Theo ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án (Tổng thầu EPC - Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) từ hôm nay 28.9, nhà thầu đã bắt đầu cho chạy thử nội bộ cho đầu máy tuyến đường sắt trên cao, đoạn từ depot đến ga La Khê và chính thức chạy thử từ ngày 1.10.
Theo ông Đường Hồng, việc chạy thử nội bộ trong ngày hôm nay sẽ được tiến hành với tốc độ chậm và tăng dần từ 5 - 10, 30 km/h để giúp nhà thầu kiểm tra thiết bị, hệ thống kết cấu. Sau vài ngày chạy thử nội bộ, ngày 1.10 đầu máy sẽ được chạy thử từ ga La Khê đến ga Cát Linh.
Tuy nhiên, việc chạy thử này mới chỉ để kiểm tra đầu máy, căn chỉnh hệ thống đường ray, hệ thống tuyến, kiểm tra ghi, kiểm tra mối nối và hệ thống công trình mà chưa liên quan tới thiết bị.
|
Theo kế hoạch, phải tới 1.4.2018, dự án mới có thể vận hành thử toàn tuyến một cách toàn diện, vì hiện nay mới lắp đặt được 40% thiết bị. Tuy nhiên, việc vận hành thử toàn diện chỉ có thể thực hiện khi nguồn vốn 250 triệu USD được khơi thông và nhà thầu hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng chậm tiến độ, đại diện nhà thầu Trung Quốc đưa ra 3 lý do: nguyên nhân đầu tiên được nhận định là do Hà Nội chậm bàn giao tiến độ, khiến dự án khởi công từ tháng 10.2011, nhưng phải sang năm 2014 dự án mới có đủ mặt bằng để thi công và đã hoàn tất 70% phần xây lắp hoàn thành trong 2 năm 2015 - 2016.
Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến việc chậm tiến độ là do một số quy định, chính sách cơ chế liên quan giữa Việt Nam và Trung Quốc khác nhau, khác về quan niệm thiết kế, khác về quy trình phê duyệt các bước, bản vẽ thiết kế, cũng có sự khác biệt; chế độ phương pháp quản lý giữa hai nước khác nhau. Lý do quan trọng nhất là tắc vốn.
Việc giải ngân 250,62 triệu USD bổ sung tiếp tục bị chậm trễ, đẩy dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào cảnh thi công cầm chừng, vỡ kế hoạch chạy thử vào tháng 10 tới đây.
Trao đổi tại họp báo Bộ GTVT chiều nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự kiến chạy thử vào tháng 10.2017 đã vỡ kế hoạch. Bộ GTVT sẽ rà soát lại và báo cáo chính thức với Chính phủ. Theo ông Đông, vướng mắc khiến Cát Linh - Hà Đông chậm trễ do chưa giải ngân được 250 triệu USD vốn vay bổ sung. “Đáng lẽ tháng 12.2016 phải giải ngân cho phần thiết bị, nhưng đến tháng 5.2017 mới ký hợp đồng vay vốn bổ sung và đến nay vẫn chưa giải ngân được do chờ hướng dẫn của Bộ Tư pháp và vướng mắc về luật thay đổi từ năm 2015”, ông Đông nói.
Bình luận (0)