Tấp nập xuất hàng đầu năm

30/01/2023 09:41 GMT+7

Năm 2023 được dự báo sẽ đầy thách thức nhưng một số lĩnh vực ngành nghề lại có khởi đầu lạc quan, khí thế.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nông lâm thủy sản đã phải rút ngắn kỳ nghỉ tết, trở lại làm việc sớm để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.

Gạo, trái cây ra quân sớm

Từ cuối năm 2022, xuất khẩu gạo của VN đã gặp nhiều thuận lợi về giá cả và thị trường. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của VN luôn duy trì mức cao nhất thế giới, nhiều thời điểm vượt mặt "ông lớn" Thái Lan. Bước sang năm 2023, nông sản chủ lực của VN vẫn tiếp tục có những thông tin tốt lành.

Giá gạo tăng mạnh sau kỳ nghỉ tết

Sau kỳ nghỉ tết, giá gạo xuất khẩu tăng khoảng 10 USD/tấn, cụ thể gạo 5% tấm đang ở mức khoảng 470 USD/tấn, so với mức 458 - 460 USD/tấn trước đó. Nhờ thế, thị trường lúa gạo nội địa và xuất khẩu sôi động trở lại ngay sau kỳ nghỉ tết. Giá lúa nguyên liệu nội địa tăng bình quân từ 150 - 200 đồng/kg; như lúa OM đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.800 - 7.000 đồng/kg; Đài thơm từ 7.000 - 7.300 đồng/kg; nàng hoa 6.900 - 7.200 đồng/kg, lúa Nhật 7.800 - 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 - 6.300 đồng/kg…


Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), phấn khởi thông báo doanh nghiệp (DN) của ông luôn trong tình trạng kín đơn hàng từ cuối năm 2022 kéo dài đến giữa tháng 4.2023. Lịch khai trương chính thức của công ty hằng năm luôn là mùng 6 tết, tuy nhiên năm nay từ mùng 4 đã mở cửa hoạt động trở lại nhằm kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.

"Chúng tôi giao hàng cho các đối tác từ Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Úc, khu vực Trung Đông và đặc biệt là EU với tổng sản lượng trên 30.000 tấn. Tính trung bình, tối thiểu một ngày phải “trả đơn” cho khách 15 container gạo các loại với giá thấp nhất cũng đạt mức 468 USD/tấn, trung bình là 505 USD/tấn, còn gạo thơm cao cấp đến 917 USD/tấn. Đây là mức giá đảm bảo cho người nông dân và DN có lãi. Năm nay, ngành lúa gạo VN được thuận lợi ngay từ đầu năm là một tín hiệu đáng mừng, động lực để bà con nông dân yên tâm sản xuất", ông Bình hồ hởi nói.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cũng cho biết: Chuyến hàng đầu tiên trong năm của Lộc Trời là qua EU và Trung Quốc với sản lượng 5.000 tấn trong kế hoạch xuất khẩu nửa triệu tấn gạo vào hai thị trường này trong năm 2023 của công ty. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Lộc Trời đã hợp tác với chính quyền địa phương, các hợp tác xã và bà con nông dân xây dựng các vùng trồng theo chất lượng của từng thị trường. Từng bước hoàn thiện mô hình canh tác cánh đồng lớn, cơ giới hóa đồng bộ, hướng đến bảo vệ môi trường và giảm giá thành sản xuất để sản phẩm ngày càng cạnh tranh hơn.

Không chỉ lúa gạo, năm 2023 được dự báo cũng là năm thuận lợi với mặt hàng rau quả đặc biệt là trái cây khi có nhiều mặt hàng được cấp “visa” vào nhiều thị trường lớn. Bà Ngô Tường Vy, CEO Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, cho biết công ty đã trở lại hoạt động vào mùng 6 và tiếp tục xuất khẩu những lô hàng sầu riêng đầu tiên vào thị trường Trung Quốc cùng với bưởi và một số loại khác vào thị trường Mỹ.

Cùng tâm trạng phấn khởi, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho hay khách hàng của công ty không nghỉ tết nên công ty chỉ nghỉ mùng 1. Từ 28 tháng chạp, đơn vị đã chuẩn bị hàng để xuất khẩu. "Đầu năm nay, chúng tôi thực hiện các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc; bưởi vào Mỹ, Singapore, New Zealand, Úc; nhãn vào Nhật Bản… Đây đều là những mặt hàng chiến lược mới, xuất khẩu rất tốt trong năm 2023. Nếu duy trì được tốc độ như hiện nay thì xuất khẩu của ngành rau quả sẽ tăng trưởng đến 30%", ông Tùng nói.

