Xuân Vinh - Thu Vinh và nỗi buồn đọng lại
8 năm trước, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lần đầu tiên mang sắc vàng Olympic về cho thể thao Việt Nam với kỷ lục nội dung 10 m súng ngắn hơi nam tại Thế vận hội Rio 2016.
8 năm sau, Trịnh Thu Vinh đến với Olympic và cũng rất xuất sắc khi 2 lần vào đến chung kết.
Sau trận chung kết nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ gây tiếc nuối khi cán đích ở vị trí thứ tư, Trịnh Thu Vinh bước vào chung kết 25 m súng ngắn thể thao nữ với nhiều hơn cả kỳ vọng lẫn áp lực; đặc biệt trong bối cảnh đoàn thể thao Việt Nam chưa có thành tích gì ở kỳ Olympic trên đất Pháp. Thật tiếc khi cô chưa thể chạm tay vào vinh quang! Với hạng bảy, Thu Vinh đã rời cuộc chơi ở lượt bắn thứ năm. Xạ thủ người Việt Nam đứng hạng bảy ở chung kết, không tiếp tục phần bắn tranh huy chương.
Xạ thủ Thu Vinh xếp thứ 7, tiếc nuối chia tay Olympic Paris 2024
Từ vùng núi cao Thanh Hóa đến Olympic Paris
Trịnh Thu Vinh sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đều làm nông ở vùng núi phía tây bắc H.Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa). Cha mẹ Thu Vinh có 3 cô con gái, Thu Vinh (sinh năm 2000) là con thứ. Trước cô có 1 chị gái khuyết tật (sinh năm 1997) và sau cô là một em gái (sinh năm 2008). Khi Thu Vinh còn nhỏ, cha mẹ cô mưu sinh bằng nghề trồng mía thuê.
Vì kinh tế gia đình khó khăn, từ nhỏ Thu Vinh đã vừa đi học vừa phụ giúp cha mẹ làm việc đồng áng và chăn trâu.
Dần dần, khi cuộc sống bớt khó khăn, gia đình Thu Vinh mới cất được một căn nhà tương đối kiên cố và có vườn cây ăn quả cho thu nhập tương đối ổn định. Trong căn nhà ấy, những tấm bằng khen và bộ sưu tập huy chương của cô con gái thứ Thu Vinh được đặt ở những nơi trang trọng nhất, dễ thấy nhất; là "tài sản" đáng tự hào nhất mà cha mẹ Thu Vinh thường mang ra khoe với bà con lối xóm.
Những ngày Thu Vinh tranh tài ở Thế vận hội Paris cũng là thời điểm na vào mùa thu hoạch. Tranh thủ những lúc nghỉ tay, cha mẹ Thu Vinh liên tục mở các trang báo để nghe ngóng thông tin về kết quả thi đấu của con gái. Những ngày này, bà con và xóm làng thường xuyên lui tới nhà để hỏi han và chúc mừng gia đình có cô con gái giỏi giang.
Vùng quê nghèo ngóng đợi xạ thủ Trịnh Thu Vinh mang huy chương Olympic trở về
Bén duyên muộn với bắn súng
Ông Trịnh Văn Ba - cha của Thu Vinh, kể lại rằng hồi bé Thu Vinh là cô bé nhỏ con. Vì vậy mà gia đình cũng không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày cô con gái gầy guộc này sẽ trở thành tuyển thủ quốc gia và càng không mơ một ngày nào đó con mình sẽ có cơ hội tranh tài ở đấu trường danh giá nhất thế giới.
Cô bé Thu Vinh bén duyên với thể thao rất tự nhiên. Như mọi đứa trẻ nông thôn khác khi đó, Thu Vinh thích chạy nhảy cùng bạn bè. Thầy giáo thể dục thấy không có bạn bè đồng trang lứa nào đuổi kịp Thu Vinh trên sân trường nên đã động viên cô tham gia các giải điền kinh địa phương.
