Tàu vũ trụ Nga cập bến ISS để giải cứu phi hành gia mắc kẹt

27/02/2023 07:23 GMT+7

Tàu vũ trụ Nga được phóng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) để giải cứu các phi hành gia đang bị mắc kẹt đã cập bến ISS thành công hôm 26.2.

Tàu vũ trụ Nga thành công cập bến ISS để giải cứu phi hành gia mắc kẹt - Ảnh 1.

Chỗ hư hỏng được cho là đã khiến tàu Soyuz MS-22 rò rỉ, làm các phi hành gia mắc kẹt trên ISS

REUTERS

Reuters dẫn lại thông báo của cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết tàu vũ trụ Soyuz MS-23 của Nga đã cập bến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hôm 26.2 để thực hiện sứ mệnh đưa các phi hành gia đang mắc kẹt tại đây về trái đất.

"Hôm nay lúc 3 giờ 58 phút (giờ Moscow), tàu vũ trụ không người lái Soyuz MS-23 đã cập bến mô đun Poisk của ISS ở chế độ tự động", Roscosmos cho biết trên kênh Telegram của cơ quan này ngày 26.2.

Tàu Soyuz MS-23 đã cất cánh từ trung tâm vũ trụ Baikonour ở Kazakhstan vào ngày 24.2 để đưa các nhà du hành vũ trụ người Nga Sergey Prokopyev và Dmitry Petelin cùng phi hành gia người Mỹ Francisco Rubio về trái đất vào tháng 9.

Cả ba phi hành gia này đáng lẽ sẽ kết thúc nhiệm vụ của mình vào tháng 3. Tuy nhiên, họ bị mắc kẹt trên trạm không gian sau khi hệ thống làm mát của tàu Soyuz MS-22, con tàu đưa nhóm phi hành gia lên ISS, bắt đầu xảy ra rò rỉ cách đây 2 tháng. Tàu Soyuz MS-22 sẽ được đưa trở lại trái đất vào tháng tới mà không chở theo người.

Vụ rò rỉ đã khiến Roscosmos và NASA phải sắp xếp lại lịch trình, đồng thời hoãn các chuyến đi bộ ngoài không gian đã lên kế hoạch. Ông Yuri Borisov, giám đốc điều hành của Roscosmos, cho biết chuyến đi bộ tiếp theo trong không gian của các nhà du hành vũ trụ Nga tại ISS sẽ diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5.

Nga có thể cần giải cứu khẩn cấp trạm không gian ISS sau vụ rò rỉ tàu Soyuz

Các hãng thông tấn Nga đưa tin tàu Soyuz MS-23, con tàu vừa được phóng lên, cũng chở thêm 429 kg hàng hóa bao gồm thiết bị y tế, các công cụ khoa học, nước, thực phẩm và đồ tẩy rửa đến ISS để kéo dài sứ mệnh của các phi hành gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.