Tàu khu trục Mỹ thực hiện 'hoạt động tự do hàng hải' gần Trường Sa

Khánh An
Khánh An
16/07/2022 09:55 GMT+7

Tàu khu trục USS Benfold của Hải quân Mỹ hoạt động gần Trường Sa, sau khi tiếp cận Hoàng Sa nhằm thể hiện quyền tự do đi lại theo luật pháp quốc tế.

Tàu khu trục USS Benford của Hải quân Mỹ ở Biển Đông

Hạm đội 7 hải quân mỹ

Hạm đội 7 Hải quân Mỹ ngày 16.7 ra thông cáo cho hay tàu khu trục USS Benfold của Hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông gần Trường Sa.

“Vào ngày 16.7 (giờ địa phương) USS Benfold khẳng định quyền đi lại và tự do [ở Biển Đông] gần quần đảo Trường Sa, theo luật pháp quốc tế”, thông cáo viết, và cho biết tàu tiếp tục hoạt động ở Biển Đông.

Theo thông cáo, những yêu sách phi pháp về hàng hải ở Biển Đông gây đe dọa nghiêm trọng đến tự do biển, bao gồm tự do cho tàu thuyền, máy bay, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế cho các nước trong khu vực.

Thông cáo nhắc lại rằng luật pháp quốc tế theo Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cung cấp các quyền và tự do cùng việc sử dụng hợp pháp vùng biển cho tất cả các nước.

“Cộng đồng quốc tế có vai trò lâu dài trong việc duy trì tự do ở các vùng biển, vốn trọng yếu đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng toàn cầu”, theo thông cáo.

Trước đó , Hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục USS Benfold đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Bên cạnh đó, hoạt động của Mỹ còn nhằm thách thức tuyên bố của Trung Quốc về đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa, cho rằng tuyên bố này không phù hợp với luật quốc tế.

Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc thông báo đã cho các đơn vị theo dõi và xua đuổi tàu Benfold, đồng thời chỉ trích hành động của Mỹ gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định tại Biển Đông, theo Reuters.

Hồi tháng 1, tàu Benfold cũng thực hiện một cuộc FONOP tương tự gần quần đảo Hoàng Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam được xác lập trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển đó đều vô giá trị và không được công nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.