Tàu thương mại khả nghi tại bãi Tư Chính

Hành vi của nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN một lần nữa khẳng định tính nguy hiểm của chiến thuật “vùng xám” mà nước này đang tiến hành ở Biển Đông.

Chiến thuật “vùng xám”, hay còn được gọi là những hành động “dưới ngưỡng chiến tranh”, tức là không sử dụng hải quân mà thay bằng những lực lượng quân sự hoặc bán quân sự trá hình tiến hành các hoạt động trên biển nhưng không vượt qua một giới hạn nào đó để không kéo theo phản ứng quá mạnh từ các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bộ mặt đại diện của “vùng xám” mà ai cũng có thể nhìn thấy một cách rõ ràng chính là những tàu hải cảnh mà Trung Quốc đang sử dụng. Ngoài ra còn là các tàu dân quân biển ngụy trang dưới dạng tàu cá. Tính đến thời điểm hiện tại, theo dữ liệu theo dõi tàu biển, có khoảng 6 tàu hải cảnh đang tiến hành bảo vệ tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc trên thực địa.
Tuy nhiên còn một yếu tố khác cần được theo dõi và nghiên cứu nhiều hơn, đó là sự tham gia của các tàu thương mại dân sự. Tàu thương mại dân sự cũng đã xuất hiện trong vụ giàn khoan HD-981 năm 2014, tham gia trực tiếp chặn đường ngăn cản các tàu kiểm ngư VN tiếp cận giàn khoan.

Vị trí các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển VN tối 28.7.2019

Nguồn: Dự án Đại sự ký Biển Đông/Marine Traffic-  Đồ họa: Thái Nguyên

Nguy cơ “dân quân hỗn hợp”

Theo dõi tín hiệu vệ tinh qua trang Marine Traffic, chúng tôi phát hiện dấu vết của một tàu dân sự Trung Quốc quanh quẩn xung quanh tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng đoàn hộ tống. Thông tin từ các công cụ theo dõi tàu thuyền cho thấy đây là tàu thương mại Mei Cheng 822, bắt đầu rời cảng ở Châu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông ngày 28.6.2019. Cần lưu ý là tàu Hải Dương Địa chất 8 bắt đầu có mặt ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN từ ngày 3.7. Các dữ liệu điểm về vị trí của tàu Mei Cheng 822 trong những ngày qua cho thấy đây khó có thể chỉ là một tàu thương mại bình thường đang đi ngang qua khu vực này.
Đây không phải là một hành động quá mới của Trung Quốc. Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu C4ADS tại Mỹ, đã có tới khoảng 30 tàu thương mại dân sự được cho là hiện diện quanh giàn khoan HD-981 hồi năm 2014, trong đó chỉ có 10 tàu có thể xác định danh tính. Trong báo cáo được đăng trên trang của Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC), nhóm tác giả cho biết đã có ít nhất 3 tàu thương mại quốc doanh Trung Quốc tiến hành các hành vi phun nước, đâm va và rượt đuổi các tàu VN đang làm nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền của VN. Theo dõi đường đi của các con tàu cho thấy chúng phối hợp với nhau, cũng như phối hợp với các tàu Trung Quốc khác trên thực địa.
Lâu nay, dân sự - quân sự hỗn hợp luôn là một khái niệm chủ đạo trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và là một cấu phần quan trọng của chiến lược “vùng xám”. Nói một cách đơn giản, trong thời chiến cũng như thời bình, nước này cố gắng kết hợp các lực lượng dân sự (nhân lực, vật lực, tài lực) vào hệ thống hậu cần quân sự chung.
Quan hệ giữa các chủ thể dân sự và quân sự được thể hiện thông qua quan hệ chặt chẽ giữa lực lượng hỗ trợ hậu cần của quân đội Trung Quốc và các công ty dân sự. Vụ HD-981 đã cho thấy một thực tế là Bắc Kinh xem các công ty quốc doanh và các tài sản của họ (cũng như các công ty tư nhân) mang tính lưỡng dụng, có thể tận dụng những tài sản này để đạt mục đích bảo đảm quyền và lợi ích ở nước ngoài.

