Nửa năm qua, ông Ngô Văn Phương (64 tuổi, thôn Vân Hội, xã Phong Vân, H.Ba Vì, Hà Nội) sống trong lo sợ trong chính ngôi nhà của mình. Nguyên nhân do những vết nứt ở nền sân và trong nhà xuất hiện ngày càng dài và rộng hơn.
Những vết nứt xé toạc ngôi nhà của ông Ngô Văn Phương
KHẮC HIẾU
"Gặp hôm mưa lớn là không dám ở trong nhà. Báo cáo mãi với chính quyền địa phương nhưng không thấy có biện pháp hiệu quả, chỉ thấy các vết nứt trong nhà, ngoài sân mỗi ngày một lớn hơn. Cứ thế này thì mất nhà đến nơi, xót xa lắm. Rồi mất nhà thì tôi biết ở chỗ nào", ông Phương than thở.
Cách nhà ông Phương 30 m là ngôi nhà do con cháu trong dòng họ đóng góp, xây dựng cho bà Ngô Thị Bất (85 tuổi). Sụt lún nền đất cũng khiến ngôi nhà của bà Bất bị xé toạc nhiều chỗ. Do bà Bất tuổi cao, sức yếu lại sống một mình nên mỗi khi mưa gió, con cháu lại phải chạy sang đưa bà đến trú tạm nhà hàng xóm để đảm bảo an toàn.
Bà Bất tuổi cao, sức yếu lại sống một mình nên mỗi khi mưa gió, con cháu phải đưa bà đến trú tạm nhà hàng xóm để đảm bảo an toàn
KHẮC HIẾU
Xã Phong Vân nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Đà và sông Hồng. Theo chính quyền sở tại, thời gian vừa qua, tình trạng hút cát diễn ra công khai, tấp nập; hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm. Các tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu đặc kín quanh khu vực tàu hút đang hoạt động.
Hoạt động hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy, làm sạt trượt 900 m chân kè và làm nứt đường đỉnh kè; đồng thời khiến tường rào, tường nhà và công trình dân sinh bị nứt vỡ.
Theo thống kê của UBND xã Phong Vân, có 42 hộ dân ở xóm Bãi (thôn Vân Hội) bị ảnh hưởng như nứt tường bao, nhà, sân, trong đó có 19 ngôi nhà bị nứt dài từ 2 - 13 m.
Chia sẻ với Thanh Niên về thực trạng khai thác cát trên sông Đà, ông Ngô Trung Anh (75 tuổi, thôn Vân Hội) cho biết, khi đêm xuống, nơi này như một thành phố trên sông, tấp nập tàu thuyền bật đèn sáng choang.
"Cả một khúc sông ken kín hàng trăm chiếc tàu hút, tàu cuốc. Dân bất lực chỉ biết xua đuổi, gào thét. Chúng tôi biết làm thế nào, kêu ai? Từ khi nhà dân chưa bị nứt, chúng tôi đã cùng nhau xua đuổi tàu thuyền. Chính quyền cũng vào cuộc nhưng không lại", ông Anh cho hay.
Hoạt động hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy, làm sạt trượt 900 m chân kè, khiến 42 hộ dân bị ảnh hưởng
KHẮC HIẾU
Ông Ngô Phương Liên (72 tuổi, người địa phương) cho biết, trước kia ở đây không có tình trạng hút cát nhức nhối như thế này. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, có thời điểm hàng trăm tàu cùng hút cát trên sông Đà.
"Nhà em trai tôi ở xóm Bãi bị nứt hết. Bây giờ, dân biết kêu ai, đề nghị mãi cũng chẳng thay đổi gì vì chính quyền bảo đấy là tàu hút mỏ cát do bên tỉnh Phú Thọ cấp phép. Dân kêu nhưng không thấu", ông Liên nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Kinh tế H.Ba Vì, nguy cơ sạt lở một số nhà dân ở thôn Vân Hội rất cao. Chính quyền sở tại đã cắm biển cảnh báo, lên phương án bảo vệ với phương châm "4 tại chỗ" vì mùa mưa đang đến.
Huyện cũng kiến nghị UBND TP.Hà Nội hỗ trợ, phối hợp với tỉnh Phú Thọ có giải pháp thiết thực, hiệu quả đối với việc hút cát để khỏi ảnh hưởng tới người dân địa phương.
Bình luận (0)