Tấp nập chờ đón lễ đăng quang của Giáo hoàng

19/03/2013 12:46 GMT+7

(TNO) Các lãnh đạo thế giới đã tấp nập đến Rome vào hôm nay, 19.3, để tham dự lễ đăng quang của Giáo hoàng Francis , dự kiến bắt đầu lúc 9 giờ 30 (15 giờ 30, giờ Việt Nam) tại Quảng trường Thánh Peter, nơi vị giáo hoàng người châu Mỹ Latinh đầu tiên sẽ tiếp nhận các biểu tượng chính thức của sứ vụ Thánh Peter.

>> Giáo hoàng của người nghèo
>> Năm điều cần biết về Giáo hoàng Francis
>> Giáo hoàng Francis - Tấm gương khiêm nhường
>> Đã bầu được tân giáo hoàng
>> Vatican tiết lộ công thức tạo khói báo hiệu tân giáo hoàng

Hàng trăm ngàn người dự kiến sẽ tham dự Thánh lễ khai mạc triều đại mới của giáo hoàng với nhiều nghi thức và hình ảnh ngoạn mục, khởi đầu bằng một chuyến diễu hành quanh quảng trường nổi tiếng ở Vatican.

Sau khi được bầu làm giáo hoàng vào tuần trước, cựu Tổng giám mục Buenos Aires, Hồng y Jorge Mario Bergoglio đã lập tức chinh phục được nhiều tín hữu ở Rome và trên thế giới với phong cách giản dị và không kiểu cách.

Lễ đăng quang của Giáo hoàng Francis
 Giáo hoàng Francis - Ảnh: AFP

Hồng y Bergoglio là lựa chọn bất ngờ tại Mật nghị Hồng y nhằm bầu ra người kế vị của Giáo hoàng Benedict XVI, người thoái vị vào tháng trước với lý do không đủ sức khỏe để lãnh đạo Giáo hội.

Giáo hoàng thổ lộ ông chọn tông hiệu Francis nhằm vinh danh vị thánh Francis thành Assisi và mời gọi xây dựng một “Giáo hội nghèo khó vì người nghèo khó”, cảnh báo các hồng y không nên theo đuổi những vinh quang trần tục.

Theo AFP, thách thức ngoại giao đầu tiên cho vị Giáo hoàng 76 tuổi đã nảy sinh dưới hình thức một yêu cầu từ Tổng thống đồng hương Argentina Cristina Kirchner đề nghị ông làm trung gian trong vụ tranh chấp quần đảo Falklands/Malvinas với Vương quốc Anh.

Chính phủ Trung Quốc cũng nói họ sẽ không cử đại diện tham dự lễ đăng quang sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cho hay ông sẽ tham dự.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe cũng bay đến Vatican, phớt lờ lệnh cấm đi lại của Liên minh châu Âu vì các vụ vi phạm nhân quyền bởi lệnh cấm không áp dụng với Vatican.

Châu Mỹ Latinh là khu vực có nhiều nguyên thủ tham dự lễ đăng quang của vị giáo hoàng ngoài châu Âu đầu tiên trong gần 1.300 năm với sự hiện diện dự kiến của các tổng thống Argentina, Brazil, Chile, Costa Rica, Mexico và Paraguay.

Lễ đăng quang của Giáo hoàng Francis
 Giáo hoàng Francis tiếp Tổng thống Argentina Cristina Kirchner - Ảnh: AFP

An ninh tại Vatican sẽ được thắt chặt trong sự kiện này, với 3.000 cảnh sát được triển khai, bao gồm các tay súng bắn tỉa và chuyên gia gỡ bom.

Lễ đăng quang sẽ bắt đầu bằng một chuyến diễu hành quanh Quảng trường Thánh Peter trước 9 giờ, giờ địa phương (15 giờ, giờ Việt Nam). Sau đó, Giáo hoàng Francis sẽ cầu nguyện tại lăng mộ Thánh Peter, người được xem là vị giáo hoàng đầu tiên của người Công giáo.

Giáo hoàng Francis sau đó sẽ nhận áo choàng - một chiếc áo len cừu biểu tượng cho vai trò của một vị chủ chăn - và nhẫn ngư phủ, chiếc nhẫn biểu trưng cho uy quyền của giáo hoàng. Chiếc nhẫn được gọi là nhẫn ngư phủ nhằm vinh danh Thánh Peter, người xuất thân là một ngư dân.

Thánh lễ khai mạc sứ vụ Thánh Peter dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng 9 giờ 30 (15 giờ 30, giờ Việt Nam) và bao gồm một bài giảng của Giáo hoàng Francis, người thường bỏ qua các câu chữ chuẩn bị sẵn để thay bằng các lời nói tếu táo, các giai thoại và những lời kêu gọi đầy nhiệt huyết về việc làm mới lại Giáo hội.

* Danh sách lãnh đạo thế giới dự kiến tham dự lễ đăng quang của Giáo hoàng

Nam Mỹ và Trung Mỹ:

Tổng thống Argentina Cristina Kirchner

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff

Tổng thống Chile Sebastian Pinera

Ngoại trưởng Colombia Maria Angela Holguin

Tổng thống Costa Rica Laura Chinchilla

Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto

Tổng thống Paraguay Federico Franco

Ngoại trưởng Peru Rafael Roncagliolo

Châu Âu:

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Hermann van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso

Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, Ngoại trưởng Laurent Fabius

Thủ tướng Đức Angela Merkel

Tổng thống Ireland Michael D. Higgins

Tổng thống Ý Giorgio Napolitano, Thủ tướng Mario Monti

Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski

Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva

Tổng thống Romania Trajan Basescu

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, Thái tử Felipe

Bắc Mỹ:

Toàn quyền Canada David Johnston

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden

Trung Đông:

Bộ trưởng Văn hóa Ai Cập Mohamed Saber Arab

Thủ tướng Li Băng Nagib Miqati

Châu Á - Thái Bình Dương:

Phó chủ tịch Thượng viện Ấn Độ P.J. Kurien

Cựu thủ tướng Nhật Yoshiro Mori

Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Yoo Jin-Ryong

Thứ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Neomal Perera

Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu

Châu Phi:

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe

Chức sắc tôn giáo:

Anh giáo: Tổng giám mục xứ York John Sentamu

Do Thái giáo: Đại giáo sĩ ở Rome Riccardo di Segni, Chủ tịch Cộng đồng Do Thái ở Rome Riccardo Pacifici.

Chính thống giáo: Thượng phụ thành Constantinople Bartholomew I, Tổng giám mục Hilarion ở Nga.

Hồi giáo: Tổng thư ký Tổ chức Hồi giáo châu Mỹ Latin Mohamed Youssef Hajar.

Hoàng gia:

Vua Bỉ Albert II và Hoàng hậu Paola

Đại công tước Luxembourg Henri và nữ đại công tước Maria Teresa

Hoàng tử Monaco Albert II

Sơn Duân

>> Áo thi đấu có hình giáo hoàng
>> Mật nghị chọn giáo hoàng bắt đầu
>> Những ứng viên sáng giá cho vị trí giáo hoàng
>> Thách thức cho tân giáo hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.