Ở Lào gọi Bunpimay, còn Thái là Songkran... Để biết được nét văn hóa của các dân tộc bạn, tổ chức một tour du lịch ba lô vào dịp này là thú vị nhất.
Từ sáng 13.4, trên đường từ Seno đến Vientiane là ngày đầu tiên của lễ hội té nước Bunpimay vào những ngày đầu năm mới của các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Đây là một tập quán văn hóa lâu đời mà ở đó người dân té nước vào nhau để cầu may, bình yên cho cả năm, mang đến sự mát mẻ, phồn vinh và làm thanh khiết cuộc sống. Ngay giữa nắng nóng, trẻ con hai bên QL13 của Lào đã mang những thùng phuy chứa nước đặt sẵn, ống bơm nước bằng điện và súng bắn nước bằng nhựa sẵn sàng bắn vào những chiếc xe chạy ngang qua.
Hai bên đường, loại cây muồng hoàng yến (tên gọi khác là muồng hoàng hậu, hoa lồng đèn, bò cạp nước hoặc Osaka) đã trổ hoa vàng rực. Người dân mừng lễ cắt những bó hoa treo trước nhà hoặc trên xe như chưng hoa mai ở nước mình. Thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại ở những thị tứ hoặc thành phố, nếu mất cảnh giác sẽ bị “ăn nước” ngay! Về đến thành phố Bolykhamxay và thủ đô Vientiane vào ban đêm mới thấy được sự náo nhiệt. Từ các khuôn viên chùa chiền đến các tụ điểm công cộng như công viên, nhà hàng... những sân khấu đông nghịt thanh niên nam nữ cùng nhau nhảy múa, hát hò đến tận khuya. “Chủ yếu là vui! Người Lào thích vui khi có lễ hội!”, một thanh niên Lào đi chơi với bạn gái kể trong lúc người họ ướt nhẹp.
Làm thủ tục nhập cảnh ở cửa khẩu Nong Khai với chi phí 15 baht, chúng tôi vào địa đầu của vùng đông bắc Thái (gọi là vùng Isan). Udon Thani cách đó hơn một giờ xe, là nơi đông người Việt nhất tại khu vực này. Udon phát triển trong chiến tranh VN với các căn cứ quân sự và sân bay của quân đội Mỹ nên nhiều người Thái nói tiếng Anh khá trôi chảy.
Ngay trong những ngày nhộn nhịp ở lễ hội Songkran đầu năm, cứ đi ra đường là bị “ăn nước” của các bạn trẻ dù đêm hay ngày. Nhưng ấn tượng của chúng tôi vẫn là sự nhộn nhịp của một thành phố địa đầu EWEC ở phía đông bắc, có thể là sầm uất hơn nhiều lần so với Mukdahan ở phía giáp giới với Savanakhet. Các siêu thị, trung tâm văn hóa, các chợ đầu mối nông sản luôn tấp nập xe hơi ra vào của người mua sắm và du khách.
Một sân khấu lớn đặt trước siêu thị Central Plaza với các danh ca từ Bangkok xuống diễn, quy tụ hàng ngàn người xem. Trên phố, nhiều chiếc xe pickup luân phiên đi lấy nước vào các thùng, chạy khắp phố để bắn vào bất cứ ai. Trai bắn vào gái và ngược lại. Hết nước lại quay về hồ nước ở công viên lấy tiếp. Nhiều du khách châu Âu cũng được bạn bè trang bị súng nhựa đi bộ trên những con phố để bắn vào người khác. Cả một thành phố ướt nhẹp nhưng rất vui vì tiếng cười la. Du khách được lễ tân khách sạn dặn phải mua túi ni lông có dây đeo để đựng điện thoại và giấy tờ…
Người Thái tuy vậy rất tôn trọng luật pháp. Xe kẹt đường trong lễ hội nhưng không ai chen lấn. Cũng không thấy nạn đua xe hay gây lộn. Cảnh sát cũng xuất hiện ở vài điểm nhằm tập trung hướng dẫn và giải tỏa ách tắc. Sau vui chơi là ăn uống. Cả khu chợ ẩm thực ở trung tâm Udon, nơi cấm hút thuốc lá, không còn một chỗ trống, nhưng không thấy ai say xỉn, không thấy ai xả rác.
Một thanh niên Thái kể rằng trong dịp lễ là tập trung đến chùa để cúng Phật từ sáng sớm, rồi đến nhà bạn bè chúc tụng nhau, sau đó cùng đến các tụ điểm để vui chơi. Người lớn thì ở nhà ăn uống cùng nhau, nói chuyện vui vẻ như ý nghĩa một cái tết đoàn tụ dưới màu hoa muồng hoàng yến - quốc hoa của xứ Thái, tượng trưng cho hoàng gia.
Udon cũng là nơi mà người dân thức dậy rất sớm, cho dù là ngày lễ. Sáng hôm sau chúng tôi đi bộ đã thấy cả thành phố sạch tươm. Gặp những công nhân vệ sinh, người đi tập thể dục buổi sáng và cả những người buôn bán nhỏ như các quán cà phê, điểm tâm dọc các con phố, gần nhà ga, bến xe… chẳng khác gì ở các thành phố xứ mình. Một ông bảo vệ lớn tuổi tại siêu thị Central Plaza ở Udon nói: “Udon giàu lên sau chiến tranh VN, giờ thì nhờ hành lang kinh tế Đông - Tây nên rất phát triển, nhưng người dân luôn nhớ mình là một tỉnh nghèo nên luôn luôn biết chịu khó làm ăn và tằn tiện. Cho nên dù là dịp lễ quan trọng của năm vẫn không phung phí…”.
Bình luận (0)