Tấp nập xuất hàng đầu năm - Ảnh 1.

Công ty gạo Trung An trở lại làm việc từ mùng 4 tết để kịp tiến độ đóng hàng xuất khẩu Đào Ngọc Thạch

Tôm, cua, cà phê lạc quan

Việc thị trường Trung Quốc nới lỏng các quy định phòng chống dịch Covid-19 cũng mở ra nhiều cơ hội cho rất nhiều DN. Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), hồ hởi: “Tết năm nay công nhân của chúng tôi chỉ nghỉ mùng 1, bởi từ cuối năm 2022 sau khi nhận lô hàng mẫu, khách hàng đã rất ưng ý và ký ngay hợp đồng mua 100 tấn cua Cà Mau. Ngoài ra, khách hàng còn ký thêm hợp đồng 3.000 tấn tôm hùm xuất khẩu chính ngạch đi Hồng Kông (Trung Quốc). Vì vậy gần như công ty vẫn làm xuyên tết. Tuy nhiên, do lịch nghỉ tết của nhiều cơ quan chức năng VN nên hàng được xuất đi qua đường bộ”.

Cùng trong niềm vui có đơn hàng đều đặn, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, kể: “Đúng ra chúng tôi đã có đơn hàng đi Mỹ vào cuối năm 2022, tuy nhiên, tết âm lịch đến nhanh quá, hàng hóa chuẩn bị không kịp nên phải dời sang sau Tết Nguyên đán. Mùng 10 chúng tôi sẽ xuất 1 container hàng hóa gồm 23 tấn các loại sản phẩm cà phê pha trộn nông sản đặc thù của VN như cà phê nhàu, cà phê khoai môn, cà phê bạc hà, cà phê dừa... đi Mỹ. Hiện nay thị trường này đã bắt đầu quen dần với sản phẩm của công ty nên lượng hàng xuất khẩu đều đặn hơn. Đến ngày 20 tháng giêng tiếp tục có lô hàng xuất khẩu đi Cộng hòa Czech. Từ cuối năm 2022, chúng tôi đã điều chỉnh chiến lược xuất khẩu, trong đó đưa ra giải pháp nhanh chóng tìm kiếm thêm các thị trường mới như Na Uy, Phần Lan, Pháp... Từ năm 2023, chúng tôi sẽ xuất khẩu cho các thị trường này. Mặc dù năm 2023 dự kiến sẽ có nhiều khó khăn nhưng với đà xuất khẩu thuận lợi từ đầu năm, hy vọng tình hình kinh doanh của các DN sẽ có chuyển biến tốt đẹp”.

Tấp nập xuất hàng đầu năm - Ảnh 2.

Trái cây VN tấp nập đơn hàng trong những ngày đầu năm

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), chia sẻ về chiến lược “đi ngược chiều gió”: “Người ta thường mở rộng và phát triển trong lúc thuận lợi. Tôi muốn phát triển theo hướng từ thấp đến cao. Thấp ở đây là giai đoạn thị trường đầu ra còn khó khăn, nguyên liệu cũng khan hiếm; coi như một bước tập dợt và chuẩn bị. Còn cao là lúc thị trường khởi sắc thì mình có thể bắt nhịp để bay cao”. Với quan điểm như vậy, Sao Ta vừa khánh thành và đưa vào vận hành nhà máy chế biến sâu để sản xuất các sản phẩm tôm chất lượng cao, phục vụ thị trường cao cấp với tổng vốn đầu tư 400 tỉ đồng, công suất 15.000 tấn/năm. "Cuối năm các nhà nhập khẩu thường tăng cường nhập hàng và dự trữ để phục vụ khách hàng. Trong quý 1 năm tiếp theo, các nhà nhập khẩu sẽ đánh giá thị trường và lên đơn cho năm mới. Chính vì vậy, nhiều khả năng từ sau tháng 3 thị trường xuất khẩu thủy sản sẽ khởi sắc trở lại", vị này dự báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.