Tây Ninh: Thiếu dung dịch cao phân tử chống sốc sốt xuất huyết

Giang Phương
Giang Phương
16/07/2022 19:24 GMT+7

Trong khi số ca sốt xuất huyết vẫn tăng mạnh, nhưng hiện các cơ sở y tế ở Tây Ninh đang gặp khó khăn vì thiếu dung dịch cao phân tử chống sốc sốt xuất huyết.

Ngày 16.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh cho biết từ đầu năm đến nay, tỉnh này ghi nhận 5.087 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 2,35 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 5 ca tử vong. CDC Tây Ninh cũng dự báo nguy cơ bùng phát dịch SXH tiếp tục lan rộng trong thời gian tới.

SXH có nguy cơ bùng phát tại Tây Ninh

GIANG PHƯƠNG

Thiếu thuốc điều trị

Trong khi đó, hiện các cơ sở y tế lại đang gặp khó khăn về thuốc điều trị, nhất là dung dịch cao phân tử chống sốc SXH cho bệnh nhân nặng. Phương án tạm thời mà ngành y tế thực hiện chủ yếu chuyển lên bệnh viện ở TP.HCM đối với ca diễn tiến nặng.

Báo cáo của Bệnh viện đa khoa Tây Ninh, 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã tiếp nhận điều trị nội trú 701 ca SXH và 298 ca điều trị ngoại trú. Trong đó, có 33 ca diễn tiến nặng và đã có 1 ca tử vong. Việc điều trị các ca SXH nặng cần dùng các dịch truyền cao phân tử như Dextran 40, Dextran 70, HES 200.000 dalton, nhưng vẫn chưa tìm được nguồn cung cấp.

Việc điều trị SXH tại Tây Ninh hiện gặp nhiều khó khăn

GIANG PHƯƠNG

Tạm thời, bệnh viện phải sử dụng dung dịch HES 130.000 dalton 6% hoặc Gelatin 4% thay thế, trong trường hợp có chỉ định sử dụng dịch truyền cao phân tử theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bệnh viện cũng chỉ còn 71 chai Gelatin 4%. Căn cứ vào số lượng tồn kho, bệnh viện mua Tetraspan 6% (HES 130.000 dalton 6%) theo hình thức chỉ định thầu rút gọn để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị.

Tây Ninh cần hỗ trợ 1.000 chai dịch truyền cao phân tử

Ông Biện Văn Tư, Giám đốc CDC tỉnh Tây Ninh nhìn nhận, ngành y tế của tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống SXH, do hiện nay các máy phun khử khuẩn xử lý môi trường được trang bị đã lâu, hư hỏng nhiều.

Ngoài ra, khó khăn gặp phải khi áp dụng Nghị định 98 ngày 8.11.2021 của Chính phủ về việc mua sắm mới trang thiết bị và hoá chất diệt muỗi. Do đó, CDC tỉnh Tây Ninh cũng đã kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh 20 máy phun STIHL đeo vai, 2.000 lít hoá chất diệt muỗi và 1.000 chai dịch truyền cao phân tử loại Dextran 40, Dextran 70 hoặc 6% HES 200.000 hoặc Gelatin (loại thuốc đặc trị chống sốc dùng cho bệnh nhân bị SXH nặng).

Ông Biện Văn Tư, Giám đốc CDC tỉnh Tây Ninh cho biết ngành y tế Tây Ninh đang cần Bộ Y tế hỗ trợ thuốc đặc trị chống sốc dùng cho bệnh nhân bị SXH nặng

GIANG PHƯƠNG

Trước kiến nghị này, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Nguyễn Vũ Thượng cho biết, trước mắt ngành y tế Tây Ninh cần ưu tiên cho vùng trọng tâm, trọng điểm với việc tận dụng số hóa chất còn lại và thiết bị phun xịt còn sử dụng được. Nếu cần hỗ trợ về kỹ thuật, Viện Pasteur TP.HCM sẵn sàng hỗ trợ cho Tây Ninh mở các lớp tập huấn ngay.

Liên quan đến công tác điều trị, ông Thượng cũng đề nghị Sở Y tế Tây Ninh nên có văn bản nhắc nhở cho tất cả các bệnh viện công và tư trên địa bàn tỉnh. Thậm chí tổ chức tập huấn cho tất cả cơ sở y tế để nhận biết sớm các biểu hiện SXH, từ đó điều trị kịp thời. Bởi nếu phát hiện giai đoạn quá muộn thì bệnh nhân dễ chuyển nặng, việc điều trị gặp khó khăn và thậm chí dẫn đến tử vong sẽ rất cao.

Trong buổi kiểm tra thực tế và làm việc với ngành y tế tỉnh Tây Ninh mới đây, ông Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết Tây Ninh đang đứng thứ 6 so với các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam. Nhưng nếu tính theo tỷ lệ dân số, thì Tây Ninh có khoảng 426 ca/100.000 dân, đứng thứ 1 khu vực phía Nam. Trong đó, chỉ tính riêng TP.Tây Ninh, TX.Trảng Bàng và H.Dương Minh Châu, Gò Dầu, Tân Châu đã chiếm tới hơn 72% số ca mắc của 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Tây Ninh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.