Ông Lê Tiếp và các em nhận mẹ Hà Thị Phiên - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Buổi trưa đầu tháng 4.2014, chiếc xe 16 chỗ đỗ trước nhà ông Lê Nghiêm (ở thôn Thanh Danh, xã Nhơn Phong, TX.An Nhơn, Bình Định). Những người trên xe vừa bước xuống, người trong nhà bước ra, chưa nói hết câu chào hỏi, giới thiệu nhau thì đã có người ôm chầm lấy nhau mà khóc. 10 người trên xe là con trai, con dâu, con rể của ông Lê Mẫn, người chú ruột mà gia đình ông Lê Nghiêm đã mất liên lạc hàng chục năm nay.
Tập kết rồi biệt tăm…
Giữa không khí đầy xúc động đó, có một cụ bà lặng lẽ đứng ra xa khóc nức nở. Đó là cụ bà Hà Thị Phiên (77 tuổi), người vợ mà ông Lê Mẫn để lại ở làng Thanh Danh, trước khi đi tập kết. Rồi sau đó, những câu chuyện về người đã khuất, người còn sống mà họ kể cho nhau nghe trong buổi nhận họ hàng khiến bao người chứng kiến phải rơi nước mắt.
Năm 1954, mới cưới vợ chưa đầy 1 năm thì ông Mẫn đi tập kết ra miền Bắc. Khi chồng xuống Quy Nhơn chờ ngày lên đường, bà Phiên đi theo ông Mẫn để tâm sự, động viên. “Hai vợ chồng nói với nhau bao chuyện ước hẹn về tương lai, về gia đình. Một hôm, ổng nói hết lương thực bảo tôi về nhà mang đồ xuống tiếp tế. Tôi về gói mấy cây bánh tét, bánh chưng mang xuống lại Quy Nhơn thì ông Mẫn đã lên tàu. Lúc đó tôi mới 17 tuổi, còn chồng cũng chỉ 19 tuổi”, bà Phiên nghẹn ngào kể lại.
Từ đó, gia đình mất liên lạc với ông Mẫn. Hơn 10 năm sau, có người từ miền Bắc về báo tin là ông Mẫn đã lập gia đình ngoài đó, đất nước lại đang thời chiến tranh chia cắt nên bà Phiên lấy chồng khác. Dù trông ngóng, mong chờ nhưng bà Phiên và họ hàng không nhận được bất kỳ thư từ hay tin tức gì của ông Mẫn. Hàng chục năm qua, bà Phiên vẫn mong một lần được nhìn thấy ông Mẫn về thăm quê.
Xúc động khi nhận lại những người anh em con của người chú, ông Lê Nghiêm kể: “Ông nội tôi có 3 người con trai, gồm cha tôi là Lê Bình, chú Lê Mẫn và chú Lê Minh. Chú Lê Minh mất sớm. Cha tôi cũng từng đi tập kết, hoạt động tại H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Khi còn sống, cha tôi cũng có nhắc đến chuyện chú Lê Mẫn đi tập kết ra miền Bắc rồi biệt tăm. Không ngờ, hôm nay các em con chú Lê Mẫn từ miền Bắc về nhận họ hàng. Gia đình chúng tôi rất vui mừng, là ruột thịt mà mấy chục năm nay bây giờ mới biết”.
Mòn mỏi nhớ cố hương
Ông Lê Tiếp (48 tuổi, ở xã Nguyên Xá, H.Đông Hưng, Thái Bình), con thứ 3 của cụ Lê Mẫn, kể: Tại miền Bắc, ông Mẫn bị thương vào cuối năm 1954 và được công nhận là thương binh 4/4. Sau đó, ông cưới người vợ thứ 2 là bà Phan Thị Tuyết rồi sinh sống ở xã Nguyên Xá (quê bà Tuyết) và lần lượt sinh 8 người con. Thời gian sau, vì kinh tế quá khó khăn, vợ chồng ông Mẫn đi kinh tế mới tại xã Mường Khương (H.Lục Yên, tỉnh Bắc Giang). Cuộc sống tại vùng kinh tế mới cũng rất khó khăn nên chuyện tìm về quê hương của ông Mẫn không thể thực hiện được. Mỗi lúc ốm đau, nhất là khi sắp mất, ông Mẫn nói với vợ con là phải tìm cho được họ hàng tại Bình Định. Ông Mẫn mất năm 1990, lời trăng trối cuối cùng với con cháu cũng là hai tiếng: “Bình Định”.
“Lúc còn sống, cha tôi lúc nào cũng mong ngóng về Bình Định nhưng chuyện đã có một đời vợ thì không kể với mẹ con chúng tôi. Hồi còn ở Thái Bình, cha tôi và chị cả là Lê Thị Bắc mang hành lý, cuốc bộ hoặc xin xe tải vào nam để tìm họ hàng. Tuy nhiên, khi đến Thanh Hóa thì hết tiền nên hai cha con đành quay trở lại”, ông Tiếp nói.
Theo lời chỉ dẫn của ông Mẫn lúc sắp mất, anh em ông Tiếp về Bình Định hai lần nhưng không tìm được họ hàng. Năm 2013, khi bà Tuyết sắp mất có nhờ một người láng giềng ngày trước ở Thái Bình là ông Nguyễn Trọng Sơn (hiện là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty du lịch tại Hà Nội) giúp con mình tìm họ hàng của chồng. Ông Sơn đã liên lạc, cung cấp thông tin với nhiều khách hàng, bạn bè trong ngành du lịch và đưa cả thông tin lên mạng xã hội về việc tìm họ hàng của ông Lê Mẫn. Một trong những bạn hàng của ông Sơn là ông Nguyễn Thế Vinh (giám đốc một công ty du lịch tại Bình Định) và một nhân viên dưới quyền là anh Nguyễn Văn Sỹ đã tìm ra họ hàng của ông Lê Mẫn.
Nhận được tin đã tìm ra họ hàng nhưng hơn 50 người là con, cháu ông Lê Mẫn sống ở Thái Bình và Bắc Giang cũng không dám tin là sự thật. Trong suốt hành trình 3 ngày về Bình Định, 10 người trong đoàn đều bồi hồi, nôn nao. Khi đến nhà ông Lê Nghiêm, dâng nén hương lên bàn thờ tổ tiên, nhận họ hàng, anh em, các con của ông Mẫn xin gọi bà Phiên bằng mẹ. Nhận lời, mấy lần lấy khăn lau mặt nhưng nước mắt bà Phiên vẫn chảy dài.
“Tìm được họ hàng, không chỉ là theo tâm nguyện cả đời của cha tôi mà cho con cháu về sau biết gốc tích của mình. Chúng tôi rất vui. Dù cách xa nhau hàng ngàn cây số nhưng chúng tôi sẽ dạy con cháu mình biết hướng về cội nguồn tổ tiên”, ông Lê Tiếp nói.
Hoàng Trọng
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 5: Cuộc chia ly trong những cuộc chia ly
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 6: Em không sợ chia ly là vĩnh biệt
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 4: Dòng sông lịch sử
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 3: Gặp người còn sống cuối cùng của phái đoàn tham dự hội nghị Genève
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 2: Lịch sử thế giới đứng lại 2 giờ 45 phút
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 1: Trung Quốc ngỏ lời 'đi đêm' với Pháp
Bình luận