Toan tính độc chiếm

Theo chúng tôi, có những lý do sau để Trung Quốc sử dụng tàu thương mại dân sự trong những vụ xâm phạm như HD-981 và, như chúng tôi nghi ngờ, ở Tư Chính.
Thứ nhất, có thể Bắc Kinh yêu cầu các công ty quốc doanh tham gia tranh chấp để đổi lấy được thực hiện các dự án ngoài khơi. Cần lưu ý 2 công ty đóng góp tàu thương mại nhiều nhất trong vụ HD-981 đều là doanh nghiệp dầu khí: Công ty kỹ thuật ngoài khơi thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (5 tàu) và Công ty dịch vụ dầu Trung Quốc (2 tàu). Khả năng nữa là các tàu này được triển khai để hỗ trợ lực lượng dân quân biển.
Thứ hai, Trung Quốc muốn kiểm tra năng lực của đội tàu thương mại dân sự trong trường hợp xung đột cũng như phản ứng của các bên khác. Hàm ý của việc “thử lửa” này thậm chí vượt ra ngoài khuôn khổ tranh chấp Biển Đông khi Trung Quốc có ý định sử dụng tàu thương mại trong hoạt động quân sự viễn dương, bao gồm hậu cần hay trinh sát.
Thứ ba, là một phần trong tổng thể chiến lược “vùng xám”, sự tham gia của các tàu thương mại (cũng như tàu dân quân biển) giúp Trung Quốc chủ động hơn trong việc tăng hay giảm mức độ căng thẳng theo ý muốn. Ngoài ra, nước này có thể thử nghiệm các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông về hậu cần, duy trì hỗ trợ tác chiến...
Cuối cùng, là tăng cường kinh nghiệm phối hợp hoạt động của toàn bộ các cấu phần của “cây cải bắp”: hải cảnh, dân quân biển, tàu thương mại. Đặt trong bản chất “vùng xám”, tức là giữ căng thẳng dưới ngưỡng chiến tranh, có thể thấy càng sở hữu nhiều “lớp bắp cải”, Trung Quốc càng có thêm sức mạnh cưỡng ép trên thực địa.
Vì vậy, sự hiện diện của các con tàu thương mại dân sự càng khẳng định những toan tính của Trung Quốc, về chiến thuật cũng như chiến lược, nhằm độc quyền kiểm soát Biển Đông.
 

Trung Quốc có thể điều tàu nghiên cứu mới xuống Biển Đông


Bộ Tài nguyên Trung Quốc vừa nhận chiếc tàu nghiên cứu mới mang tên Đại Dương, với chiều dài 98,5 m, chiều rộng 17 m và lượng giãn nước gần 4.600 tấn, theo tờ South China Morning Post. Với vận tốc tối đa 29,6 km/giờ và tầm hoạt động gần 26.000 km, tàu Đại Dương có khả năng tiến hành hoạt động thăm dò nước sâu ở bất kỳ đại dương nào của thế giới. Truyền thông Trung Quốc khoe rằng việc nhận tàu Đại Dương “đánh dấu thời kỳ mới trong nghiên cứu và thăm dò nguồn thủy sản cũng như giúp duy trì lợi ích của quốc gia ở vùng biển quốc tế”.
Một số nhà quan sát dự đoán rất có khả năng tàu Đại Dương sẽ được triển khai đến Biển Đông giữa lúc Trung Quốc liên tục có hành động gây quan ngại nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý. Trong đó, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin (Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định nếu được đưa xuống Biển Đông, tàu Đại Dương sẽ giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện ở khu vực. Ông Koh còn lưu ý “việc thu thập thông tin và dữ liệu đại dương quan trọng của tàu có thể giúp Bắc Kinh hiểu rõ hơn về Biển Đông, hỗ trợ tối ưu hóa các hoạt động dân sự và quân sự của nước này - tất cả đều nhằm hỗ trợ Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền”.
Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.