Liệt mặt do ngủ quạt, bật điều hòa sai cách

Lê Cầm
Lê Cầm
13/07/2022 04:00 GMT+7

Bật quạt hướng thẳng vào mặt, nằm điều hòa quá lạnh xuyên đêm là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bị tê, liệt mặt phải nhập viện điều trị.

Miệng lệch, mắt không nhắm được do ngủ quạt, điều hòa quá lạnh

Anh H.L.T, 34 tuổi, ở quận 10, TP.HCM cho biết, anh bị mắc mưa sau giờ đi làm về, đến đêm ngủ có bật quạt hướng thẳng vào vùng đầu mặt cho mát. Đến sáng anh phát hiện các triệu chứng như tê một bên mặt, mắt trái nhắm không kín, miệng lệch.

Lo lắng vì nghĩ là tai biến mạch máu não nên anh T. đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 để khám. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định anh T. bị liệt dây 7 ngoại biên nghĩ do lạnh. Sau 4 tuần điều trị bằng châm cứu - xoa bóp và vật lý trị liệu, các triệu chứng cải thiện khoảng 90%.

Tương tự, nữ bệnh nhân N.A.H, 15 tuổi, ở Hóc Môn, TP.HCM thường xuyên ngủ máy lạnh nhiệt độ thấp, sáng ngủ dậy rửa mặt thì thấy nước chảy ở một bên khóe miệng, mắt nhắm không kín một bên nên được người nhà đưa đến bệnh viện để khám.

Qua thăm khám, em H. được chẩn đoán liệt dây 7 ngoại biên nghĩ do lạnh. Bác sĩ chỉ định điều trị bằng các biện pháp châm cứu - xoa bóp bấm huyệt và kèm theo thuốc thang. Sau 2 tuần đã có những chuyển biến rõ, mắt nhắm tương đối kín, miệng uống nước không còn bị chảy.

Bác sĩ Kim Oanh thăm khám cho bệnh nhân

H.N

Bé 1 tuổi liệt mặt, méo miệng do ngủ quạt sai cách

Liệt mặt ngoại biên do lạnh

ThS-BS. Ngô Thị Kim Oanh- Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, trong những ngày trời nắng nóng nhiều người có thói quen ngủ dưới máy lạnh và quạt với cường độ cao. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây nên liệt mặt ngoại biên dẫn đến mất thẩm mỹ, ảnh hưởng công việc, tâm lý người bệnh và chất lượng sống.

"Liệt mặt ngoại biên do lạnh mức độ nhẹ 80% sẽ tự lành trong vòng vài tuần sau đó. Tuy nhiên, nếu nặng thì việc điều trị gặp khó khăn. Bệnh thường khởi phát đột ngột, sau đêm ngủ dậy, liệt nửa mặt hoàn toàn xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ", bác sĩ Oanh chia sẻ.

Theo bác sĩ Oanh, khi nhìn vào sẽ thấy mặt người bệnh mất cân xứng, các cơ mặt bị kéo về một bên, nếp nhăn vùng trán, ranh mũi má mắt, nhân trung lệch, miệng méo. Ngoài ra, mắt nhắm không kín, nhãn cầu chuyển động lên phía trên. Bệnh nhân gặp khó khăn khi thực hiện các động tác nhăn trán, nhíu mày, nhăn răng, trề môi, phồng má, thổi sáo…Triệu chứng phụ có thể gặp là ù tai, chảy nước mắt bên liệt,…

Bác sĩ xoa bóp bấm huyệt - tập vật lý trị liệu điều trị liệt mặt cho bệnh nhân

Lê Cầm

Khi có những biểu hiện trên người bệnh cần tới cơ sở y tế uy tín để khám tìm ra nguyên nhân, tầm soát mức độ tổn thương của dây thần kinh bằng các triệu chứng lâm sàng và điện cơ vùng mặt. Người bệnh bị liệt mặt ngoại biên mức độ nặng nếu không được điều trị và hướng dẫn đúng cách sẽ dẫn đến nhưng biến chứng nặng nề như xuất hiện dấu giật ở mặt, viêm loét giác mạc, liệt cứng....

Trong y học cổ truyền để điều trị liệt mặt ngoại biên có thể áp dụng nhiều phương pháp phối hợp như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động vùng mặt, thuốc y học cổ truyền, thủy châm, cấy chỉ....

Không nên để điều hòa nhiệt độ quá thấp hay quay thẳng vào mặt

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa Y học cổ Truyền, Đại học Y dược TP.HCM cho biết, chúng ta không nên để điều hòa nhiệt độ quá thấp. Bởi việc thay đổi trạng thái cơ thể từ nhiệt độ cao sang môi trường có nhiệt độ thấp, có thể gây choáng váng.

"Khi ở phòng điều hòa, nhiệt độ không đủ cao để mồ hôi bốc hơi, do đó mồ hôi dễ thấm ngược lại và gây cảm lạnh. Mạch máu có thể bị co đột ngột dẫn đến tình trạng tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ", bác sĩ Vũ phân tích.

Ngoài ra, theo BS.CKI Nguyễn Minh Thuận, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, nhiệt độ tăng vào ngày hè khiến cơ thể cảm thấy nóng bức, lúc này sự hỗ trợ của quạt máy hay điều hòa là điều mà nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta lại có thói quen ngồi trực tiếp dưới điều hòa hay quạt máy để làm mát nhanh chóng.

Theo bác sĩ Thuận đây là một thói quen không tốt, bởi lúc này cơ thể tiết ra mồ hôi nhiều khiến các mạch máu dưới da bị giãn nở để tỏa nhiệt. Nếu để những luồng gió lớn thổi trực tiếp vào người thì mồ hôi sẽ càng bốc hơi mạnh, từ đó làm nhiệt độ ngoài da giảm và các mạch máu bị co lại đột ngột trong khi nhiệt độ bên trong cơ thể lại chưa ổn định. Chính điều này là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng nhiệt độ giữa môi trường trong và ngoài. Hậu quả là sau khi đứng dậy, bạn sẽ rất dễ gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt hay đột quỵ ngay tại chỗ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.