong khuôn khổ bài báo này xin kể một trong rất nhiều câu chuyện cảm động, chia ngọt sẻ bùi ở giai đoạn đất nước còn vô vàn khó khăn gian khổ.

Tập kết từ trong bụng mẹ- Ảnh 1.

Đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc

TƯ LIỆU

Cách đây 70 năm, được sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15.10.1954, tại Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là P.Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là điểm đầu tiên trên đất Bắc đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết. Kể từ chuyến tàu đầu tiên cập Lạch Hới đến chuyến tàu cuối cùng, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đón tiếp 56.580 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh, học sinh, sinh viên và các gia đình miền Nam tập kết. Dù thời điểm đó còn rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng trên tất cả là tinh thần Nam - Bắc một nhà nên nhân dân Thanh Hóa, mà trực tiếp là bà con Sầm Sơn, đã làm hết sức mình, lo toan chu đáo, nhường cơm sẻ áo đùm bọc những người con thân yêu từ phương Nam ra Bắc để học tập, công tác, chiến đấu, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam tiến tới thống nhất đất nước.

Trong số những người con tập kết ra Bắc có vô cùng nhiều những câu chuyện cảm động. Tôi xin viết đôi dòng nhân sự kiện 70 năm Sầm Sơn, Thanh Hóa đón đồng bào miền Nam tập kết về một trường hợp khá đặc biệt trên chuyến tàu rời cửa sông Ông Đốc (Cà Mau) cuối năm 1954. Trên chuyến tàu này có một người phụ nữ là bà Lê Thị Lý (1932) quê ở Rạch Giá, cán bộ xứ đoàn Nam bộ, cùng đứa con đầu mới 3 tuổi và đang mang thai con thứ hai. Sau những ngày chờ đợi, cuối cùng bà Lý cùng con trai đầu và nhiều người dân Nam bộ bắt đầu những ngày vượt trùng khơi ra Bắc.

Đến Sầm Sơn, Thanh Hóa, một thời gian ngắn sau khi được bà con địa phương đón tiếp, bố trí nơi ăn ở, bà Lê Thị Lý chuyển dạ. Ngay lập tức nhân dân, cán bộ địa phương phân công người chăm sóc em bé 3 tuổi, rồi cử lực lượng khẩn trương đưa bà Lý lên cáng chạy bộ suốt 16 km đến nhà thương ở thị xã Thanh Hóa (nay là Bệnh viện đa khoa TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Tại đây, đứa con thứ hai của bà Lê Thị Lý chào đời trong niềm vui, phấn khởi của mọi người vì "mẹ tròn con vuông".

Khi biết được đây là sản phụ miền Nam vừa tập kết ra Sầm Sơn, từ lãnh đạo đến y, bác sĩ, hộ lý và những người làm việc tại cơ sở y tế này luôn dành sự chăm sóc chu đáo, tận tình như người thân trong nhà. Đứa bé ra đời trên đất Thanh Hóa sau một thời gian rồi cùng mẹ và người anh 3 tuổi được chuyển ra Hà Nội. Những năm tháng đón đồng bào miền Nam tập kết, những gia đình có người mang thai đều được đồng bào Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng đưa đến nhà thương thị xã Thanh Hóa sinh nở.

Tập kết từ trong bụng mẹ- Ảnh 2.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về thăm địa điểm tập kết của đồng bào miền Nam

C.N

Trong những năm tháng bắt đầu "tọc tạch" làm báo, tôi thường đọc các phóng sự, tin, bài của Báo Tiền Phong, Lao Động để học cách viết của những nhà báo tên tuổi đi trước như Xuân Ba (Báo Tiền Phong), Tô Phán (Báo Lao Động)… Sau này, tôi rất thích cách viết phóng sự điều tra của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Còn nhớ năm 1995, Huỳnh Dũng Nhân có chuyến xuyên Việt lần thứ nhất, vừa đi vừa viết và phóng sự Trên đường cái quan ra đời trong chuyến đi này. Cũng từ đây, khi biết chính xác là Huỳnh Dũng Nhân trong chuyến xuyên Việt có ghé thăm Bệnh viện đa khoa TP.Thanh Hóa, tôi mới ngộ ra, đứa bé được sinh ra vào tháng 3.1955 của bà má miền Nam Lê Thị Lý đích thị là nhà báo Huỳnh Dũng Nhân... Bây giờ, anh đã rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến, nhất là những người làm báo.

Năm 2021, trong một chuyến công tác ở miền Bắc, cơn tai biến quái ác ập đến với Huỳnh Dũng Nhân, anh phải nằm viện. Một lần nữa tôi lại vô cùng ngạc nhiên trước nghị lực phi thường của anh. Anh lấy việc viết, vẽ, làm thơ để trị bệnh. Di chứng tai biến để lại trên người với bước đi như "chim cánh cụt", thế mà sau khi ra viện (năm 2021) đến nay anh đã đi 58 tỉnh, thành phố, in 5 cuốn sách, giảng dạy 10 cuộc, vẽ gần 3.000 tranh chân dung văn nghệ sĩ và báo chí, triển lãm tranh 3 lần ở các bảo tàng báo chí và Bảo tàng Phụ nữ VN, 2 lần treo tranh trưng bày ở Cơ quan TTXVN phía nam và Học viện Báo chí tuyên truyền, khoảng 50 lần xuất hiện trên ti vi và báo đài nói chung. Và… cấp cứu 5 lần! Sức làm việc phi thường, không đầu hàng bệnh tật rất đáng khâm phục và là hình ảnh sinh động cho mọi người noi theo!

Tập kết từ trong bụng mẹ- Ảnh 3.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về lại nơi chào đời - nhà thương thị xã Thanh Hóa, nay là Bệnh viện đa khoa TP.Thanh Hóa

TƯ LIỆU

Nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân (69 tuổi) từng công tác ở các báo Tuổi Trẻ, Lao Động, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành, Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo VN, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập tạp chí Nghề báo, giảng viên thỉnh giảng môn phóng sự Khoa Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Cũng cần đề cập thêm một chút, gia đình nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có truyền thống làm báo. Cha anh là nhà báo nổi tiếng Huỳnh Hùng Lý, từng là thư ký tòa soạn Báo Nhân Dân miền Nam và là người trong đoàn cuối cùng lên tàu rời miền Nam ra Bắc. Mẹ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là bà Lê Thị Lý, công tác tại Báo Nhân Dân, Báo Đại Đoàn Kết. Anh trai Huỳnh Dũng Nhân là Huỳnh Dũng Nhi cũng là nhà báo. Tính hết thì cả gia đình có đến 9 người làm báo!

Cuối năm 2022, Huỳnh Dũng Nhân có chuyến ra Thanh Hóa làm việc, tôi tự lái xe lên Cảng hàng không Thọ Xuân đón anh. Trên đường về TP.Thanh Hóa, Huỳnh Dũng Nhân "thỏ thẻ": "Tôi về lại nơi chôn rau cắt rốn". Nói xong, Nhân hướng đôi mắt nhìn về phía đông nơi ấy có Lạch Hới - địa danh đón chuyến tàu đầu tiên chở đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954…

Ngày 1.9 tới, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được mời ra Thanh Hóa dự cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và đón chuyến tàu đầu tiên đưa đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.