Một số xe taxi của Hãng Vinasun tại TP.HCM dán đề can ở sau xe với nội dung “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật VN”...
tin liên quan
Nhiều taxi ở TP.HCM đồng loạt dán decal phản đối Grab và UberNhiều xe taxi Vinasun hoạt động trên địa bàn TP.HCM dán decal yêu cầu dừng thí điểm taxi Grab và Uber vì bất công trong kinh doanh. Nhiều người dân cho rằng phản đối không phù hợp mà hãy thay đổi cách kinh doanh để hút khách.
Không phải chủ trương của DN?
Tình trạng xe taxi ở Hà Nội dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab với sự “góp mặt” của nhiều hãng taxi. Nội dung của các khẩu hiệu này rất chi tiết như “50.000 xe thí điểm của Uber, Grab doanh thu 18.000 tỉ đồng, nhưng chỉ nộp ngân sách 15,8 tỉ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”, “Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông”...
|
Những nội dung này đã được Hiệp hội Taxi Hà Nội đưa ra trong văn bản kiến nghị dừng hoạt động Uber và Grab tại VN gửi Thủ tướng Chính phủ vào tuần trước. Cụ thể, theo hiệp hội, tổng số xe tham gia thí điểm hiện nay cả Uber và Grab là 50.000 xe.
Với doanh thu bình quân 30 triệu đồng/xe/tháng, theo công bố của Uber và Grab thì 1 tháng doanh thu của Uber và Grab là 1.500 tỉ đồng. Tổng số thuế phải nộp của một công ty là 67,5 tỉ đồng/tháng, tương ứng 810 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, với số 20% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm, dòng tiền chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 3.600 tỉ đồng. “Số tiền thất thu của ngân sách nhà nước là rất lớn”, Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định.
Trước đó, ngày 2.10, Hiệp hội Taxi TP.HCM có công văn kiến nghị về thí điểm hợp đồng điện tử với xe dưới 9 chỗ. Trong văn bản, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch hiệp hội, khẳng định rằng quyết định cho thí điểm loại hình taxi điện tử như Uber, Grab của Bộ GTVT đã để lại nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội của đất nước. Chẳng hạn số lượng phương tiện bùng nổ nhiều lần so với quy hoạch, số xe thí điểm hầu hết không dán logo, phù hiệu... nên việc kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước rất khó khăn, từ đó dẫn đến nghĩa vụ thuế không được tính đầy đủ, gây thêm tình trạng ùn tắc giao thông.
Theo các hãng taxi, việc dán khẩu hiệu phản đối là hành động tự phát do bức xúc của các tài xế, không phải chủ trương của doanh nghiệp (DN).
tin liên quan
Bộ GTVT bị tố sai phạm trong thí điểm Uber, GrabHiệp hội Taxi Hà Nội (VATA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội và TP.HCM phản ánh “các sai phạm của chương trình thí điểm Quyết định 24 của Bộ GTVT”.
Mấu chốt là môi trường bình đẳng
Chuyên gia về pháp luật kinh doanh Trần Hữu Huỳnh phân tích, nếu đây chỉ là hành vi tự phát của tài xế thì không thể quy kết vi phạm pháp luật, còn nếu là hành vi có tổ chức, theo chủ trương của hãng thì sẽ liệt vào hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
GS-TS luật Nguyễn Vân Nam cho rằng dựa vào nội dung được đưa ra trên các tấm khẩu hiệu, có thể hành động trên sẽ vi phạm 2 điều trong luật Kinh doanh, một là gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác, hai là vi phạm bí mật kinh doanh. Trong cả 2 trường hợp, các hãng taxi như Uber, Grab phải chứng minh được tổn thất, hoặc phải có hành động kiến nghị, thưa kiện để được cơ quan chức năng xem xét xử lý. Và nếu vi phạm, không kể hành vi tự phát hay có tổ chức, đều phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng việc các hãng taxi truyền thống bức xúc không phải không có cơ sở. Có nhiều điều kiện quan trọng taxi truyền thống buộc phải có nhưng Uber, Grab lại không cần. Đơn cử như việc người lái xe không phải chịu trách nhiệm bảo hiểm cho khách hàng khi có tai nạn xảy ra. Điều này vừa nguy hiểm cho khách hàng vừa không công bằng với taxi truyền thống.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Xe khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, đánh giá hành vi dán khẩu hiệu của các tài xế taxi truyền thống là không nên, vì Uber và Grab là loại hình vận tải mới, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ, đi lại rẻ hơn, đảm bảo thời gian, an toàn, nên được khuyến khích. Bộ GTVT cũng không dám tự quyết mà đã hỏi ý kiến các sở và trình xin Thủ tướng cho phép thí điểm mô hình này trong vòng 2 năm.
tin liên quan
GrabBike - Những cuốc xe đời - Kỳ 6: Thạc sĩ, ca sĩ chạy GrabBikeNgày nọ, cổng chính dành cho giáo viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có một tài xế GrabBike chạy thẳng xe vào. Bảo vệ chặn lại: “Đón khách ngoài kia, anh ơi!”. Tài xế cởi khẩu trang, anh bảo vệ ngẩn người vài giây vì nhận ra người quen: thạc sĩ hóa học Phùng Gia Thịnh.
Tuy nhiên trong quá trình thí điểm phát sinh nhiều vấn đề, lẽ ra Bộ nên có sơ kết hoạt động để đưa ra giải pháp thỏa mãn cả 2 phía, không nhất thiết phải chờ đến năm 2018 mới tổng kết. “Bộ, các sở nên tạo điều kiện cho taxi truyền thống được hoạt động thuận lợi như Uber, Grab để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Các hãng taxi truyền thống cũng cần có những bước trở mình, nâng cấp, hoàn thiện”, ông Tính đề xuất.
Bình luận (0)