Bà Lê Thị Cường, mẹ của Thu Vinh, kể lại rằng năm học lớp 8, cô giấu cha mẹ đi thi chạy điền kinh, đến lúc được đại diện cho huyện đi thi cấp tỉnh mới nói cho cha mẹ biết. Rồi từ đó, cô gia nhập đội điền kinh Công an Nhân dân và bắt đầu con đường thể thao chuyên nghiệp. Thế nhưng, cái duyên của Thu Vinh với điền kinh cũng không kéo dài lâu. Sau vài ba năm tập luyện và thi đấu không có nhiều thành tích đáng kể, Thu Vinh chuyển qua bộ môn bắn súng. Ngay lập tức, cô thể hiện tài năng vượt trội ở bộ môn yêu cầu độ tập trung và chính xác cao này với 2 HCV cá nhân và đồng đội; đồng thời lập kỷ lục trẻ quốc gia ở giải súng hơi thanh thiếu niên quốc gia 2018.
4 năm sau, Thu Vinh tiếp tục hái thêm vàng ở Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9. Cũng trong năm 2022, tại SEA Games 31 ở thủ đô Hà Nội, cô xuất sắc giành 1 HCB, 1 HCĐ ở tuổi 22.
Đến tháng 8.2023, cái tên Thu Vinh mới thực sự bật lên khi cô giành vé dự Olympic Paris 2024 bằng vị trí thứ 5 tại vòng loại nội dung 10 m súng hơi nữ giải vô địch bắn súng thế giới. Đây cũng là tấm vé thứ hai của đoàn thể thao Việt Nam, sau cua-rơ Nguyễn Thị Thật ở môn xe đạp.
Đã 8 năm kể từ tấm huy chương vàng Olympic Rio của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người hâm mộ thể thao nước nhà mới lại tràn đầy hy vọng vào một tấm huy chương thế vận hội đến thế và gần như tất cả kỳ vọng đều đặt lên vai cô gái trẻ Trịnh Thu Vinh. Chỉ trong vòng 5 ngày, cô liên tiếp lọt vào chung kết 2 nội dung là 10 m súng ngắn hơi nữ và 25 m súng ngắn thể thao. Ở nội dung được coi là sở trường hơn, Thu Vinh ngậm ngùi về thứ 4 dù thành tích tương đối tốt. Chiều 3.8, ở nội dung 25 m súng ngắn thể thao nữ, cô đã rất cố gắng. Nhưng vận may chưa mỉm cười.
Thua keo này, bày keo khác!
Nếu Thu Vinh là cái tên hot nhất của thể thao Việt Nam thì bắn súng cũng là môn thể thao được chú ý nhất nhì đối với các khán giả theo dõi kỳ Olympic này. Hàng loạt những cái tên như Kim Ye-ji và Choe Dae-han của Hàn Quốc hay “ông chú” Thổ Nhĩ Kỳ Yusuf Dikec liên tục khiến dân mạng “phát sốt” bởi thần thái cực kỳ ngầu khi thi đấu. Những ví dụ này là để cho thấy bắn súng là môn thể thao yêu cầu tập trung cao đến mức nào.
Người ta từng tiếc nuối nhiều cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - người đầu tiên mang về HCV Olympic cho thể thao Việt Nam khi sau thế vận hội năm đó ở Brazil, thành tích của anh ở các đấu trường khu vực không thực sự tốt và sau đó lùi về làm công tác huấn luyện, đào tạo trẻ. Và cũng cần nhắc lại, khi giành HCV Olympic, Hoàng Xuân Vinh đã ở độ tuổi trên 40.
Còn với Thu Vinh, cô đang rất trẻ, chưa phải là độ tuổi chín muồi với 1 VĐV bắn súng. Bản lĩnh mà cô đã chứng minh ở kỳ Olympic này cho người hâm mộ thể thao nước nhà hy vọng rằng, tương lai của cô với bắn súng sẽ còn rực rỡ hơn nữa.
Tiếc nuối cho Thu Vinh, chúng ta chờ cô ở tương lai!
Bình luận (0)