Tập trung đầu tư các dự án trọng điểm để đảm bảo nguồn điện ổn định cung cấp cho khách hàng, khắc phục tình trạng quá tải, hạn chế xảy ra sự cố... là mục tiêu Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020.
Đảm bảo nguồn điện phục vụ khách hàng
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng giám đốc EVN SPC, giai đoạn 2016 - 2020, tổng công ty sẽ tập trung đầu tư các công trình lưới điện phù hợp với quy hoạch, khắc phục tình trạng quá tải, không để xảy ra tình trạng non tải, cải thiện chất lượng điện áp phục vụ tốt nhu cầu khách hàng và đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, hệ thống lưới điện 110 kV đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1. Đối với điện 220 kV, trong giai đoạn này dự kiến hoàn thành 8 công trình, với tổng dung lượng trạm biến áp là 1.500 MVA và tổng chiều dài đường dây 147 km. Riêng lưới điện 110 kV sẽ hoàn thành đưa vào vận hành 464 công trình, với tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 17.060 MVA và 5.330 km đường dây. “Nhu cầu đầu tư cung cấp điện trong giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn khá lớn, dự kiến trên 70.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư ngày càng gặp nhiều khó khăn nên sau khi xem xét khả năng tài chính, Tập đoàn Điện lực VN đã phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư cho EVN SPC 49.697 tỉ đồng”, ông Hợp cho biết.
Mục tiêu trong năm 2017, EVN SPC phấn đấu đưa vào vận hành 604 công trình/dự án lưới điện, với tổng giá trị 8.116 tỉ đồng; trong đó bao gồm 3 công trình lưới điện 220 kV, 136 công trình lưới điện 110 kV, 465 công trình lưới điện phân phối. Đặc biệt, phấn đấu hoàn tất đóng điện đưa vào vận hành 3 trạm 220 kV: Cần Đước, Long Xuyên 2 và Sa Đéc theo đúng tiến độ đề ra; chuẩn bị mọi điều kiện để khởi công dự án đường dây 110/220 kV mạch 2 cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc vào cuối năm 2017.
|
|
Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, EVN SPC sẽ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, giao kế hoạch sớm cho các đơn vị phụ trách dự án, công trình điện; chủ động rà soát quy hoạch phát triển điện lực để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, giải pháp để đầu tư bổ sung các dự án điện cấp bách, đáp ứng nhu cầu điện mới của các nhà đầu tư.
Một khâu cần đặc biệt quan tâm là đảm bảo tiến độ thực hiện đầu tư, lập tiến độ chi tiết, cụ thể đối với từng hạng mục của dự án, rà soát để sớm phát hiện những bất cập; từ đó đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời, tăng cường năng lực quản lý dự án, quản lý hợp đồng; giao ban điều hành tạo mối liên hệ thường xuyên giữa chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại hiện trường.
Bên cạnh đó, tổng công ty sẽ tập trung đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao như: chống quá tải lưới điện, đặc biệt là lưới điện 110 kV, cấp điện cho khách hàng công nghiệp, cải tạo tối thiểu lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện; đồng thời đảm bảo mục tiêu chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế.
“Chúng tôi sẽ cân đối sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả. Trong kế hoạch hằng năm xác định thứ tự ưu tiên để cân đối, bố trí vốn cho các dự án đảm bảo mục tiêu đầu tư. Đặc biệt chú trọng sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài, giải ngân nhanh các nguồn vốn vay ODA đã có hiệu lực để có cơ sở thuyết phục, vận động các khoản vay ODA mới“, ông Hợp cho biết thêm.
tin liên quan
Kéo giảm tỷ lệ tổn thất điện năngNguyên nhân gây tổn thất điện năng và giải pháp khắc phục là nội dung chính được đặt ra tại hội thảo chuyên đề Tổn thất điện năng và nhà máy nhiệt điện than, do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) phối hợp Hội Điện lực miền Nam tổ chức tại H.Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Bình luận (0)