Tôi rất tâm đắc với lời phát biểu mới đây (ngày 14.4) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông thăm và làm việc tại Tổng công ty Sông Thu. Tại đây, Thủ tướng có nhắc nhở chung, và có lẽ cũng là tư tưởng chủ đạo của Chính phủ: "Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ chiến lược phát triển công nghiệp đóng tàu...".
Tàu ngầm Trường Sa - do một doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Thái Bình chế tạo
Thủ tướng cũng đã giành thời gian đề cập và phân tích kỹ bài học thất bại của Vinashin năm nào. Với lợi thế của một đất nước có hàng ngàn km bờ biển, tài nguyên nhờ nguồn lợi từ kinh tế biển quả là vô cùng quý báu.
Có lẽ với tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng hiện nay, ngư dân chúng ta rất muốn có nhiều tàu tốt để vươn khơi xa, nhưng nếu ngành công nghiệp đóng tàu của ta không bắt kịp công nghệ tiên tiến, đổi mới tư duy quản trị, làm ra những con tàu có giá quá cao thì ngư dân không thể sắm nổi. "Trước đây chúng ta sai lầm trong việc bố trí lãnh đạo của Vinashin, bố trí một anh chuyên về kỹ thuật đóng tàu, từ trẻ chỉ chuyên đóng tàu, nay làm quản trị một khối tài sản lớn thì anh làm không nổi. Chúng ta đã rút kinh nghiệm để từ đó xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu mạnh, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nước ta gắn liền với biển, vì vậy, chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ chiến lược phát triển công nghiệp đóng tàu", Thủ tướng cho biết.
Phải chăng, đó chính là thông điệp của Nhà nước ta muốn chuyển tới mọi người trong nước và trên thế giới hiểu rằng, một đất nước gắn liền với biển từ muôn đời nay như Việt Nam, chúng ta kiên quyết đeo đuổi và khát khao làm giàu từ biển và đương nhiên cũng phải ra sức bám biểm, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng về biển đảo của Tổ quốc.
Đương nhiên, để làm được cả hai nhiệm vụ kinh tế và bảo vệ Tổ quốc, nó đòi hỏi chúng ta phải có một tư duy mới, không vì thất bại của việc đầu tư dàn trải suốt hàng chục năm qua ở ngành công nghiệp đóng tàu biển nước nhà mà nao núng, hoài nghi và mất nhuệ khí trước những thất bại không đáng có.
Thực tế đã cho thấy, trong "cái khó ló cái khôn" mà Tổng công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng) rõ ràng là một đốm lửa sáng trong lĩnh vực nghiên cứu và chế tạo tàu biển, vừa phục vụ kinh tế, vừa phục vụ quốc phòng. Những gì mà Sông Thu làm được những năm qua đã cho thấy yếu tố con người và bước đi của nó quan trọng tới nhường nào. Trong cái khó chung của nền kinh tế, của ngành công nghiệp đóng tàu biển Việt Nam, thương hiệu Sông Thu xứng đáng được ghi nhận và cũng là mô hình đáng học hỏi. Nhiều năm qua, dù nằm trong cái khó chung của ngành đóng tàu nước ta, Sông Thu vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định và doanh số cũng từng bước cải thiện.
Con người Việt Nam ta vốn thông minh và sáng tạo. Những câu chuyện gần đây ở nơi này, nơi kia có doanh nghiệp cơ khí, trình độ của họ mới chỉ ở cấp xã, cấp huyện, vậy mà họ dám nghĩ, dám làm cả những chiếc máy bay, cả tàu ngầm. Đành rằng nó cũng có cái gì vẫn chưa ổn trong việc này cần được các cơ quan khoa học góp ý, tư vấn thêm cho họ. Song, cái được là về mặt tinh thần, là thể hiện khát vọng và ý chí vươn cao, vươn xa của con người Việt Nam ta.
Vấn đề mà tôi muốn đề cập trong bài viết này là ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực đóng tàu quân sự, ngoài hướng đóng tàu chiến thì nay sẽ tính tới cả việc đóng tàu cá chất lượng, cỡ lớn và tàu chế biến hải sản ngay trên biển để giúp cho ngư dân khỏi trở về bờ sớm như lâu nay, khiến hiệu quả kinh tế vì thế sẽ không cao thì nay tại sao lại không mạnh dạn tính tới cả việc mua công nghệ, mua thiết kế của nước ngoài và tự đóng những chiếc tàu ngầm loại mini "Made in Vietnam" phục vụ bảo vệ biển đảo, khỏi phải mua nguyên chiếc của nước ngoài, tốn kém? Đành rằng, với những loại tàu lớn như dạng lớp KILO của Nga mà chúng ta vừa trang bị thì không dám nói, nó là cả một câu chuyện dài bởi trình độ của chúng ta còn thua xa và cũng không nên ảo tưởng (theo giới thạo tin quân sự nước ngoài họ đánh giá thì việc chúng ta vừa đặt mua mấy chiếc tàu ngầm cùng tiền đào tạo, duy tu, bảo dưỡng nó sau này của Nga là một cố gắng lớn, làm thay đổi cách nhìn của giới quân sự nước ngoài về lực lượng Hải quân Việt Nam).
Chúng ta đều biết, một vài nước có trình độ kỹ thuật cao về đóng tàu ngầm loại nhỏ (mini) trên thế giới đang có xu hướng muốn chuyển giao công nghệ sản xuất tàu ngầm cho những nước nào có nhu cầu trang bị nhiều nhưng trình độ nghiên cứu thiết kế còn hạn hẹp. Nếu chúng ta mạnh dạn đi theo hướng này, tôi nghĩ Việt Nam sẽ có lợi thế ít nhiều. Chí ít thì cũng sẽ phát huy tiềm năng đang sẵn có ở ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam nói chung, hiện lại đang gặp khó khăn trong khâu tìm đầu vào và cả đầu ra cho sản phẩm. Và ở đây, điều quan trọng là với một quốc gia có chiều dài bờ biển là 3.350 km (ấy là cách tính cổ điển. Còn theo cách tính của ngành địa lý hiện đại, Viện Tài nguyên Thế giới và Tổ chức môi trường Liên Hiệp Quốc tính thì chúng ta có tới 11409,1 km chiều dài bờ biển), lại có nhiều khu vực nước biển không sâu lắm thì việc ta tự đóng tàu ngầm mini bằng lối chuyển giao công nghệ là điều nên suy nghĩ!
Tuy nhiên, đó mói chỉ là cách nhìn của một người viết báo, mang tính gợi mở để chúng ta cùng nhau trao đổi thêm.
Hành Thiện *
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo đang sống và làm việc tại Hà Nội
>> Xưởng 'tàu ngầm' ở Thái Bình
>> Lễ thượng cờ cấp quốc gia tàu ngầm HQ-182 và HQ-183
>> Tiếp tục chạy thử nghiệm tàu ngầm mini tự chế Trường Sa
>> Tàu ngầm tự chế ra hồ thử nghiệm
>> Cận cảnh tàu ngầm Kilo TP.Hồ Chí Minh
>> Tàu ngầm Việt tự chế 'Trường Sa': Đường nào ra biển ?
Bình luận (0)