Đại diện chính phủ Anh và Pháp ngày 5.9 bắt đầu cuộc đàm phán ở London với mục tiêu đạt được thỏa thuận ngăn chặn đụng độ tiếp tục bùng nổ trên eo biển Manche giữa ngư dân hai nước. Tờ The Guardian dẫn lời phát ngôn viên James Slack của Thủ tướng Anh Theresa May bày tỏ hy vọng sẽ đạt được giải pháp có lợi cho đôi bên. Tuy nhiên, ngay trước thềm hội đàm, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stéphane Travert tuyên bố hải quân nước này sẵn sàng hành động nếu tình hình không được cải thiện.
Cuộc đàm phán được tiến hành sau khi khoảng 36 tàu đánh cá Pháp đối đầu 5 tàu cá Anh vào đêm 27.8 ở khu vực vịnh Baie de Seine, cách bờ biển Normandy của Pháp hơn 22 km. Đoạn phim quay tại hiện trường cho thấy tàu Anh có kích thước lớn hơn nhưng bị áp đảo về số lượng. Các tàu Pháp chia nhau bao vây và không ngần ngại húc vào tàu đối phương. Reuters dẫn lời các ngư dân Anh cáo buộc người trên tàu cá Pháp ném đá, bom khói và “đủ loại vật thể có thể gây sát thương”. Tuy nhiên, một quan chức Normandy nói với BBC rằng cả hai phe đều “ném đủ mọi thứ vào nhau, tình hình rất căng thẳng”. Sau đó, ngư dân Anh phải điều khiển tàu rút lui.
tin liên quan
Tranh sò điệp, ngư dân Anh, Pháp 'hải chiến'Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove lên tiếng bênh vực ngư dân nước này và tuyên bố: “Người Pháp có trách nhiệm đảm bảo cho những ai có quyền hợp pháp đánh bắt tại khu vực có thể tiếp tục làm việc mà không bị can thiệp”. Theo tờ The Telegraph, ngành đánh bắt sò điệp của Anh mang lại lợi nhuận khoảng 120 triệu bảng mỗi năm. Bộ trưởng Travert của Pháp thì cảnh báo: “Chúng ta không thể để mọi chuyện cứ thế tiếp diễn, không thể để xảy ra những vụ đụng độ như thế. Vùng biển này lâu nay gần như không có luật pháp. Hải quân Pháp sẵn sàng vào cuộc nếu đụng độ tiếp tục nổ ra, cũng như sẽ tiến hành các cuộc tuần tra”.
Cách đây 5 năm, sau một loạt vụ va chạm tương tự, hai bên đã đạt được thỏa thuận quy định các đội tàu cá lớn của Anh không khai thác sò điệp tại Baie de Seine trong giai đoạn ngư dân Pháp bị cấm. Tuy nhiên, thỏa thuận không nói rõ thế nào là tàu lớn nên ngư dân Anh vẫn luôn tìm cách lách quy định. Giới quan sát lo ngại nếu không sớm tìm ra giải pháp thì căng thẳng sẽ còn dâng cao sau khi Anh hoàn tất tiến trình rút khỏi EU và tàu cá nước này mất nhiều quyền ưu đãi khi hoạt động trong khu vực.
Bình luận (0)