Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH tổ chức chiều 27.4.
Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với những vấn đề mà công nhân phải đối mặt
Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; ngày Quốc tế Lao động 1.5, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới công nhân, viên chức, người lao động cả nước lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.
Theo Thủ tướng, hiện cả nước có trên 52 triệu người lao động với nhiều chuyên gia, người lao động có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. Lao động Việt Nam từng bước đảm nhiệm được những công việc phức tạp mà trước đây phải cần tới chuyên gia nước ngoài. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về lao động tiếp tục được hoàn thiện. Các tiêu chuẩn về lao động cơ bản được bảo đảm, nhất là về vệ sinh, an toàn. Tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt.
Thủ tướng khẳng định: "Lao động là vinh quang, là quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc cho mọi người và cho cả thế hệ mai sau. Công nhân, người lao động là những người trực tiếp làm ra của cải vật chất và giá trị tinh thần, làm giàu cho xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo... đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến người lao động".
Đáng lưu ý, theo Thủ tướng, điều kiện làm việc ở nhiều cơ sở còn hạn chế, tình trạng nhà xưởng chật hẹp, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, dễ xảy ra tai nạn lao động; môi trường làm việc độc hại, nhất là đối với phụ nữ như nóng, bụi, yếm khí … vượt tiêu chuẩn cho phép. Việc tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nhiều cơ sở chưa nghiêm; bệnh nghề nghiệp còn diễn biến phức tạp; tình hình tai nạn lao động chưa được cải thiện, vẫn có những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: "Đảng, Nhà nước thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ với những vấn đề mà công nhân, người lao động phải đối mặt; đồng thời luôn quan tâm, ban hành những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động".
Phải sống cuộc sống của người lao động, nói tiếng nói của người lao động
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, đến nay cả nước đã hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 7,3 triệu m2 sàn. Trong đó, riêng đối với nhà ở công nhân đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với quy mô khoảng 2,7 triệu m2 sàn. Nhu cầu về nhà ở và các thiết chế cơ bản của công nhân, người lao động còn rất lớn nhưng mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của công nhân.
Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng nhấn mạnh, giai cấp công nhân là một lực lượng xã hội to lớn với vai trò rất quan trọng. Để đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ ngành liên quan tập trung triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 của Chính phủ. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển các công trình phúc lợi, siêu thị, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục phục vụ người lao động và gia đình, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân để "an cư lạc nghiệp".
Bên cạnh đó, sớm có giải pháp nâng cao năng suất lao động quốc gia; đẩy mạnh phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững...
Đối với tổ chức công đoàn, Thủ tướng đề nghị, công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh... như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Ngoài ra, công đoàn cần tập trung chăm lo, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; góp phần tích cực bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động. Thường xuyên quan tâm, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; phải sống cuộc sống của người lao động, nói tiếng nói của người lao động để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người lao động.
Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, qua 4 năm phối hợp triển khai phát động giữa Bộ LĐ-TB-XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tháng Công nhân - Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động đã thực sự trở thành ngày hội của công nhân lao động cả nước với nhiều hoạt động cụ thể hướng về người lao động.
Năm 2023, với chủ đề "Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức", Tháng Công nhân được các đơn vị đã tổ chức với những nội dung thiết thực, tập trung vào hoạt động như: Ngày hội công nhân, Tuần lễ văn hóa - thể thao; biểu dương cán bộ công đoàn, đoàn viên tiêu biểu; tặng quà, động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; trao Mái ấm công đoàn…
Tại lễ phát động, 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động" được tặng Cờ thi đua của Tổng LĐLĐ Việt Nam; 5 tập thể dẫn đầu trong phong trào thi đua về An toàn vệ sinh lao động trong năm 2022 được tặng Cờ thi đua của Bộ LĐ-TB-XH.
Bình luận (0)